Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Công đoàn

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước hiện nay đặt ra không ít thách thức cho tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).

Mặc dù chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ của tổ chức Công đoàn được pháp luật thừa nhận, song trong thực tế, một số doanh nghiệp (DN) không tuân thủ các quy định của pháp luật, dẫn đến tranh chấp lao động.

Trong khi vận hành kinh tế thị trường, quan hệ lao động phức tạp rất cần Công đoàn đại diện bảo vệ NLĐ trong lĩnh vực luật pháp, giải quyết tranh chấp, thương lượng, hòa giải thì vai trò của Công đoàn cơ sở ở một số nơi còn bộc lộ hạn chế. Có không ít vụ việc, trước khi phát sinh tranh chấp, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở dù biết trước thông tin nhưng không đủ khả năng đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hàn gắn quan hệ lao động. Nguyên nhân do họ chưa đủ kiến thức, bản lĩnh để lên kế hoạch thương thảo, đàm phán với người sử dụng lao động nhằm giải tỏa bức xúc của NLĐ.

Bà Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nệm Vạn Thành (quận Tân Phú, TP HCM), thăm hỏi đời sống công nhân. Ảnh: CAO HƯỜNG

Cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn dù đã được pháp luật quy định nhưng vẫn có những DN cố tình gây khó dễ, khiến cán bộ Công đoàn e ngại khi "đứng mũi chịu sào". Chưa hết, ở nhiều DN, do hoạt động kiêm nhiệm nên cán bộ Công đoàn ít quan tâm đầu tư cho hoạt động Công đoàn nên không kịp thời hóa giải nỗi bức xúc của NLĐ.

Theo tôi, để nâng chất hoạt động Công đoàn thì phải bắt nguồn từ khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cán bộ Công đoàn cơ sở phải là người có uy tín với người sử dụng và NLĐ, có bản lĩnh và kỹ năng thương thuyết. Để làm được điều này, ngoài xây dựng tiêu chuẩn cơ bản về trình độ, cần ưu tiên chọn lựa cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân, cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn và có khả năng vận động.

Để họ có đủ tự tin trong việc thực hiện vai trò đại diện, Công đoàn cấp trên cần thường xuyên mở các khóa bồi dưỡng, huấn luyện chuyên sâu cho đội ngũ này, trong đó chú trọng rèn kỹ năng thương thảo. Nội dung huấn luyện phải sát hợp với thực tế, tránh áp dụng "mô hình khung" cho các loại hình DN.

Ngoài ra, Công đoàn cấp trên tăng cường đeo bám cơ sở để hiểu đội ngũ cán bộ Công đoàn cần gì, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là ở các DN có quan hệ lao động phức tạp, thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động. Được động viên kịp thời, chắc chắn đội ngũ cán bộ Công đoàn sẽ có thêm động lực để hoạt động.

Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/chuan-hoa-doi-ngu-can-bo-cong-doan-20230817194212926.htm