Chung một quyết tâm

Những ngày này, rất nhiều lực lượng, từ các thầy thuốc đến chiến sĩ công an, quân đội… đang được điều động vào hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía nam chống dịch Covid-19. Họ đều có chung một quyết tâm sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái 'bình thường mới'.

Cán bộ y tế Bệnh viện K trước khi lên đường vào hỗ trợ các tỉnh phía nam chống dịch.

Cán bộ y tế Bệnh viện K trước khi lên đường vào hỗ trợ các tỉnh phía nam chống dịch.

Tính đến thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị cử nhiều nhân viên y tế vào hỗ trợ các tỉnh phía nam nhất. Bệnh viện đã cử đoàn y, bác sĩ gần 500 người gồm đầy đủ các chuyên ngành làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid -19 ở Bệnh viện dã chiến số 16, TP Hồ Chí Minh. Đây đều là những người đã có kinh nghiệm tại các chiến trường từ Sơn Lôi, Hải Dương đến Bắc Giang, Bắc Ninh. Trong đó có những chuyên gia đầu ngành cả nước về cấp cứu, hồi sức, tim mạch...

Lần ra quân thứ hai, 122 thầy thuốc của Bệnh viện Phụ sản T.Ư được chia làm hai đoàn, gồm 80 thầy thuốc tăng cường cho Bệnh viện Hồi sức cấp cứu dã chiến số 13 TP Hồ Chí Minh và 42 thầy thuốc chi viện cho Bệnh viện Hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương. Để chuẩn bị tốt cho đợt tiếp sức lần này, đội ngũ các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi tăng cường có hai tuần liên tục tập huấn các quy trình sàng lọc, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân an toàn đúng cách và cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở...

Ngày 27/8, Bệnh viện K tổ chức lễ xuất quân lần thứ tư đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía nam. 50 bác sĩ, điều dưỡng đi tăng cường lần này sẽ nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2. Những cán bộ y tế được tăng cường từ ba đoàn trước đó hiện đang tham gia điều trị hồi sức cho người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 và Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi T.Ư tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai.

Đoàn chi viện thứ hai của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô gồm 30 y, bác sĩ thuộc các khoa: hồi sức tích cực, nội, cấp cứu... đã vào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh nhiệm vụ chính là hỗ trợ công tác điều trị cho các bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh, đoàn sẽ hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn tại các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến trên địa bàn.

Với kinh nghiệm tham gia chống dịch tại Huế, Hà Tĩnh, Phú Yên… Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận được yêu cầu của tỉnh Bình Dương giúp vận hành đơn vị hồi sức tích cực (ICU) mới thành lập. Ngày 25/7, đoàn công tác Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gồm các bác sĩ hồi sức, cấp cứu, gây mê, tim mạch cùng đội ngũ điều dưỡng từ Hà Nội đã đến Bình Dương. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Bình Dương vẫn đang rất căng thẳng (số ca mắc mới đứng thứ hai cả nước) và nhiều khó khăn. Số ca mắc mới mỗi ngày liên tục ở mức bốn con số, thậm chí có những ngày số ca mắc mới đã vượt TP Hồ Chí Minh… Bộ Y tế đã điều và phân công PGS,TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội làm Giám đốc Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Bình Dương. Trước việc thiếu nhân lực, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu đã kêu gọi sự chung tay, tiếp sức nhiều hơn nữa của những người thầy thuốc từ nhiều địa phương, đơn vị để đẩy lùi đợt dịch bệnh này.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đã có rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng đăng ký vào Bình Dương chống dịch. Chỉ sau hai ngày làm đơn, Nguyễn Thị Huyền và gần 100 bác sĩ nội trú trẻ khóa 45 của Trường đại học Y Hà Nội đã có mặt ở Bình Dương. Hành trang của các bác sĩ nội trú trẻ đó là chiếc va ly nhỏ chứa vật dụng cá nhân và kiến thức đã học trên giảng đường, kiến thức được tham khảo thêm kinh nghiệm từ các anh, chị đang thực hiện nhiệm vụ trong tâm dịch. Huyền chia sẻ thêm, khi thông báo về gia đình việc tình nguyện vào Bình Dương, bố mẹ em rất tự hào và động viên cô con gái khi khoác lên mình sứ mệnh người thầy thuốc, nên hãy đến bất kỳ đâu khi Tổ quốc và người bệnh cần. Bác sĩ Nguyễn Thị Yến, nhóm trưởng của 97 thầy thuốc nội trú trẻ tình nguyện khẳng định: Chúng em tình nguyện vào tâm dịch vì muốn đóng góp sức trẻ nhiều hơn nữa. Trường đại học Y Hà Nội đã rèn luyện chúng em tinh thần sẵn sàng nhận việc khó về mình, tất cả vì người bệnh. Còn bác sĩ Mai Thị Thùy Linh thể hiện rõ trách nhiệm: Dịch bệnh ai mà không sợ, nhưng khi xác định làm nghề này rồi mà mình còn sợ thì ai là chỗ dựa cho nhân dân trong hoàn cảnh khó khăn như thế.

Điều dưỡng Trần Thị Minh Hoa, Khoa Ngoại gan mật tụy (Bệnh viện K) chia sẻ: Bản thân em luôn muốn cống hiến và đóng góp một phần công sức để cùng đồng nghiệp đón đợi chiến thắng chung. “Em và các đồng nghiệp lên đường trong tâm thế sẵn sàng. Chiến thắng mới trở về”, Hoa khẳng định.

TS, BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, vào tâm dịch còn là cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn cho mỗi người thầy thuốc. Trải qua những “bài học” trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, những cán bộ y tế sẽ trở về xây dựng Bệnh viện E vững vàng hơn trong chuyên môn.

Theo thống kê, đến nay Bộ Y tế đã huy động khoảng 16 nghìn y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khu vực phía nam chống dịch, gồm 200 lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Y tế tham gia Bộ phận thường trực đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và các tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ; hơn 5.000 cán bộ y tế từ các bệnh viện, viện; gần 7.600 giảng viên, sinh viên từ các trường y dược và hơn 2.000 cán bộ y tế địa phương n

Minh Hoàng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/chung-mot-quyet-tam-662292/