Chung tay 'giải cứu' ngành chăn nuôi lợn

Trong bối cảnh giá lợn không ngừng lao dốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tiếp tục có cuộc họp với các Bộ, ngành nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển chăn nuôi.

Cuộc họp được tổ chức vào chiều ngày 28/4 với sự gọp mặt của đại diện: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Công An và các đơn vị có liên quan.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu thực trạng giá lợn giảm mạnh trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là nguồn cung đang lớn hơn cầu. Bên cạnh đó, công tác tổ chức ngành hàng thịt lợn chưa tốt.

Nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ đối với ngành chăn nuôi lợn và hỗ trợ hàng triệu hộ chăn nuôi lợn vượt qua thời điểm khó khăn này, Bộ Nông nghiệp đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài nhằm ổn định phát triển bền vững ngành hàng thịt lợn. Trong đó, những giải pháp trước mắt là tăng sức mua đầu ra cho mặt hàng này và giảm giá đầu vào.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: mard.gov.vn.

Về giảm giá đầu vào, những ngày qua, Bộ NN&PTNT đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là giá thức ăn chăn nuôi (TACN).

Cụ thể, ngày 24/4, Bộ NN&PTNT đã làm việc trực tiếp với 10 doanh nghiệp lớn kinh doanh TACN triển khai các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi. Hưởng ứng đề xuất này, có 5 doanh nghiệp thông báo giảm 200 đ/kg TACN dành cho lợn. Cùng với việc giảm giá TACN, các doanh nghiệp có tiềm năng về giết mổ, chế biến, cấp đông thịt lợn cũng đang tăng hết khả năng có thể để thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán với các đối tác Trung Quốc và sắp tới là Philipin, Nhật Bản và Hàn Quốc tìm đầu ra cho các mặt hàng thịt,và trứng của Việt Nam.

Trong hai ngày 27-28/4/2017, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và các đối tác liên quan nhằm tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất và gia tăng các biện pháp thu mua, giết mổ, chế biến, cấp đông dự trữ và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn cho người chăn nuôi.

Trong sáng ngày 28/4/2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với các Bộ liên quan tìm biện pháp giúp ngành chăn nuôi lợn vượt qua khó khăn. Phó Thủ tướng đồng tình với những giải pháp mà Bộ NN&PTNT kiến nghị, đặc biệt là giải pháp tạm dừng việc tạm nhập tái xuất mặt hàng thực phẩm có liên quan đến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trong nước và kiểm soát chặt hơn hoạt động nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi dựa trên các hàng rào kỹ thuật để hạn chế các sản phẩm chăn nuôi vào thị trường Việt Nam. Bộ NN&PTNT kiến nghị các bộ ngành, trong đó đặc biệt là lực lượng Bộ đội, Công an, và các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể lớn cùng chung tay chỉ đạo và triển khai cấp bách các biện pháp thu mua, chế biến, cấp đông dự trữ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn cho người chăn nuôi, nhất là trong những ngày hè sắp tới.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Văn Cường – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam thể hiện quyết tâm sát cánh với người chăn nuôi, chỉ đạo các cấp công đoàn chia sẻ bằng cách sử dụng sản phẩm thịt lợn Việt Nam. Ông cho rằng các ban ngành chức năng cần chú ý khâu trung gian trung chuyển thịt lợn từ trang trại đến người tiêu dùng vì giá lợn bán tại trại hiện đang rất thấp trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua lợn với giá cao.

Trong khi đó, Thiếu tướng Phan Bá Dân – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam cho biết lực lượng vũ trang sẵn sàng chia sẻ và chỉ đạo hậu cần toàn quân có biện pháp cụ thể giúp đỡ tiêu thụ thịt lợn tại từng địa phương.

Cùng chung quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành nêu rõ Bộ Công An sẽ giao chỉ tiêu cho từng đơn vị có kế hoạch thực hiện việc tiêu thụ thịt lợn, đưa vào phong trào Thi đua yêu nước của toàn ngành. Ông Bùi Văn Thành nêu ý kiến ngành chăn nuôi cần có chiến lược phù hợp với quy luật thị hiếu tiêu dùng của người dân, rà soát lại quy hoạch về sản xuất, tạo chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm uy tín; cần căn cứ vào quy mô thị trường, từ đó quyết định quy mô sản xuất; thiết lập chuỗi mạng lưới phân phối tiện ích.

Ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam có sự tăng đàn nhưng chất lượng không tăng nên chưa xuất khẩu được thịt lợn sang nhiều nước. Bộ Công Thương cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, bỏ vốn thu mua thịt lợn.

Cụ thể, các siêu thị như BigC đã giảm 15-30% giá thịt lợn bán tại siêu thị Bộ Công Thương sẽ xem xét chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng thịt lợn nhằm đảm bảo số lượng nhập khẩu không tăng. Bộ cũng sẽ tạm dừng việc tạm nhập tái xuất thịt và phủ tạng từ bên ngoài vào Việt Nam, tạo thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, tuy nhiên việc tạm dừng này phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT ký kết các văn bản về kiểm dịch với các nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nền nông nghiệp Việt Nam là nền sản xuất dựa vào quy mô hộ nhỏ lẻ nên trong quá trình đi lên sản xuất lớn sẽ xảy ra những tình huống khó khăn như hiện nay. Ngành nông nghiệp cần thực hiện tái cơ cấu quyết liệt hơn, bài bản hơn theo hướng tập trung và hội nhập. Việc triển khai các giải pháp cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội và cần có thời gian, nhưng vấn đề quan trọng lúc này chúng ta có thể làm được ngay là “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cụ thể là sử dụng sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảm ơn sự đồng hành, chia sẻ, và thống nhất các biện pháp giải quyết tình hình khó khăn hiện nay của các cấp, các ngành nhằm giúp ngành chăn nuôi lợn phục hồi và phát triển bền vững.

Hòa Lộc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/chung-tay-giai-cuu-nganh-chan-nuoi-lon-d98015.html