Chứng khoán Việt Nam có cơ hội được nâng hạng vào năm 2025

Theo kế hoạch, trong tháng 3/2024, FTSE Russell sẽ có kỳ đánh giá và đến tháng 9/2024 khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE xem xét nâng hạng chính thức. Nhiều dự báo kỳ vọng, đến tháng 9/2025, FTSE Russell sẽ chính thức nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Dòng tiền nước ngoài sẽ vào thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn khi được nâng hạng. Ảnh: Duy Dũng

Những nỗ lực kỳ vọng cho kết quả tích cực

Thời gian qua và gần đây, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang có thấy những chuyển biến rất lớn từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành và cơ quan liên quan. Cùng với quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban Chứng khoán hiện đang tốc lực để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo các tiêu chí quan trọng mà các tổ chức xếp hạng thị trường đưa ra, trong đó ưu tiên trước mắt là các tiêu chí của FTSE Russell.

Trong một báo cáo vừa mới phát hành gần đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc nâng hạng có tầm quan trọng đáng kể đối với thị trường chứng khoán và giúp thu hút thêm vốn từ các quỹ đầu tư toàn cầu. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng kỳ vọng rằng việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp các công ty vốn hóa lớn dễ dàng huy động vốn hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài với nguồn tài chính dồi dào.

Còn theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thị trường chứng khoán các quốc gia thường sẽ diễn biến tích cực trước khi có thông tin chính thức nâng hạng thị trường với thanh khoản cải thiện rõ rệt.

Điển hình là thị trường chứng khoán Trung Quốc, tuy nhiên năm 2018 cũng là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến thị trường chứng khoán ghi nhận mức sụt giảm. Sau đó thị trường chứng khoán nước này tiếp ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Sau khi thông tin chấp thuận nâng hạng được công bố, thanh khoản và điểm số có dấu hiệu sụt giảm ở các nước: Qatar, UAE.

“Một điều cần lưu ý là diễn biến thị trường chứng khoán còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội, tình hình địa chính trị tại mỗi quốc gia ở từng thời điểm, yếu tố nâng hạng không phải là điều kiện chính tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán” - chuyên gia của BSC lưu ý.

Trong khi đó, thanh khoản và diễn biến của chỉ số chứng khoán tại Thái Lan, Malaysia đều ghi nhận xu hướng tích cực trước thời điểm được FTSE chấp thuận nâng hạng từ thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary) lên thị trường mới nổi tiên tiến (Advanced).

Tại Việt Nam, BSC kỳ vọng, sau khi được FTSE Russell nâng hạng chứng khoán sẽ hút 1,5 tỷ USD, và nếu MSCI nâng hạng sẽ hút thêm khoảng 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, “triển vọng nâng hạng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hành động của các cơ quan quản lý trong việc giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trước tiên là tiêu chí “pre-funding” (ký quỹ trước giao dịch).

Diễn biến của khối ngoại, ETF trên thị trường - trong đó động thái mua ròng mạnh mẽ các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí của nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố cần quan sát kỹ lưỡng. Cuối cùng là quan điểm của các bộ, ngành có liên quan đến việc phối hợp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường” - chuyên gia của BSC cho hay.

Có thể sẽ được nâng hạng vào 2025

Các chuyên gia của VNDIRECT tin rằng, sẽ rất khó khăn để chuẩn bị cho kỳ đánh giá lên thị trường mới nổi vào năm 2024, nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu Chính phủ thực sự quyết tâm. Thời điểm khả quan nhất có thể là kỳ đánh giá tháng 9/2024 của FTSE Russell.

Còn theo chuyên gia của BSC, trong tháng 3/2024, FTSE sẽ có kỳ đánh giá và đến tháng 9/2024 khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE xem xét nâng hạng chính thức. Và đến tháng 9/2025, FTSE sẽ chính thức nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Trong khi đó, khả năng đến tháng 6/2025 sẽ được đưa vào danh sách theo dõi của MSCI.

Chuyên gia của BSC phân tích, trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều, chủ yếu là do FTSE Russel có phân chia thị trường mới nổi ra thành 2 mức độ tùy theo cấp độ phát triển của thị trường như thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary) và tiên tiến (Advanced). Việt Nam đã đạt được 5/5 chỉ tiêu của thị trường theo tiêu chí của FTSE trong khi đó MSCI vẫn còn yêu cầu cần cải thiện room ngoại cho nhà đầu tư nước ngoài...

Được biết, đối vấn đề ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cơ quan quản lý hiện đang nỗ lực để đề xuất và sửa đổi các quy định pháp lý có liên quan. Hiện xu hướng này cũng đã được một số tổ chức quốc tế đánh giá cao về mức độ khả thi và kỳ vọng sẽ giải quyết được nút thắt về pre-funding.

Về tiêu chí tỷ lệ sở hữu nước ngoài, để giải quyết vấn đề này sẽ cần thay đổi các quy định đối với từng ngành nghề, danh mục hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện nay đang được quy định tại Luật Đầu tư (Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành), Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành).

Vốn ngoại sẽ quay lại các thị trường mới nổi

Theo các chuyên gia của VNDIRECT, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 24,8 nghìn tỷ đồng (1,01 tỷ USD) vào năm 2023 do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng bán ròng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở các nước đang phát triển khác. Điều này thể hiện một khi chênh lệch lãi suất thu hẹp, chúng ta có thể chứng kiến dòng vốn nước ngoài quay trở lại các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) dựa trên triển vọng phục hồi kinh tế.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chung-khoan-viet-nam-co-co-hoi-duoc-nang-hang-vao-nam-2025-147101-147101.html