Chuẩn bị cho chặng đường chông gai

'Nhiều chủ doanh nghiệp hỏi tôi 1 - 2 năm nữa kinh tế thế giới đã hồi phục chưa, tôi e là chưa', chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương nói vậy trong một dịp trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân.

Theo vị chuyên gia này, phải 3 - 5 năm nữa, khủng hoảng kinh tế mới đụng đáy. Mà đáy lần này hình chữ U dài chứ không phải chữ V, nên khi hồi phục cũng từ từ. Phải 10 năm nữa, thậm chí hơn, chúng ta mới thấy kinh tế trở lại mức như năm 2018 - 2019. Bởi lẽ, những khó khăn và thách thức không chỉ xuất phát từ chu kỳ kinh tế thế giới mà còn từ những tranh chấp địa chính trị phức tạp có tính lịch sử, có thể định hình lại mô hình chính trị, kinh doanh, thương mại toàn cầu - từ sân chơi, luật chơi đến người chơi.

Cho đến giờ này, không ai chắc chắn khi nào nền kinh tế thế giới sẽ vượt qua khó khăn hiện nay! Trong công bố mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, GDP toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 2,6% - tức là thấp hơn mức 3% năm 2022 và tiếp tục chậm lại vào năm 2024 với mức tăng chỉ 2,4% khi Mỹ và Trung Quốc cùng tăng trưởng chậm. Còn theo các chuyên gia, một trong những rủi ro, thách thức chính trong năm 2023 - 2024 là xung đột địa chính trị tiếp tục phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Và, một câu nói quen thuộc, nhưng vẫn cần nhắc lại, đó là Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở lớn nên sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới.

Thật khó để dự đoán về tương lai; dự đoán cho trúng, cho đúng còn khó hơn nữa! Vậy nhưng, một điều có thể chắc chắn, rất nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đợi kinh tế Việt Nam phía trước, cả trong ngắn hạn và trung hạn. Cũng chính vì thế, vào lúc này, điều chúng ta cần, quả thực là một bầu không khí mới cho tăng trưởng. Ý này được ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói trong một hội thảo gần đây bàn về việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Ở đây, “không khí mới” có thể hiểu là Nhà nước chuyển từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp để phát huy vai trò chủ động và dẫn dắt của mình. “Tạo thuận lợi” cho hoạt động của doanh nghiệp rõ ràng là cách tiếp cận tốt hơn và là điều phải làm ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến địa phương.

“Không khí mới” có thể hiểu là phải tạo lập được không khí thực thi chính sách tốt hơn nữa ở nhiều cấp. Đơn giản là, nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách sẽ không cao.

“Không khí mới” cũng có thể hiểu là cần "tiếp lửa" cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tất cả hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhìn rộng hơn, “không khí mới” còn mang hàm nghĩa cần tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng, ví dụ như công nghệ số, và xác lập chiến lược để khai thác hiệu quả nhất các động lực mới này.

Cũng không thể quên rằng, để muốn giải quyết hiệu quả các khó khăn, bất cập và phát triển bền vững, cần sự tham gia có trách nhiệm, tích cực của mọi chủ thể, từ nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý… chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của một chủ thể nào hay của Nhà nước. Khi biết chặng đường sắp tới lắm chông gai, mỗi người lữ hành đều cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả về sức khỏe, phương tiện, tiền nong, thời điểm xuất phát. Với doanh nghiệp cũng vậy! Khi chặng đường khó khăn và chông gai được dự báo là rất dài, thì củng cố bảng cân đối tài sản, giảm nợ nần, chuẩn bị sẵn nguồn tiền mặt và vốn lưu động, kiện toàn quản trị doanh nghiệp... luôn là những bước chuẩn bị khôn ngoan và cần thiết.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chuan-bi-cho-chang-duong-chong-gai-i358952/