Chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết

Các mặt hàng đặc sản vùng cao ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là trong các ngày Tết. Thời điểm này, người dân các huyện miền núi trong tỉnh đang tập trung khai thác, sản xuất các sản vật của địa phương để cung ứng cho thị trường tết Giáp Thìn 2024.

Cũng như mọi năm, năm nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) đã chuẩn bị một số mặt hàng đặc trưng của Sơn Tây để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết, như măng nứa khô, gạo lúa rẫy, heo ky, rượu ổi Soli... Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết, hiện tại HTX có 80 con heo ky để bán trong dịp Tết, khách hàng đã đặt trước hết. Heo ky được HTX bán với giá 170 nghìn đồng/kg hơi. Đây là mức giá được HTX giữ bình ổn trong nhiều năm qua.

Những ngày này, Cơ sở sản xuất kinh doanh Tường Vy, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) đang tập trung thu mua các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn để chế biến, đóng gói chuẩn bị nguồn cung cho thị trường Tết. Chủ Cơ sở sản xuất kinh doanh Tường Vy Phan Thị Quyến cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là cơ sở lo thu mua thịt trâu để làm thịt trâu gác bếp. Đây là sản phẩm được bán quanh năm, tuy nhiên vào dịp Tết, nhu cầu của thị trường tăng rất cao, vì vậy phải chuẩn bị trước mới đủ hàng đáp ứng nhu cầu của khách.

Nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện Sơn Tây đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết.

Bên cạnh sản phẩm thịt trâu gác bếp, cơ sở sản xuất của chị Quyến còn chuẩn bị rất nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương như heo ky, cá niên, muối ớt sả rừng, ớt xiêm ngâm mắm, rượu sim rừng, mè đen nhà làm... Hiện thịt trâu gác bếp có giá 750 nghìn đồng/kg, cá niên 400 - 450 nghìn đồng/kg...

Tại huyện Sơn Hà, các thành viên HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà cũng đang tất bật chăm sóc đàn gà đen, gà kiến và làm các sản phẩm như mắm cá niên, ớt xiêm rừng ngâm dấm... Đây là các sản phẩm OCOP của huyện Sơn Hà đã được thị trường biết đến từ lâu và đã được nhiều cửa hàng, siêu thị trong cả nước đưa lên kệ bán trong những năm qua.

Bên cạnh những cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, nhiều hộ dân là người dân tộc Ca Dong, Hrê cũng đã bắt nhịp với xu hướng thị trường để nâng cao thu nhập. Đơn cử như gia đình anh Đinh Văn Thê, ở xã Sơn Thành (Sơn Hà) những năm gần đây đã có thu nhập ổn định, trở thành một trong những hộ có thu nhập cao của xã. Đó là nhờ gia đình anh trồng keo kết hợp chăn nuôi. Anh Thê chia sẻ, hiện gia đình đang tập trung chăm sóc đàn heo ky và đàn gà thả vườn hàng trăm con để bán trong dịp Tết. Năm nào cũng vậy, cứ đến cận Tết là khách hàng đặt mua rất nhiều nên có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, giá heo lại cao.

Có nhiều sản phẩm được người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh sơ chế, đóng gói với đa dạng trọng lượng, mẫu mã. Các sản phẩm như rượu sim, rượu sâm cau, mật ong... được đựng trong các chai, lọ thủy tinh có dung tích khác nhau phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng khách hàng. Còn các sản phẩm khô thì đựng trong túi hút chân không, hoặc ngâm mắm để người tiêu dùng dễ dàng vận chuyển đi xa và có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sử dụng lâu dài.

Bên cạnh các điểm bán hàng, hiện người dân còn dễ dàng mua sắm sản phẩm OCOP, đặc sản nông nghiệp miền núi qua các sàn thương mại điện tử hoặc Siêu thị Go Quảng Ngãi, Co.opmart Quảng Ngãi. Đặc biệt, hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều cửa hàng chuyên bày bán, quảng bá số lượng lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tại các siêu thị, điểm bán hàng còn có gói quà sản phẩm OCOP để làm quà tặng dịp Tết. Qua đó, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết Nguyên đán được tốt hơn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202401/chuan-bi-hang-hoa-phuc-vu-tet-369120c/