Chung tay phòng, chống mua bán người

Hoạt động mua bán người hiện đang trở thành vấn nạn nhức nhối trên phạm vi toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người; sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh của các quốc gia, dân tộc và là nguyên nhân trực tiếp của nhiều loại tội phạm khác. Vì vậy, từ năm 2013, Liên hợp quốc đã đưa ra chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu và chọn ngày 30/7 hàng năm là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người.

Năm nay, chủ đề Ngày thế giới phòng, chống mua bán người được Liên Hợp Quốc đưa ra là: "hướng đến từng nạn nhân của nạn buôn bán người, không để ai bị bỏ lại phía sau" với mong muốn nâng cao nhận thức về những xu hướng, những diễn biến đáng lo ngại trước vấn nạn mua bán người trên thế giới và cần được mọi người nhận diện để tăng cường nỗ lực hơn trong công tác phòng ngừa và hỗ trợ các nạn nhân.

Ở Việt Nam, Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Cũng từ năm 2016, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (gọi là Ban chỉ đạo 138/CP) chủ trì hoạt động kỷ niệm ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Đối với tỉnh Ninh Bình, ngày 05/7/2023, UBND tỉnh đã có văn bản số 429/ UBND-VP6 về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7". Mua bán người là một hoạt động kinh doanh phi pháp "siêu lợi nhuận" chỉ sau buôn ma túy và vũ khí. Vì vậy, có nhiều kẻ hám lợi đã trở thành tội phạm mua bán người làm cho hoạt động này những năm qua diễn biến rất phức tạp.

Theo một báo cáo, tất cả các tỉnh, thành phố của nước ta đều đã từng xảy ra hoạt động mua bán người. Ở tỉnh Ninh Bình, mới đây nhất là ngày 6/12/2022, Phạm Văn Đ sinh năm 1987 ở Tuyên Quang đã bán Bàn Thị TT, sinh tháng 3/2008 ở Bắc Giang cho Vũ Thị H, ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình với số tiền 16 triệu đồng để làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke.... Hiện, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Đ và Vũ Thị H về tội "mua bán người dưới 16 tuổi".

Qua nhiều vụ án cho thấy đối tượng của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Bọn tội phạm lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhận thức của một số ít người còn thấp; hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc không gặp may mắn trong cuộc sống; hoặc có những người "muốn bỏ sức lao động ít mà đòi thu nhập cao"; hoặc là phụ nữ có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc; trẻ em vị thành niên thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường, thích ăn chơi, đua đòi, bỏ học đi bụi... để chúng lôi kéo, dụ dỗ dần dần trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người. Mánh lới, thủ đoạn của những kẻ buôn người rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, hay đi du lịch, hoặc giới thiệu việc làm nhẹ nhàng, lương cao...

Có những tên tội phạm lợi dụng mạng xã hội làm quen, giả vờ yêu đương, rủ rê đi chơi, đi ăn... rồi bán qua biên giới hoặc bán cho những kẻ buôn người khác.... Những người khi đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người sẽ phải lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, bị giam cầm, đánh đập, hoặc bị lấy nội tạng để bán. Nhiều chị em phụ nữ hoặc các bé gái bị bán sang bên kia biên giới làm vợ, làm gái mại dâm, phục vụ trong những dịch vụ có tính chất nhạy cảm...

Khi nói đến nạn buôn người, có lẽ ai cũng bức xúc và căm phẫn những tên tội phạm mất hết nhân tính, đồng thời thương cảm cho những cảnh đời, số phận khi trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Họ bị coi rẻ về tính mạng và bị chà đạp lên nhân phẩm con người. Dù có được các cơ quan chức năng giải cứu, thoát khỏi cảnh làm nô lệ thì những sang chấn tâm lý và nỗi nhục nhã, bất hạnh trong thời gian bị đánh đập, ép buộc làm những việc không muốn khó có thể xóa nhòa.

Do vậy, toàn xã hội hãy chung tay, góp sức phòng chống mua bán người bằng những việc làm và hành động cụ thể. Đối với các tổ chức, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa về những thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người. Tăng cường công tác quản lý hành chính về di biến động dân cư trên địa bàn, nhất là ở các bản, làng, thôn, xóm. Làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, động viên, giáo dục trẻ em không bỏ học và sa vào các tệ nạn.

Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục, quản lý hội viên, đoàn viên phòng, chống nạn mua bán người. Lực lượng công an, biên phòng làm nòng cốt trong việc xác lập các chuyên án, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan hữu quan của các nước láng giềng trong khu vực và trên thế giới để đấu tranh triệt phá các đường dây buôn bán người....

Đối với tự bản thân mỗi người, hãy cảnh giác với những lời hứa hẹn tìm việc, rủ rê đi làm ăn, lời mời đi chơi cả ở trong nước và nước ngoài. Dũng cảm từ chối những sự giúp đỡ về tiền bạc, vật chất của người lạ hoặc mới quen. Nếu có kế hoạch đi xa, phải tìm hiểu kỹ nơi mình chuẩn bị đến và thông báo cho gia đình, người thân trước khi đi chơi xa.

Nếu thấy có các hoạt động bất thường của những đối tượng khả nghi trên địa bàn thì nhanh chóng báo tin cho cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương... Ở những nơi có người không may bị mua bán, nay đã trở về, hãy có cái nhìn thân thiện, chia sẻ và có hành động tích cực "hướng đến từng nạn nhân, không để ai bị bỏ lại phía sau" như chủ đề năm nay của Liên hợp quốc, đồng thời tích cực giúp đỡ để họ hòa nhập với cộng đồng.

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chung-tay-phong-chong-mua-ban-nguoi/d20230728091127308.htm