Chung sống hài hòa với thiên nhiên

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm nay có chủ đề 'Hãy là một phần của kế hoạch đa dạng sinh học', nhằm truyền thông điệp đến cộng đồng chung tay ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH).

Tính đa dạng sinh học cao

Rừng phòng hộ huyện Ba Tơ được đánh giá là khu vực có giá trị ĐDSH cao, với khoảng 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại, trong đó có 45 loài nguy cấp, quý hiếm, có giá trị cao về khoa học, kinh tế và 28 loài được ghi vào Danh mục sách đỏ IUCN (của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế). Đặc biệt, khu vực này đã được Tổ chức Fauna & Flora International (FFI) - Chương trình Việt Nam, điều tra, phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có quần thể voọc chà vá chân xám gồm 10 đàn/104 cá thể - lớn thứ 3 tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Cùng với đó, hệ sinh thái biển ở tỉnh ta đa dạng, phong phú. Đặc biệt, tại đảo Lý Sơn có khoảng 157 loài (thuộc 18 họ) san hô cứng tạo rạn, 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển...

Lực lượng kiểm lâm tỉnh bàn giao cá thể tê tê Java cho nhân viên Vườn Quốc gia Cúc Phương vào tháng 1/2024. Ảnh: MỸ HOA

Lực lượng kiểm lâm tỉnh bàn giao cá thể tê tê Java cho nhân viên Vườn Quốc gia Cúc Phương vào tháng 1/2024. Ảnh: MỸ HOA

Để bảo tồn ĐDSH của tỉnh, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 116 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu thành lập mới và đưa vào hoạt động 3 khu bảo tồn, gồm: Khu dự trữ thiên nhiên khu tây huyện Ba Tơ (trên 35,7 nghìn héc ta); khu dự trữ thiên nhiên khu tây huyện Trà Bồng (gần 1.200ha) và khu bảo tồn sinh cảnh loài rùa Trung Bộ Bình Sơn (136ha)... Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững diện tích các hệ sinh thái rừng tự nhiên cũng như tính ĐDSH của rừng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, thời gian qua, cùng với việc tổ chức các hoạt động trồng cây nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, nhằm mở rộng sinh cảnh sống cho các loài động vật hoang dã, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TN&MT và chính quyền các địa phương chú trọng thực hiện công tác nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm gắn với phát triển bền vững hệ sinh thái. Năm 2023, Tổ chức FFI Việt Nam đã tài trợ 24 nghìn USD (khoảng 2,4 tỷ đồng) để thực hiện dự án Bảo tồn ĐDSH qua việc khảo sát, điều tra cụ thể và chi tiết về tính đa dạng của hệ sinh thái tại khu vực rừng phòng hộ huyện Ba Tơ, tập trung tại các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế.

Ngoài ra, từ năm 2020 đến tháng 4/2024, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã cứu hộ thành công 2 cá thể và tiếp nhận 55 cá thể nguy cấp, quý hiếm; tổ chức thả 75 cá thể nguy cấp, quý hiếm về tự nhiên và chuyển giao 28 cá thể nguy cấp, quý hiếm cho các vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành... Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện cấp mã số trại nuôi động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm cho 162 cơ sở/3.673 cá thể, gồm: Rùa các loại, chim công, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, kỳ đà, kỳ đà hoa...

Đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát triển ĐDSH trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh, cộng với tình trạng khai thác quá mức các nguồn lợi thủy sản, hoặc sử dụng phương tiện và ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt đã dẫn đến sự suy giảm nhanh cả về số lượng cũng như mật độ hệ sinh thái biển Lý Sơn. Hiện đã xác định hơn 25 loài tại vùng biển Lý Sơn nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Trong đó, có 5 loài hải sản (hải sâm, bào ngư, tôm hùm đá nhiệt đới, trai tai tượng và rong biển đỏ) thuộc nhóm quý hiếm, nguy cấp đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê vào diện “có nguy cơ tuyệt chủng”.

Tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật rừng, đặc biệt là những cá thể nguy cấp, quý hiếm vẫn còn tái diễn, đặc biệt là đối với voọc chà vá chân xám - loài động vật nguy cấp quý hiếm, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng và trên thế giới chỉ còn phát hiện tại 6 tỉnh ở Việt Nam (trong đó có Quảng Ngãi). Từ năm 2020 đến cuối tháng 4/2024, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và xử lý 7 vụ vi phạm do buôn bán, săn bắt 34 cá thể nguy cấp, quý hiếm và 16 cá thể động vật thông thường. Trong đó, có 1 vụ củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hình sự đối với 2 đối tượng săn bắt 5 cá thể voọc chà vá chân xám.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa thông điệp “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” và “Hãy là một phần của kế hoạch đa dạng sinh học". Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế thông qua nghiên cứu, điều tra và đánh giá giá trị ĐDSH, đặc biệt là ở rừng phòng hộ, khu bảo tồn biển hoặc các gành, rạn san hô trên địa bàn tỉnh.

MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202405/chung-song-hai-hoa-voi-thien-nhien-58e2f57/