Chung tay phá “trận đồ giàn khoan”

Đã hơn 2 tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; mới đây, Trung Quốc lại có động thái gia tăng căng thẳng bằng một loạt các hành động như đưa giàn khoan Nam Hải 9 vào cửa Vịnh Bắc bộ, phát hành bản đồ khổ dọc…

Đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa

PV: Ông đánh giá thế nào về các hành động liên tiếp của phía Trung Quốc trong ý đồ độc chiếm Biển Đông?

TS NGUYỄN NAM DƯƠNG: Chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là nhất quán, lâu dài, các bước triển khai của họ rất tinh vi, bài bản. Hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông phụ thuộc vào tình hình trên thực địa, phản ứng của các nước liên quan, bối cảnh thế giới và khu vực, cũng như cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Trung Quốc.

TS. Nguyễn Nam Dương

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không phải là hành động riêng lẻ, mà là một nước cờ trong "trận đồ giàn khoan” của Trung Quốc giăng ra trên Biển Đông. Các giàn khoan này được hậu thuẫn bởi một đội ngũ hùng hậu các tàu hộ tống và cả lực lượng vũ trang, bán vũ trang của Trung Quốc. Việc điều chuyển các giàn khoan được kết hợp với các hành động leo thang, thách thức nguyên trạng khác như xây dựng các công trình trái phép ở quần đảo Trường Sa, công bố bản đồ khẳng định "đường lưỡi bò”, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Các hành vi gây hấn của Trung Quốc trong quá khứ như quấy nhiễu, bức hại ngư dân, phá hoại hoạt động thăm dò dầu khí bình thường của Việt Nam… có nguy cơ tái diễn với tần suất dày đặc hơn, nghiêm trọng hơn. Những hoạt động này của Trung Quốc nhằm mục đích triển khai trên thực tế "đường lưỡi bò”, trước mắt ở những vị trí, địa điểm nhạy cảm trên Biển Đông.

Hệ lụy của những hành động này đối với an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực và hòa bình cho Biển Đông sẽ là gì, thưa ông?

-Hành vi của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực nói riêng và hòa bình, ổn định khu vực nói chung. Các hành vi gây hấn của Trung Quốc có thể làm gián đoạn các tuyến đường vận tải huyết mạch trên Biển Đông, cản trở thương mại hàng hải và đời sống của các ngư dân ven biển. Hơn nữa, việc một nước lớn như Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực khu vực sẽ phá hoại xu thế hòa bình, hợp tác để phát triển, có khả năng đưa cả khu vực trở lại môi trường căng thẳng thời chiến tranh lạnh.

- Để đấu tranh có hiệu quả hơn với Trung Quốc, theo ông, chúng ta cần có những bước đi cụ thể như thế nào?

- Tôi cho rằng ngoại giao phải trở thành chiến tuyến đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh hiện nay. Cuộc đấu tranh ngoại giao nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo trước một nước Trung Quốc nhiều tham vọng là cuộc đấu tranh trường kỳ, phức tạp. Trải qua nhiều năm đổi mới và hội nhập quốc tế, thế và lực của Việt Nam đã khác, ta có thể tự tin hơn nhiều trong mặt trận ngoại giao ở tầm khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các công cụ pháp lý để sử dụng khi tình thế chín muồi.

Hiện nay, ASEAN đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói chung và cuộc đấu tranh ngoại giao trong vấn đề Biển Đông nói riêng. Qua vụ việc giàn khoan Hải dương 981, cộng đồng ASEAN đã thực sự trưởng thành, vượt qua được các khác biệt trong lợi ích quốc gia của các nước thành viên. Việt Nam cần tiếp tục sát cánh cùng với các nước ASEAN cũng như các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đấu tranh cho hòa bình, ổn định khu vực, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cũng như xây dựng một cấu trúc khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, với ASEAN làm trung tâm kết nối.

Ở tầm toàn cầu, Việt Nam cần phối hợp với các nước ASEAN tại Liên hợp quốc nhằm thể hiện tính chính nghĩa của Việt Nam trước toàn thể cộng đồng quốc tế, gắn cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới nhằm bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và thượng tôn luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trung Quốc luôn nói rằng họ sẵn sàng thương lượng về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với ASEAN, nhưng hầu như vẫn không có động tĩnh gì. Và nay (sau khi họ đưa giàn khoan Hải dương 981 vào vùng biển của Việt Nam), bị cộng đồng quốc tế lên án về các hành động đơn phương gần đây, họ dường như không đả động gì đến COC. Phải chăng, họ đã đánh bài lờ với COC?

- Trung Quốc vẫn tuyên bố rằng họ cam kết thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố chung về ứng xử (DOC) và tiến tới thương lượng về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với các nước ASEAN, nhưng những gì diễn ra trên thực tế luôn chứng tỏ Trung Quốc lời nói không đi đôi với việc làm. Rõ ràng các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là sự vi phạm nghiêm trọng DOC. Đồng thời, Trung Quốc cũng có thể đang áp dụng chiến thuật "câu giờ”, cố tình trì hoãn đàm phán thực chất về COC trong lúc họ đẩy mạnh các hoạt động trái phép nhằm mở rộng khu vực chiếm đóng, phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông. Tình hình này cũng cho thấy việc thảo luận thực chất và sớm đạt được COC giữa ASEAN và Trung Quốc là cấp thiết hơn bao giờ hết.

Vậy, muốn Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán COC, ASEAN cần có động thái gì, thưa ông?

-Để buộc Trung Quốc phải chấp nhận đi vào đàm phán thực chất và sớm đạt được kết quả về COC, các nước ASEAN trước hết phải thống nhất quan điểm, lập trường chung của ASEAN về xây dựng COC với tư cách một Bộ quy tắc tổng thể có khả năng ngăn ngừa xung đột và đóng góp vào việc xây dựng lòng tin giữa các bên ở Biển Đông. ASEAN cần tận dụng những cơ chế hiện có như Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng, Hội nghị Các quan chức cao cấp, Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc… để tiếp tục can dự sâu hơn với Trung Quốc ở mọi cấp, mọi nơi. Nhìn rộng ra, ASEAN cần tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc khu vực Châu Á-Thái Bình dương, khuyến khích các nước đối thoại của ASEAN ủng hộ tiến trình COC giữa ASEAN và Trung Quốc có tiến triển thực chất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Mai (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=84953&menu=1501&style=1