Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Tăng tốc ôn tập, không hình thức trong đánh giá

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đẩy sớm lịch thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 vào tháng 6, thay vì vào tháng 7 như năm trước là thông tin được giáo viên, học sinh đặc biệt chú ý, quan tâm. Với vạch đích khá rõ ràng, không còn xa, các nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng tốc, hỗ trợ học sinh tối đa về mọi mặt, quyết tâm cải thiện tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông với tinh thần chung: Không vì để đạt chỉ tiêu mà đánh giá chủ quan, hình thức.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyễn Quang

Đa dạng cách thức ôn tập

Thời điểm này, cùng với việc tổ chức dạy học bảo đảm theo khung kế hoạch thời gian năm học, các trường học trên địa bàn Hà Nội còn tập trung cao độ để chuẩn bị hành trang cho học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Chủ trương giữ ổn định về phương thức kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp giáo viên, học sinh yên tâm hơn với định hướng ôn tập, song tâm lý lo lắng trước kỳ thi là điều khó tránh khỏi. Căn cứ tình hình thực tế, các nhà trường đã chủ động tổ chức ôn tập cho học sinh bằng nhiều hình thức, với quyết tâm nâng chất lượng tốt nghiệp.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương, kế hoạch học tập của hơn 600 học sinh lớp 12 được nhà trường xây dựng cụ thể ở từng chặng. Nhằm giúp học sinh tập dượt với không khí kỳ thi và đánh giá khách quan mức độ đáp ứng bài học của học sinh, kỳ kiểm tra học kỳ I vừa qua, với hầu hết các môn thi, học sinh được làm bài theo đề chung, bài kiểm tra được chấm chéo.

Xác định đây là chặng cao điểm chuẩn bị cho kỳ thi, 670 học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) được chia thành các nhóm ôn tập theo lựa chọn của học sinh về việc đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. “Hầu hết học sinh của trường đều có ý thức và chịu khó học, song sức học chưa đều. Hiện tại, số học sinh có lực học từ trung bình trở xuống, học sinh khuyết tật đang được giáo viên dạy bổ trợ miễn phí”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A Nguyễn Hồng Quang chia sẻ.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì (huyện Ba Vì) Nguyễn Thành Long, thuận lợi của trường là có hơn 70% học sinh ở nội trú nên thầy, trò có nhiều thời gian để ôn tập. Kinh nghiệm của 2 năm liền đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% cho thấy, cần tăng cường đầu tư thời gian cho dạy và học ngoại ngữ, bởi việc tiếp cận môn học này của học sinh dân tộc khó khăn hơn.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập. Ảnh: Đỗ Tâm

Học và thi thực chất

Năm 2022, dù chưa nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có điểm trung bình các môn thi cao nhất cả nước, song kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông của Hà Nội cũng chuyển dịch, đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%). Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mục tiêu đề ra là một thách thức lớn, bởi số lượng học sinh lớp 12 của thành phố năm nào cũng ở mức trên dưới 100.000 em, mạng lưới trường rộng và có sự chênh lệch về điều kiện, chất lượng giáo dục giữa các địa bàn. Dù vậy, việc đánh giá thực chất chất lượng dạy học vẫn được toàn ngành coi trọng, tuyệt đối không vì đạt chỉ tiêu mà đánh giá chủ quan, hình thức.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đoàn Minh Châu cho biết, tinh thần đánh giá thực chất được nhà trường quán triệt tới từng học sinh để các em có ý thức học tập nghiêm túc; phụ huynh học sinh xác định rõ mức độ đạt được của con em mình và cùng con chủ động có phương án, lộ trình học tập phù hợp. Với tinh thần này, những em có phần đuối về kiến thức hoặc cần bổ trợ nội dung nào trong chương trình luôn tự giác học hơn và chủ động liên hệ với thầy, cô giáo khi cần hỗ trợ.

Còn em Nguyễn Hà Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Chúng em luôn được thầy, cô giáo nhắc nhở phải chấp hành đúng quy chế thi, trong đó lưu ý hai điểm mới liên quan đến trách nhiệm của học sinh, đó là: Không được phép mang các loại máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi; chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi môn tự luận, nhưng phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) bày tỏ mong muốn học sinh sớm có cấu trúc đề thi minh họa để có định hướng ôn tập rõ hơn và cũng mong sớm có kỳ kiểm tra chung toàn thành phố, qua đó biết mức độ đạt được của con mình để giáo viên có thời gian hỗ trợ và điều chỉnh cách thức ôn tập cho phù hợp.

Theo thống kê sơ bộ, năm nay, thành phố Hà Nội có hơn 102.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; trong đó có khoảng 89.000 học sinh trung học phổ thông, còn lại là học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố, dự kiến diễn ra vào tháng 4-2023. Toàn bộ học sinh sẽ làm bài theo đề chung với các bài kiểm tra tương tự như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Kết quả kiểm tra không chỉ có ý nghĩa với từng nhà trường, mà còn là cơ sở để lãnh đạo ngành nắm được bức tranh tổng thể về chất lượng dạy, học, từ đó có các giải pháp hỗ trợ học sinh hiệu quả nhất trong thời gian còn lại, trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tuyen-sinh/1056306/chuan-bi-cho-ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-tang-toc-on-tap-khong-hinh-thuc-trong-danh-gia