Chung sống hài hòa với thiên nhiên

(QNO) – Quảng Nam với sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên đã tạo ra hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) từ nguồn xuống biển, là “ngôi nhà” chung sống lý tưởng của nhiều loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Một thời gian dài vì ồ ạt chạy theo các chỉ tiêu kinh tế, coi nhẹ môi trường mà không ít nơi đã trả giá đắt. Nhận thấy được hệ lụy trước mắt, nên trong đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các phương án bảo tồn ĐDSH được đề cập khá chi tiết. Thiết lập lại vùng sinh cảnh ưu tiên cần bảo tồn, thành lập bảo tàng ĐDSH cấp tỉnh, chủ động đề xuất đăng cai tổ chức Năm phục hồi ĐDSH quốc gia – Quảng Nam 2024…, là những cách ứng xử thuận nhiên.

Từ hơn 10 năm nay, nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế chọn Quảng Nam làm nơi để nghiên cứu khoa học, đầu tư, hỗ trợ phát triển các dự án phục hồi ĐDSH. Việc ra đời hàng loạt khu bảo tồn là minh chứng ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của tỉnh cho mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Dãy rừng Trung Trường Sơn trùng điệp qua địa phận các huyện Đông Giang, Tây Giang có tính ĐDSH xuyên quốc gia và quốc tế. Và chính nhờ bảo vệ được “báu vật” tài nguyên mà nhiều dự án quốc tế quan tâm triển khai tại đây như các dự án dự trữ các bon và bảo tồn ĐDSH; giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng… Tại huyện Đông Giang, sở hữu cả khu bảo tồn thiên nhiên lẫn vườn quốc gia.

Vườn quốc gia Bạch Mã nhìn trên cao. Ảnh: H.P

Vườn quốc gia Bạch Mã nằm giữa ranh giới của huyện Đông Giang (Quảng Nam) với các huyện Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) – nơi được đánh giá hệ sinh thái đa dạng bậc nhất miền Trung. Trạm Kiểm lâm núi Mang (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã) đứng chân tại xã Sông Kôn (Đông Giang) được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 3.150ha rừng ở 4 xã vùng cao của Đông Giang là Tà Lu, Sông Kôn, Ating và xã Tư.

Tại Vườn quốc gia Bạch Mã, một cơ chế phối hợp kiểm soát rừng của Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đưa ra gần 10 năm nay đã có tác dụng nhờ sứ mệnh giữ rừng xuyên quốc gia không có sự phân biệt đối xử ranh giới địa phương. Và chỉ dấu cho sự bình yên là nhiều năm nay khu rừng giáp ranh không để xảy ra vụ phá rừng nóng bỏng nào.

Bạch Mã nằm ở đai cao 1.700m so với mực nước biển ghi nhận còn nhiều loài động vật đặc hữu như gà lôi lam mào trắng, trĩ sao, voọc chà vá, sao la, mang lớn...; còn các loài thực vật đặc hữu như côm, tùng, trầm hương, cẩm lai…

Chủ trương đầu tư phát triển mạnh du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, góp phần phát triển đời sống người dân vùng đệm… là cách mà Vườn quốc gia Bạch Mã đang quản lý rừng rất hiệu quả hiện nay. Nhiều du khách tìm đến đây trải nghiệm với sự tò mò mong muốn khám phá những bí ẩn, vẻ đẹp của kho báu di sản thiên nhiên. Bạch Mã mây mù bao phủ núi quanh năm và có những khối mây hình thành tựa như bức tranh nghệ thuật tuyệt tác.

Vườn quốc gia Bạch Mã được đánh giá có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất miền Trung. Ảnh: H.P

Ông Nguyễn Vũ Linh - Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã cho biết, hiện vườn có 11 trạm và 6 chốt gác rừng tại các điểm xung yếu. Phần lớn kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng lên đây công tác đều đã gắn bó với nghề lâu năm và những người trẻ mới ra trường và phải chấp nhận với đặc thù công việc ăn - ở - ngủ - nghỉ giữa rừng không điện, không internet, không sóng điện thoại…

“Kho báu” ở đây là các loài chim quý hiếm, các nhà khoa học đã ghi nhận có hơn 363 loài, chiếm gần 40% tổng số loài chim của cả nước, trong đó, có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam” – ông Linh nói.

Quảng Nam giàu có hệ thực vật, bởi còn nhiều cây đại thụ trong rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trong khi đó, “tái hoang dã” và phát triển dự án “thuận thiên” đã được các nhà bảo tồn thiên nhiên triển khai tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la, nằm trên địa bàn các xã Bhalee, A Vương (Tây Giang) và xã Sông Kôn, Tà Lu (Đông Giang). Đây là khu bảo tồn đầu tiên của tỉnh đưa công nghệ SMART, máy chụp hình tự động vào quá trình tuần tra giám sát, thu thập và phân tích dữ liệu về các mối đe dọa Sao la và môi trường sống của chúng.

Thời gian qua, Hợp phần bảo tồn ĐDSH thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn ĐDSH (VFBC), do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, được tổ chức WWF tại Việt Nam thực hiện từ năm 2021 - 2026 trên 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ tại Việt Nam. Tại Quảng Nam, dự án VFBC tài trợ ở nhiều khu bảo tồn, rừng phòng hộ, trong đó có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la.

Rừng Quảng Nam giàu tính đa dạng sinh học. Ảnh: H.P-CTV

Quảng Nam quy hoạch khu vực ĐDSH cao rừng kín thường xanh nhiệt đới gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My. Cụ thể bảo vệ đa dạng loại, nguồn gen có 41 loài động vật có xương sống trên cạn có giá trị bảo tồn ở mức quốc gia và toàn cầu. Trong đó, có 11 loài thú, 19 loài chim và 11 loài lưỡng cư, bò sát thuộc Sách đỏ Việt Nam. Quy hoạch khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng cửa sông Vu Gia - Thu Bồn và quần đảo Cù Lao Chàm với diện tích 26.605,8ha.

Ở vùng cửa sông ven biển của tỉnh, một vành đai vùng đất ngập nước quan trọng sẽ được thiết lập nhằm xây dựng lá chắn sóng gió an toàn, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra bãi đẻ, nơi trú ngụ an toàn cho các loài sinh vật.

Vùng đất ngập nước vũng An Hòa thuộc các xã Tam Giang, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Quang của huyện Núi Thành, với diện tích mặt nước khoảng 1.900ha, nơi phân bổ 18 loài cây ngập mặn ở đầm An Hòa diện tích rừng 65,82ha và 3 loài cỏ kim biển, xoan, ươn biển với diện tích khoảng 346ha, độ phủ lên đến 60%. Đây là bãi đẻ cho nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Vùng đất ngập nước vũng An Hòa của huyện Núi Thành là bãi đẻ của cá tôm, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim. Ảnh: H.P - CTV

Khi biết tỉnh đưa vùng đất ngập nước vũng An Hòa vào quy hoạch bảo tồn ĐDSH, ngư dân của xã Tam Hải rất phấn khởi. Bởi, lâu nay hầu hết ngư dân xã đảo có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác các loại thủy sản như cua, ốc, điệp, vẹm, tôm càng xanh.

Sống nơi đầu sóng ngọn gió, nên chính quyền và người dân nơi đây nhận thức được nhiều lợi ích kinh tế lẫn môi trường khi bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Một trong những hợp phần quan trọng của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung, Việt Nam” do Tổ chức phi chính phủ CRS (Mỹ) hỗ trợ triển khai tại xã Tam Hải là khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn.

Từ bước khởi động của dự án cộng với kết hợp các chương trình trồng rừng khác, đến nay hơn 65ha rừng ngập mặn đã được trồng trên xã đảo. Nhiều năm nay, làn sóng trồng rừng đước, rừng dương chắn sóng gió đã dần hiện thực hóa biến Tam Hải trở thành một “đảo xanh”.

[VIDEO] - Sự phục hồi mạnh mẽ rừng ngập mặn đã dần hiện thực hóa biến xã Tam Hải thành "đảo xanh":

VIDEO: HOÀNG ĐẠO

Còn vùng đất ngập nước bãi Sậy – sông Đầm giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ và hội tụ các yếu tố thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Từ năm 2019, UBND tỉnh đã đầu tư dự án "Trồng, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm” nhằm bảo vệ đa dạng sinh học cây dừa nước, cây tràm, lau, sậy, cây cói dệt chiếu, cây lát và các loài thủy sản, các loài chim di cư.

Người dân mưu sinh với nghề đánh bắt cá và thu hoạch hoa súng trên sông Đầm. Ảnh: N.Đ.N

Thời gian qua, chính quyền thành phố Tam Kỳ đã bắt đầu chú ý đầu tư các hoạt động trải nghiệm sinh thái trên sông; và mục đích phục hồi hệ sinh thái sông đầm cũng hướng đến phát triển du lịch.

Theo Sở TN-MT, Bảo tàng ĐDSH tỉnh Quảng Nam là bảo tàng ĐDSH cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, sau một số bảo tàng thiên nhiên và ĐDSH cấp quốc gia và vùng như: Bảo tàng thực vật Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng thực vật thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, Bảo tàng sinh học Tây Nguyên tại TP.Đà Lạt, Bảo tàng Sinh học biển thuộc Viện Hải dương học Nha Trang tại TP.Nha Trang.

Tầng 3 nhà Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh trưng bày các loài động vật. Ảnh: H.P

Bảo tàng ĐDSH tỉnh có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày giới thiệu về sinh vật, tư liệu về tài nguyên ĐDSH của tỉnh. Nhiệm vụ trước mắt của Bảo tàng ĐDSH tỉnh là xử lý, bảo quản, xử lý mẫu vật từ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh. Trụ sở của bảo tàng đặt trong khuôn viên của Sở TN-MT.

Tầng 1 là khu vực lễ tân, phòng tư liệu. Tầng 2 là nơi bảo quản và trưng bày các tiêu bản thực vật, mẫu vật sau khi được xử lý (sấy, ép khô) sẽ cho vào các túi đựng mẫu và bảo quản trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm nhất định. Hiện tại, có khoảng 600 tiêu bản và đã trưng bày 150 tiêu bản. Còn tầng 3 là nơi trưng bày các mẫu cá, lưỡng cư, bò sát, động vật đáy, thú, chim, côn trùng.

Về bộ máy hoạt động, Bảo tàng ĐDSH tỉnh được Sở TN-MT giao cho Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc sở tiếp quản và vận hành hoạt động. Hiện nay, thường xuyên có 2 cán bộ, nhân viên của trung tâm quản lý, kiêm công việc hướng dẫn viên khi có các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm.

Cán bộ của Vườn quốc gia Bạch Mã giới thiệu đoàn khách tham quan về các mẫu sinh vật trưng bày tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc đơn vị. Ảnh: H.P

*Để rõ thêm về mục đích thành lập, tính chất, chức năng hoạt động của Bảo tàng ĐDSH tỉnh, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với bà Lê Thủy Trinh – Phó Giám đốc Sở TN-MT.

- Vì sao Quảng Nam đề xuất 2 Bộ (TN-MT, NN&PTNT) thống nhất chủ trương để tỉnh đăng cai Năm quốc gia phục hồi ĐDSH - 2024?

Bà Lê Thủy Trinh: Tiếp theo Năm du lịch quốc gia 2022, Năm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo năm 2023 với nhiều thành công và ấn tượng; nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân về tầm quan trọng của bảo tồn ĐDSH với mục tiêu phát triển Quảng Nam thành một trong các tỉnh tiên phong về phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển; tỉnh đề xuất phối hợp với Bộ TN-MT và Bộ NN&PTNT đăng cai tổ chức Năm phục hồi ĐDSH quốc gia – Quảng Nam 2024.

Thông qua sự kiện sẽ giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên ĐDSH, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của tỉnh; cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo tồn ĐDSH, phục hồi sinh thái.

Vùng đất ngập nước bãi Sậy – sông Đầm đa dạng hệ sinh thái. Ảnh: N.Đ.N

Xác định phục hồi ĐDSH là sự kiện môi trường có quy mô tầm quốc gia và quốc tế nên tỉnh đã làm việc và nhận được sự ủng hộ của Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan. Ở Quảng Nam, dự kiến sẽ có hơn 40 các sự kiện, hoạt động được tổ chức, từ các hoạt động tầm quốc gia, quốc tế đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của các cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, người dân tham gia.

- Thưa bà, việc thành lập Bảo tàng ĐDSH tỉnh nhằm mục đích gì, trưng bày sinh vật ra sao, các tỉnh thành khác có mô hình bảo tàng tương tự chưa?

- Bà Lê Thủy Trinh: Mục đích của tỉnh là thống kê và đánh giá về hiện trạng ĐDSH trên địa bàn tỉnh gồm các nhóm sinh vật: thực vật bậc cao có mạch, thực vật nổi, chim, thú, lưỡng cư, bò sát, côn trùng, cá, động vật đáy, động vật nổi. Xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH tỉnh, bản đồ phân bố động, thực vật quý hiếm trên địa bàn Quảng Nam.

Cạnh đó, khoanh vùng bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù, nhạy cảm, bảo tồn các thành phần khác của ĐDSH đang có nguy cơ bị đe dọa do các nhân tố tự nhiên và xã hội. Bảo tồn các thành phần của ĐDSH đang bị đe dọa do hoạt động khai thác quá mức hay bị lãng quên. Hệ động thực vật hiện đang trưng bày dưới dạng mẫu vật và tiêu bản ép. Thực vật bậc cao đang trưng bày tại tầng 2 khu nhà Bảo tàng ĐDSH tỉnh, tổng số 600 tiêu bản ép thuộc 199 loài, 80 họ, 68 họ. Hệ động vật đang trưng bày tại tầng 3 gồm các lớp chim, lớp thú, bò sát, lưỡng cư, lớp cá, động vật đáy, côn trùng.

- Thời gian đến, ngành sẽ tập trung làm gì để bảo tồn ĐDSH hiệu quả, thưa bà?

- Bà Lê Thủy Trinh: Theo phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tập trung quy hoạch thành lập các cơ sở bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm hoặc có giá trị kinh tế cao; đảm bảo không gia tăng số lượng loài bị tuyệt chủng; cải thiện tình trạng loài bị đe dọa tuyệt chủng; bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù, có giá trị cao về ĐDSH.

Bên cạnh nâng cấp các khu bảo tồn hiện có tỉnh sẽ thành lập các khu bảo tồn mới. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH; hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách; giải quyết từng bước sinh kế, nâng cao mức sống của người dân địa phương trong vùng quy hoạch các khu bảo tồn.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.

[VIDEO] - Việc phục hồi rừng dừa Tịch Tây, xã Tam Nghĩa (Núi Thành) thuộc vùng đất ngập nước vũng An Hòa sẽ đem lại sinh kế bền vững cho người dân:

VIDEO: HOÀNG ĐẠO

HỮU PHÚC

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/emagazine/emagazine-chung-song-hai-hoa-voi-thien-nhien-153632.html