Chúng con trân trọng giá trị hòa bình ngày hôm nay!

'Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc Nam. Chẳng biết chiến tranh là gì. Chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha…'. Đó là lời bài hát 'Lá Cờ' của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng mà tôi vẫn thường nghe.

Tri ân ngày 27/7:

Cha và bác thứ của tôi là những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử nơi chiến trường khốc liệt, nay đi thăm lại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh Lê Mận

Đau thương xen lẫn tự hào

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bà nội tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhỏ, bà sinh được 5 người con trai và 2 người con gái. Nhưng, chiến tranh đã cướp đi của nội người con trai cả và người con trai út, những người con còn lại của nội may mắn trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu thịt nơi chiến trường để mang lại hòa bình, độc lập cho dân tộc.

Bác cả của tôi là Liệt sĩ Lê Văn Chắt, đang an nghỉ tại nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Còn chú út của tôi là Liệt sĩ Lê Văn Kiên, an nghỉ ở nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Cả chú và bác đều xung phong ra chiến trường khi tuổi đời con rất trẻ và hy sinh khi mới ngoài đôi mươi.

Ông bà nội tôi đã như chết đi sống lại khi lần lượt phải nhận tờ giấy báo tử của các con mình. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn mà chiến tranh đã gây ra cho gia đình tôi và hàng triệu gia đình khác trên đất nước Việt Nam mà không gì có thể bù lấp được.

Người lính pháo binh đã góp một phần máu thịt của mình trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Ảnh Lê Mận

Cha tôi, một người lính pháo binh, từng vào sinh ra tử ở chiến trường Quảng Trị khốc liệt và trở về quê hương sau ngày giải phóng với những vết thương đau đớn trên cơ thể. Từ những ngày con bé thơ, chị em chúng tôi đã được nghe cha kể về những câu chuyện chiến tranh mà cha cùng các đồng đội đã anh dũng chiến đấu, được cha cho xem những dòng nhật ký đời lính mà cha viết… tôi đã đọc từng câu, từng chữ trong cuốn nhật ký của cha và nước mắt cứ thế chảy dài, bởi sự tàn nhẫn của chiến tranh mà tôi cảm nhận được chỉ bằng 1/10 thực tế của những người lính phải cầm súng ra chiến trường như cha tôi…

Cha tôi nói rằng, vẫn biết đi là khó có ngày trở về nhưng vì lý tưởng cách mạng cao đẹp, lòng căm thù giặc và luôn theo tiếng gọi của Tổ quốc nên không chỉ riêng cha mà hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, phần lớn là thanh niên đã nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho quê hương, đất nước.

Cha và bác của tôi chụp ảnh kỷ niệm tại Bảo tảng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh Lê Mận

Sau ngày giải phóng, dù có nhiều cơ hội đi làm việc, học tập ở những môi trường tốt nhưng cha tôi lại chỉ có một mong muốn duy nhất là trở về quê hương, nơi có cha mẹ già đang ngày đêm mong ngóng, chờ đợi đứa con trai của mình sống sót trở về sau nhiều năm xa cách

Ở thời bình, cha tôi đã tham gia nhiều công tác xã hội ở địa phương, đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương và luôn có mẹ tôi là hậu phương vững chắc. Cho đến bây giờ, khi đã ở tuổi 70, mái tóc đã bạc, làn da đã lốm đốm những vết đồi mồi nhưng “chất” của người lính cụ Hồ trong cha tôi vẫn vẹn nguyên như thế: thẳng thắn, chính trực, không ngại khó, không ngại khổ, là một người tử tế, lương thiện, sống luôn đặt chữ tâm, chữ tín lên hàng đầu.

Chuyến đi ý nghĩa cùng cha

Sau khi ông bà nội tôi qua đời, cha tôi luôn tiếc nuối và áy náy vì ngày ấy hoàn cảnh khó khăn, phương tiện đi lại còn hiếm nên ông bà nội tôi chưa bao giờ được đi viếng mộ các con của mình. Khi chị em tôi lớn lên, cha tôi luôn răn dạy “uống nước phải nhớ nguồn”, bởi vậy cứ đến ngày 27/7 hàng năm, 5 chị em tôi dù ở xa vẫn luôn sắp xếp thời gian thay nhau đến viếng mộ chú và các Liệt sĩ.

Bác, cha và em trai tôi chụp ảnh lưu niệm tại bến Hiền Lương. Ảnh Lê Mận

Năm 2022, tôi và em trai đã có cơ hội được đưa cha và bác thứ của tôi từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị viếng mộ bác cả và để cha thăm lại chiến trường xưa. Bước chân vào nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh giữa trời tháng 8 nắng đổ lửa, phần mộ của bác tôi nằm giữa hàng nghìn đồng đội với những nấm mồ thẳng tắp, các anh từ nhiều tỉnh thành trên cả nước được quy tập về đây sau khi đã anh dũng ngã xuống tại chiến trường.

Dâng nén hương thơm đến từng phần mộ của các liệt sĩ mà khóe mắt cay cay, lòng bùi ngùi thương xót. Cha tôi cầm nén hương nghẹn ngào trước mộ của người anh cả - Liệt sĩ Lê Văn Chắt: “Anh ơi, hôm nay chúng em cùng các cháu đến thăm anh này anh ơi…”. Cả nghĩa trang vắng lặng, chị em tôi đã không cầm được nước mắt.

Cha và bác làm lễ viếng bác cả và các liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh. Ảnh Lê Mận

Chiến tranh đã khiến hàng lớp lớp những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, không ít trong số ấy vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Hàng nghìn liệt sĩ mãi mãi “vô danh” trên bia mộ, tên của các anh hòa vào đất mẹ với hai từ Tổ quốc thiêng liêng.

Sau lễ thăm viếng bác cùng các đồng đội, cha tôi đã yên tâm khi người anh cả của mình yên nghỉ ở đây được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bia mộ sạch sẽ, khang trang. Chuyến xe của chúng tôi rời nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh đến Thành cổ Quảng Trị nơi cha tôi từng chiến đấu.

Trên đường đi cha tôi đã kể lại những trận đánh cam go ác liệt, những lần vác pháo bơi qua sông Lai Phước và chỉ cho chị em tôi từng địa danh mà cha và các đồng đội đã chiến đấu oanh liệt như thế nào, là sông Thạch Hãn, là làng Nhan Điều, làng Xuân An, làng Thượng Phước, làng An Đôn, căn cứ Ái Tử, làng Tri Biu…

Phần mộ của bác tôi nằm giữa hàng nghìn đồng đội. Ảnh Lê Mận

Vào Thành cổ Quảng Trị, có lẽ ký ức về hững trận chiến hào hùng năm xưa ùa về, cha tôi như một hướng dẫn viên thực thụ, giới thiệu cho chị em chúng tôi các di tích lịch sử đặc trưng của Thành cổ từ cổng thành, đền đài… và Bảo tàng Thành Cổ, nơi lưu giữ những kỷ vật sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Cha còn giới thiệu chi tiết các loại pháo trưng bày ở Bảo tàng gắn với các trận đánh với ánh mắt đầy tự hào…

Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị.

Đây là chuyến đi thành công và ý nghĩa nhất của chị em tôi cùng cha và bác. Chúng tôi luôn khắc ghi công ơn của các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi luôn tự hào khi được làm con gái nhỏ của cha, luôn tự hào về gia đình mình với truyền thống cách mạng…

Em trai út của tôi lần đầu tiên có cơ hội đi thăm viếng bác của chúng tôi và các liệt sĩ ở đây. Ảnh Lê Mận

Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Để chúng con được sống trong hòa bình như ngày hôm nay là nhờ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.

Chúng con xin được gửi lời tri ân thành kính tới các thế hệ đã chiến đấu vì độc lập tự do, vì sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay. Cầu mong cho đất nước thái bình, những phần mộ liệt sĩ thất lạc được tìm thấy và an nghỉ, xin chúc các bác thương – bệnh binh có cuộc sống ổn định và được đền đáp xứng đáng. Kính chúc các mẹ Việt Nam anh hùng luôn mạnh khỏe. Chúng con trân trọng giá trị hòa bình ngày hôm nay!

Lê Mận

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chung-con-tran-trong-gia-tri-hoa-binh-ngay-hom-nay-345728.html