'Chúc cộng đồng doanh nhân Việt Nam có tư duy thời đại, vượt ra khỏi quốc gia'

"Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sáng tạo, tạo động lực khởi nghiệp để đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói với BizLIVE.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với BizLIVE xung quanh những việc Chính phủ đã và sẽ làm để thúc đẩy hơn nữa môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Chính phủ khóa mới đã có những chủ trương, chính sách quan trọng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Những động thái tích cực này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và tạo động lực cho sự phát triển doanh nghiệp. Ngoài những việc đã làm được, Chính phủ đang và sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào để thúc đẩy môi trường kinh doanh trở nên thông thoáng hơn, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Đảng, Nhà nước ta luôn coi doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những chủ thể quan trọng, là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Vì vậy, với chủ trương nhất quán về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã liên tục hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ đã rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 202…

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp doanh nghiệp 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam -Động lực phát triển kinh tế đất nước”.

Đây là sự khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành, sát cánh của Chính phủ, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp , nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp như chỉ đạo rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư tuân thủ tốt các quy định của pháp luật… với tinh thần lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế, công cụ cho vấn đề giám sát thực thi các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, như yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ ít nhất 2 lần/năm tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Đồng thời thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho doanh nghiệp; ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc , Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp điều hành chính thức được đưa vào vận hành tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn từ ngày 01/10/2016.

Đây là kênh kết nối Chính phủ với doanh nghiệp, qua đó Chính phủ lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cả những phản ánh về việc cán bộ, công chức vòi vĩnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp… Thông qua hệ thống này, các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp sẽ được chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm được xem xét tháo gỡ, giải quyết.

Chính phủ tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, thực hiện 3 đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh; dự kiến bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bổ sung 14 ngành nghề, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề; xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Bên cạnh đó, Chính phủ luôn coi việc thực hiện là yếu tố quyết định đến thành công của chính sách. Vì vậy Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ (Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01/10/2016) và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 và các nghị quyết khác của Chính phủ; thực hiện cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đều hướng tới phát triển Việt Nam thành “quốc gia khởi nghiệp”. Xin ông cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ, có định hướng phát triển như thế nào?

Năm 2016 đã được Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng xác định “Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Đây chính là sự cụ thể hóa mạnh mẽ những cam kết từ Chính phủ trong việc kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thông điệp quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ngay khi nhậm chức đã dần được cụ thể hóa qua những chỉ đạo điều hành mạnh mẽ, quyết liệt trong thời gian qua.

Theo đó, hàng loạt điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ rà soát, bãi bỏ và ban hành những nghị định mới về điều kiện kinh doanh theo tinh thần Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

Trong quá trình xây dựng các nghị định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục nhấn mạnh phải kiên quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, loại bỏ các giấy phép con; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Hiện danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm từ 267 xuống còn 214 ngành nghề, giảm được 53 ngành nghề.

Chính phủ đã xây dựng Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, trình Quốc hội để xem xét, thảo luận ngay trong kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 này.

Mới đây, Chính phủ đã đề nghị bỏ Điều 292 quy định về tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” trong Bộ luật Hình sự 2015, đáp ứng mong mỏi chính đáng của doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như của các doanh nghiệp đã, đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đó là một dẫn chứng trong hàng loạt chính sách mà Chính phủ thực thi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hướng tới mục tiêu phát triển Việt Nam thành “quốc gia khởi nghiệp”.

Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sáng tạo, tạo động lực khởi nghiệp để đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.

Từ lúc nhận nhiệm vụ mới với vai trò là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cũng là thời điểm Chính phủ ban hành nhiều chính sách cho doanh nghiệp, bản thân ông cũng là người có nhiều tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp, ông có cảm nhận thế nào về sự thay đổi môi trường kinh doanh? Với vai trò là người tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ, ông đã và sẽ làm những gì để thúc đẩy hơn nữa mục tiêu hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới?

Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đang tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển và tạo nhiều cảm hứng cho khởi nghiệp. Như tôi nói ở trên, việc Chính phủ đề nghị bãi bỏ Điều 292 quy định về tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” trong Bộ luật Hình sự 2015 đã góp phần mang lại niềm tin mạnh mẽ cho giới khởi nghiệp về một Chính phủ kiến tạo, cầu thị và lắng nghe.

Đây là tin vui cho không chỉ những doanh nghiệp non trẻ mới khởi nghiệp, mà cả những doanh nghiệp đã có uy tín, có bề dày hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trước đó, quyết định gỡ bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh và giấy phép con cũng đã giúp doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực có điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để tăng cường việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng rà soát, đánh giá toàn diện, đầy đủ tiến độ, chất lượng, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hiện nay, trang thông tin http://doanhnghiep.chinhphu.vn tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp điều hành đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ chuyển những thông tin này cho cơ quan chức năng xử lý. Việc đăng tải các thông tin minh bạch trên trang thông tin này thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, góp phần tăng thêm niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

Tôi và các lãnh đạo Văn phòng Chính phủ luôn hết sức mình thúc đẩy hơn nữa thực hiện mục tiêu hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian qua, sau khi nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng đã có nhiều cuộc làm việc tại nhiều cơ quan, trong đó có hai Bộ: Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính - những Bộ có khối lượng công việc liên quan đến doanh nghiệp khá lớn. Thưa ông, ông nhận thấy những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp được hai Bộ này thực hiện như thế nào?

Số lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là rất lớn, trong đó nhiều nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp...

Vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với hai bộ này. Qua kiểm tra, Tổ ghi nhận nhiều kết quả mà 2 bộ tích cực thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô gắn với việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Tổ công tác cùng với hai bộ đã báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần quan tâm thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tôi tin rằng trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các hành động cụ thể, có hiệu quả, đặc biệt đẩy mạnh cải cách thể chế và hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho mọi thành phần kinh tế phát triển.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông có chia sẻ gì muốn gửi tới cộng đồng doanh nhân?

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày 13/10, tôi xin gửi tới toàn thể cộng đồng doanh nhân lời chúc tốt đẹp nhất, chúc cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải có tư duy thời đại, vượt ra khỏi quốc gia, tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường, liên kết hợp tác, xây dựng văn hóa và đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân, chung tay vì lợi ích của cộng đồng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Mạnh Nguyễn

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/chuc-cong-dong-doanh-nhan-viet-nam-co-tu-duy-thoi-dai-vuot-ra-khoi-quoc-gia-2069579.html