Chung tay xóa nghèo ở xã đặc biệt khó khăn

Những năm qua, huyện Mai Sơn đã huy động hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, giúp hộ nghèo từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Huyện Mai Sơn phát động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân chung tay xóa nhà tạm cho hộ nghèo.

“Doanh nghiệp chung tay cùng cấp ủy, chính quyền giúp đỡ các xã vùng III vươn lên thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn” là một trong 12 chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Sơn về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Triển khai thực hiện, Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, quán triệt đến cơ sở. Chỉ đạo 10 xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị phương án hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của từng xã.

Đồng chí Hà Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Tổ trưởng Tổ công tác, cho biết: Trên cơ sở kết quả rà soát, đề xuất của các xã, Tổ công tác đã làm việc với từng xã, kiểm tra thực địa, khâu nối với các doanh nghiệp, HTX để huy động kinh phí hỗ trợ nhân dân. Trong đó, tập trung vào các nội dung hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển các loại cây trồng có lợi thế, hiệu quả kinh tế cao; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân; giới thiệu việc làm cho các hộ thiếu đất sản xuất; hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, nuôi nhốt chuồng theo hướng hiệu quả, bền vững và huy động nguồn lực xóa nhà tạm cho hộ nghèo.

Từ năm 2022 đến nay, huyện kết nối Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La và Công ty cổ phần Mía đường Sơn La với các xã vùng nguyên liệu trồng mía, trồng sắn, để có phương án hỗ trợ, có cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Đến nay, 10 xã vùng III có 3.729 ha sắn; trong đó, Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La hỗ trợ 10 tấn giống sắn mới, phân bón thực hiện các mô hình với tổng diện tích 5 ha, tại 4 xã Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Phiêng Pằn, Tà Hộc, năng suất trung bình đạt 32 tấn củ tươi/ha; Công ty cổ phần Mía đường Sơn La duy trì gần 2.400 ha mía nguyên liệu; tăng cường cán bộ nông vụ đồng hành với nông dân trong sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cung ứng phân bón phù hợp với cây mía, xây dựng mô hình thâm canh giống mới. Vận động bà con tận dụng phụ phẩm cây mía để phát triển chăn nuôi gia súc, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.

Ông Lò Văn Pản, bản Sàng, xã Chiềng Lương, cho biết: Bản có 33 ha đất sản xuất, từ ngày ký kết trồng mía và được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giờ đây, các gia đình trong bản có thu nhập ổn định hơn.

Bên cạnh hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Mai Sơn đặc biệt quan tâm hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cho biết: Qua rà soát, 10 xã đặc biệt khó khăn, có 1.039 nhà tạm, nhà dột nát cần xóa. Huyện ủy đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách chỉ đạo, phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác nguồn lực tại chỗ, cùng với hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để xóa nhà tạm. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn 10 xã đã xóa hơn 200 nhà tạm, tổng kinh phí trên 16,7 tỷ đồng; trong đó, huy động từ các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân trên 2,3 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2023, tại 10 xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn đã giảm 649 hộ nghèo so với năm 2022; tỷ lệ giảm nghèo bình quân 6,29%/xã. Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của các xã đặc biệt khó khăn từ 4-5%/năm; đến hết năm 2025, có 5 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, huyện Mai Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp vận động bà con mở rộng diện tích cây trồng làm nguyên liệu phục vụ chế biến, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/chung-tay-xoa-ngheo-o-xa-dac-biet-kho-khan-l5w0SqBIg.html