Chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ

Tình hình lũ lụt ở một số tỉnh miền Trung những ngày qua đã gây ngập nặng hàng nghìn căn nhà, nhiều vật nuôi, héc ta hoa màu bị thiệt hại, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân vùng lũ, cộng với tinh thần “tương thân tương ái” của người dân trong cả nước hướng về miền Trung bằng những món quà hỗ trợ đầy ân tình, cuộc sống nơi đây đang dần ổn định.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Văn Ngàng trao quà hỗ trợ từ Quỹ Tấm lòng vàng cho học sinh vùng lũ Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình).

Lũ rút, bộn bề khó khăn

Sau cơn lũ lịch sử 2 ngày, người dân xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng vì cơn lũ lịch sử, hiện một số địa bàn, nước vẫn còn lênh láng. Xã Quảng Sơn – cách đây đúng 3 năm đã phải trải qua trận lốc xoáy và lũ lụt kinh hoàng khiến 2 người chết và 13 người bị thương. Đau thương chưa qua, giờ người dân địa phương lại tiếp tục gánh chịu những thiệt hại do thiên tai gây nên.

Gạt nước mắt nhìn về phía thôn Hà Thôn, chị Phan Thị Thơm (ở thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn) nói: “Tui như ri đã khổ, nhưng người dân bên đó còn khổ hơn vì đang bị cô lập do nước lũ dâng quá cao, không biết họ có chi để ăn uống vì bốn bề là nước lũ bao vây rồi”. Chị Thơm không có chồng, sống một mình với 2 đứa cháu, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn thêm. Nước vừa rút, chị vội gửi nhờ 2 đứa cháu rồi tất tả dọn dẹp lớp bùn non dày cao gần đến đầu gối, mắt ngấn lệ vì tài sản trong nhà đã trôi theo dòng nước lũ.

Bộ đội đưa người dân vượt lũ đi nhận quà hỗ trợ từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động. Ảnh: D.P

Cách nhà chị Thơm không xa là nhà ông Mai Xuân Thắng (68 tuổi). Ông Thắng thuộc thành phần gia đình hộ nghèo mấy năm nay. Anh bị teo cơ nằm liệt giường không thể đi lại được, vợ thì không có việc làm, con thì nheo nhóc đi bán đồng nát kiếm sống qua ngày. Trong căn nhà đang còn hôi tanh mùi bùn non chưa được dọn hết, ông Thắng nằm lặng lẽ nhìn xa xăm. Nhà ông ở tồi tàn có thể sập bất cứ lúc nào, cạnh chỗ nằm, là hình một con lợn mẹ đang cho mấy lợn con bú, đó là tài sản lớn nhất, duy nhất còn sót lại của gia đình ông.

Ông Thắng nói: “Lũ cuốn trôi hết rồi, chuồng lợn cũng không có nên tui nói vợ cho nó vào nhà kẻo sợ nó chết. Nó mà chết thì chắc gia đình tui cũng chết theo luôn”. Rồi ông kể, hôm lũ về, may có mọi người lên ứng cứu, bồng ông kịp thời lên trú ẩn ở nhà hàng xóm cao ráo chứ nếu không đã bị trôi theo dòng nước lũ.

Hàng ngàn ngôi nhà bị thiệt hại

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, đến cuối ngày 17.10 tỉnh Quảng Bình có 19 tàu bị chìm, trong đó có 2 tàu hàng và 17 tàu cá ngư dân ở Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), 3 tàu bị mắc cạn. Toàn tỉnh có 92.509 nhà bị ngập, 56 nhà bị tốc mái, 19 nhà sập. Nhiều tuyến đường đang bị tắc, chưa thông tuyến như đường 559 B (Cao Quảng đi Minh Hóa), Quốc lộ 15 tại Km562+200 đoạn Xuân Sơn đến Bùng chưa thông, đường 564 B từ Km7 - Km12 ngập 0,7m vẫn còn tắc, nhiều tuyến đường huyện, liên thôn, xã vẫn còn ngập... Nhiều tuyến đường bị phá nát, rất khó khăn để đi lại như tuyến đường 12A từ thị xã Ba Đồn đi huyện Tuyên Hóa mặt đường đã bị phá nát với những lớp bong tróc từng mảng lớn.

Về nông nghiệp, TP. Đồng Hới thiệt hại 431,44ha nuôi trồng thủy sản, hoa màu bị ngập hỏng trên 31ha, 24 trang trại bị ảnh hưởng nặng; huyện Bố Trạch, 300ha lúa, 170ha rau màu; thị xã Ba Đồn 230ha rau màu, cây ăn quả 120ha bị hỏng; huyện Lệ Thủy 500ha hoa màu thiệt hại trên 70%, cây trồng hàng năm bị thiệt hại 600ha, cây lâu năm bị thiệt hại 5ha, lương thực bị hư hỏng 2.000 tấn, diện tích ao hồ bị thiệt hại 300ha; huyện Quảng Ninh, thiệt hại 297ha nuôi trồng thủy sản, thóc ướt 239 tấn; huyện Tuyên Hóa thiệt hại hơn 100ha cây hoa màu các loại…

Những ngôi nhà ở tỉnh Quảng Bình chìm trong biển nước. Ảnh: Phi Long

Tại Hà Tĩnh, đợt mưa lũ từ ngày 14.10 đã gây thiệt hại khá nặng nề, hiện đã có 7 người chết. Theo Văn phòng ban chỉ huy PCTT&TKCN Hà Tĩnh, mưa lũ đã gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn 9 huyện, thành phố với tổng số dân bị ngập là 24.158 hộ; trong đó, huyện Hương Khê bị ngập nặng nhất với 16 xã với 10.357 hộ. Thiệt hại kinh tế: 723 ha lúa, 1.416 ha hoa màu bị ngập, hơn 12 tấn lương thực bị ướt hỏng; 99.032 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; 869 con trâu bò, 399 con lợn bị chết và cuốn trôi; 337 ha hồ nuôi thủy sản bị ngập...

Tỉnh Quảng Trị là địa phương bị thiệt hại nhẹ nhất so với Quảng Bình và Hà Tĩnh, nhưng cũng có hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập nước, hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái. Trước đó 1 tháng, cũng tại những địa phương của tỉnh Quảng Trị như Hải Lăng, Triệu Phong đã bị lốc xoáy quét qua, khiến hàng trăm ngôi nhà tốc mái. Khi vừa khắc phục xong, chưa kịp ổn định cuộc sống thì những cơn lốc xoáy lại ập đến, tiếp tục gây thiệt hại khiến hàng trăm gia đình rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất.

Bộ đội giúp dân khắc phục thiệt hại sau lũ tại Quảng Bình. Ảnh: Phi Long

Nhân rộng những nụ cười nơi rốn lũ

Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, chính quyền các tỉnh đã huy động lực lượng về các địa phương bị thiệt hại để khắc phục. Các trường học nhão nhoẹt bùn đất được thầy cô, học sinh, phụ huynh quét dọn, lau chùi lại sạch sẽ. Những đoạn đường bị bong tróc, ngổn ngang cây bụi được khắc phục. Đặc biệt, lực lượng quân đội được huy động tổng lực để giúp dân dọn dẹp nhà của sau khi nước rút. Những ngày này, dọc đường vào xã Quảng Sơn (địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của tỉnh Quảng Bình) là hình ảnh những màu áo lính nhiệt tình cùng người dân dọn dẹp bùn đất, nhặt lại những tài sản bị cuốn theo dòng nước lũ trộn lẫn bùn non.

Và ở ngay tâm lũ, nơi nước vẫn còn ngập, hàng trăm chuyến hàng cứu trợ gồm: mỳ tôm, nước uống, lương khô của những mạnh thường quân và các tổ chức xã hội được chuyển về, phân phát cho bà con. Những món quà giá trị không lớn, nhưng trước mắt giúp người dân thoát cơn đói, làm họ ấm lòng để tiếp tục đứng lên để vượt qua khó khăn. Chúng tôi đã bắt gặp những nụ cười của đồng bào khi đón nhận những phần quà đơn sơ giữa dòng nước lũ, đó là nụ cười biết ơn của những con người miền Trung.

Để nhân rộng những nụ cười này, để đồng bào rốn lũ vơi bớt khó khăn, những ngày này, Quỹ Tấm lòng vàng của Báo Lao Động cùng với hàng ngàn suất quà đang đến với người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Và phát huy truyền thống tốt đẹp “tương thân, tương ái” của giai cấp công nhân, của Tổ chức Công đoàn Việt Nam trong những năm qua, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước chung tay chia sẻ và ủng hộ về vật chất, tinh thần để nhân dân vùng lũ giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng: 51 Hàng Bồ, Hà Nội. Điện thoại: 04.39232748.
Email:tlvlaodong@gmail.com; Hoặc chuyển khoản: Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng. tài khoản: 102010000013374, Ngân hàng TMCP Công thương VN, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 177010000023405; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank, STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chi nhánh Hà Nội.

P.LONG - H.THƠ - T.TUẤN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/chung-tay-ho-tro-nguoi-dan-vung-lu-602903.bld