Chung khảo Olympic kinh tế lượng và ứng dụng lần thứ II năm 2017

Ngày 28, 29/5, tại Học viện Tài chính (Hà Nội) diễn ra Chung khảo hội thi khoa học sinh viên toàn quốc 'Olympic kinh tế lượng và ứng dụng' lần thứ II năm 2017 do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam và Học viện Tài chính tổ chức.

Các đội thi được nhận giải

Sau 8 tháng triển khai, chương trình đã thu hút được 25 trường đại học, học viện đăng ký tham gia với gần 100 đề tài của hơn 300 sinh viên (trong đó có 2 trường ở Mỹ và một nhóm sinh viên (SV) nước ngoài ở Úc).

Sau gần 2 tháng làm việc nỗ lực, Ban cố vấn và Ban giám khảo Hội thi đã chọn ra 71 đề tài vào vòng chung khảo, trong đó có 11 đề tài xuất sắc nhất Hội thi.

Hội thi năm nay có nhiều SV năm thứ nhất, thứ hai và thứ 3 tham gia. Việc sớm tham gia sân chơi khoa học ngay từ những năm đầu tiên sẽ giúp SV định hướng và hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học, là nhân tố quan trọng để xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học sâu rộng trong các nhà trường.

Các đề tài nghiên cứu đa dạng, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đều có chất lượng cao hơn; có sự giao lưu nghiên cứu giữa SV các các trường, đặc biệt hơn có sự tham gia của 3 sinh viên Việt Nam đến từ Trường Đại học Quốc tế Alliant và Trường Đại học bang Mississippi của Mỹ.

Trong khuôn khổ Hội thi có Diễn đàn SV khởi nghiệp với hai chủ đề: “Kỳ vọng về tính thực tiễn trong nghiên cứu khoa học của SV - Góc nhìn từ doanh nghiệp” và “Bản lĩnh trí thức trẻ thời kỳ hội nhập”, với hai diễn giả là TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ BIDV và ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà - mở ra cho SV cơ hội nhận diện thêm các tiêu chí và yêu cầu thực tế trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học, đồng thời được lắng nghe những chia sẻ, những kinh nghiệm của các doanh nhân trên con đường lập nghiệp.

PGS.TS Phạm Văn Liên - Phó Giám đốc Học viện Tài chính - trao giải đội xuất sắc nhất.

PGS.TS Phạm Văn Liên - Phó Giám đốc Học viện Tài chính - nhấn mạnh: Nghiên cứu khoa học tiệm cận với trình độ thế giới và khu vực là một trong những mục tiêu quan trọng trong giáo dục đại học hiện nay. Việc tham gia nghiên cứu khoa học của SV ngay từ những năm đầu trên ghế nhà trường sẽ tạo ra động lực, mục tiêu để SV rèn luyện kỹ năng và phương pháp nghiên cứu khoa học. Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng sẽ là nhân tố tích cực để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các nhà trường.

Sau hai ngày thi tài và làm việc vất vả, Ban Tổ chức đã trao giải Xuất sắc cho đề tài: Sử dụng mô hình xích MARKOV định mức thưởng phạt trong tái thủ tục bảo hiểm, của đội thi đến từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Học viện Tài chính, do TS. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (giảng viên Học viện Tài chính) hướng dẫn.

Trao 5 giải Nhất cho các các đề tài: Tác động của sở hữu của nhà đầu tư tổ chức đến giá trị các doanh nghiệp niêm yết giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam - Trường Đại học Ngoại thương CS2; Tính bất định theo giá cổ phiếu, quyết định đầu tư dưới sự kiểm soát của Chính phủ- Bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam - Đại học Kinh tế TP HCM; Đo lường tác động của Coskewness Cokurtosis và Var đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu niêm yết giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2006 – 2016- Đại học Ngân hàng TP. HCM; Đề tài của Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM; Phân tích và đánh giá rủi ro chứng khoán- sử dụng phương pháp hồi quy phân vị - Học viện Chính sách và Phát triển.

Đồng thời, Ban Tổ chức trao 6 giải Nhì, 10 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các đội.

Hiền Anh

Hiền Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/chung-khao-olympic-kinh-te-luong-va-ung-dung-lan-thu-ii-nam-2017-3355414-c.html