Chung quanh việc tuyển dụng giáo viên mầm non vào biên chế ở Quảng Bình

Việc chuyển các trường mầm non bán công sang công lập ở Quảng Bình góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Từ năm học 2010 - 2011, tỉnh chuyển 25 trường mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn sang công lập; 80 trường mầm non bán công còn lại chuyển sang công lập tự chủ; một trường THPT bán công sang công lập; năm trường THPT sang công lập tự chủ, hoạt động theo Nghị định của Chính phủ "về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập". Sau khi thực hiện việc chuyển đổi các trường THPT và mầm non bán công sang công lập và công lập tự chủ, tỉnh Quảng Bình phải bổ sung quỹ biên chế là 554 người, mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ cấp hơn 33 tỷ đồng. Năm học 2010-2011 đã kết thúc, nhưng đến nay việc tuyển dụng giáo viên mầm non vẫn chưa được thực hiện, thậm chí đề án tuyển dụng cụ thể cũng chưa ban hành. Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, lãnh đạo Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đều cho rằng, không hẳn hai ngành thiếu chủ động triển khai các bước để thực hiện quyết định của UBND tỉnh và Nghị quyết của UBND tỉnh Quảng Bình nhưng đây là việc khá nhạy cảm, liên quan nhiều người, nếu không nắm vững các quy định của Nhà nước và không xử lý khéo sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Bình Lê Quang Đều cho biết, sau khi bàn bạc và đi đến thống nhất, liên ngành Nội vụ, GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình về phương án tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường mầm non, THPT bán công vào biên chế. Nếu UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý thì việc tuyển dụng sẽ triển khai trong tháng 8 để chuẩn bị cho năm học mới. Đầu năm học 2010-2011, các trường mầm non bán công trên địa bàn đã giảm học phí từ mức đóng góp đối với loại hình trường bán công xuống mức tương ứng với loại hình trường công lập, cho nên nguồn thu sụt giảm, không đủ trả lương cho cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong khi đó, do chưa được tuyển dụng vào biên chế, nhiều giáo viên, nhân viên chưa được nhận lương theo hệ số, ngạch bậc quy định, dẫn đến việc nợ lương diễn ra ở hầu hết các trường mầm non bán công trong tỉnh. Trước tình hình đó, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã ban hành quy định tạm giao mức lương cho giáo viên, nhân viên đang công tác tại các trường mầm non bán công trong khi chờ tuyển dụng. Căn cứ vào đó, các trường tạm trả lương cho giáo viên, nhân viên để bảo đảm đời sống. Nhưng cũng từ đây nảy sinh việc lập danh sách đề nghị tạm giao mức lương cho giáo viên, nhân viên đang công tác tại trường không đúng với thực tế số giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại trường vào thời điểm lập danh sách. Thực tế tại TP Đồng Hới là một thí dụ: Thành phố có 16 trường mầm non trực thuộc Phòng GD-ĐT. Tổng biên chế UBND thành phố giao cho các trường khi chuyển đổi bán công sang công lập là 425 chỉ tiêu, trong đó 114 cán bộ, giáo viên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, còn 311 chỉ tiêu chưa được tuyển dụng vào biên chế. Trong khi chờ tuyển dụng, UBND thành phố ra quyết định tạm giao mức lương cho 311 người (mức lương khởi điểm 1,86) để các trường có căn cứ lập bảng lương cho giáo viên. Quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều dư luận khác nhau khi hợp đồng giáo viên chi trả lương, lập danh sách đề nghị tạm giao mức lương của các trường mầm non. Tiến hành kiểm tra công tác cán bộ tại các trường mầm non vào cuối tháng 6-2011, tổ kiểm tra của UBND thành phố Đồng Hới phát hiện 36 trường hợp không làm việc tại các trường nhưng trước đó vẫn có tên trong danh sách ban hành kèm theo quyết định tạm giao mức lương trong thời gian chờ tuyển dụng tại các trường. Trong số 36 trường hợp nói trên, 22 trường hợp tại thời điểm kiểm tra không có hồ sơ, hợp đồng làm việc tại trường, bốn trường hợp có hồ sơ nhưng chưa ký hợp đồng và mười trường hợp đã chấm dứt hợp đồng làm việc. Lý giải cho việc này, một cán bộ quản lý giáo dục ở thành phố Đồng Hới cho biết, khi đang hoạt động nhờ nguồn đóng góp học phí, để tiết kiệm chi phí các trường mầm non bán công không hợp đồng đủ giáo viên theo quy mô trường lớp như quy định (từ 25 đến 30 cháu/lớp/hai cô). Nhưng khi được chuyển đổi và đang chờ quyết định tuyển dụng, các trường mầm non trên địa bàn lập danh sách đề nghị tạm giao mức lương cho giáo viên, nhân viên đang công tác tại trường dôi ra nhằm... "tạo nguồn" để tuyển đủ theo định biên theo quy định đối với bậc học mầm non. Trước việc làm vi phạm này, UBND thành phố Đồng Hới chỉ đạo kiểm điểm đối với hiệu trưởng các trường mầm non trong việc lập danh sách sai thực tế và kiểm tra việc sử dụng tiền lương, các chế độ liên quan việc tạm giao mức lương cho các chỉ tiêu trên. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Quảng Bình Trần Đình Nhân, việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên ở các trường mầm non vào biên chế được thực hiện trên cơ sở các quy định của Nhà nước và có tính đến đóng góp của từng cá nhân đối với trường và ngành GD-ĐT. Tiêu chí mà liên ngành GD-ĐT và Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình trong việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường mầm non vào biên chế là: Thứ nhất, giáo viên phải đạt chuẩn theo quy định, cụ thể là trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; thứ hai thời gian công tác đến khi về hưu ít nhất phải 15 năm; thứ ba phải hoàn thành nhiệm vụ trong các năm công tác; thứ tư có quyết định tuyển dụng vào làm việc của cấp có thẩm quyền hoặc đơn vị tuyển dụng; thứ năm người có trong danh sách đề nghị của trường mà thời gian tuyển dụng có ít nhất là hai năm công tác và ít nhất một năm đóng bảo hiểm. Mốc thời gian để tính là ngày 31-5-2011. Cũng theo thầy giáo Trần Đình Nhân, các trường không được phép tuyển dụng mà các huyện, thành phố lập hội đồng tuyển dụng để xét từng trường hợp dựa trên các tiêu chí trên; Sở GD-ĐT sẽ xét giáo viên ở các trường THPT bán công chuyển đổi sang công lập. Với tiêu chí đã nêu, các địa phương sẽ tuyển dụng được đội ngũ giáo viên, nhân viên có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề để phục vụ việc dạy học; đồng thời tránh các sai sót, vi phạm trong quá trình tuyển dụng. UBND tỉnh Quảng Bình cần sớm thông qua đề án tuyển dụng giáo viên 105 trường mầm non vào biên chế để tuyển chọn được đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên có năng lực chuẩn bị cho năm học mới. Đồng thời, giúp các trường tuyển đúng người, đúng việc và tránh các sai sót xảy ra, nhất là khi việc tuyển dụng giáo viên "nóng" vào đầu năm học mới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/giao-duc/chung-quanh-vi-c-tuy-n-d-ng-giao-vien-m-m-non-vao-bien-ch-qu-ng-binh-1.304919