Chuẩn bị các điều kiện để sản xuất lúa vụ đông xuân đúng tiến độ

Chưa bao giờ việc triển khai sản xuất lúa vụ đông xuân 2020-2021 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn như tại thời điểm này. Những cơn mưa đặc biệt lớn, kéo dài trong tháng 10 vừa qua đã gây ngập lụt diện rộng tại các địa phương, làm sạt lở đất nghiêm trọng tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chưa kể những cơn bão đổ bộ vào đất liền cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh và hạ tầng phục vụ nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, thời vụ và cơ cấu giống lúa trong vụ sản xuất đông xuân 2020-2021 đã được ngành Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh tính toán kỹ lưỡng và cần đến sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, sự nỗ lực vượt bậc của nông dân toàn tỉnh để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh chuẩn bị nguồn giống lúa để phục vụ sản xuất vụ đông xuân - Ảnh: Đ.T

Theo thống kê sơ bộ, đợt lũ lụt vừa qua đã làm 468 ha lúa bị thiệt hại nặng, làm hư hỏng 686,3 tấn lúa giống, lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng (chủ yếu là lúa): 50.720,71 tấn. Diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp hơn 1.623 ha, có nơi bị vùi lấp có độ dày gần 2 m. Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, bồi lấp, hư hỏng, cuốn trôi. Theo thống kê ban đầu, tổng chiều dài các tuyến đê bị sạt lở, hư hỏng (đê cấp IV) lên đến 38 km. Tổng chiều dài các tuyến kè sông, kè biển bị sạt lở, hư hỏng: 3,54 km. Kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, bồi lấp, cuốn trôi gồm các tuyến kênh chính, kênh cấp I, II do Công ty TNHH MTV QLKT công trình thủy lợi tỉnh quản lý với tổng chiều dài 55,13 km (thuộc các hệ thống: Nam Thạch Hãn, Triệu Thượng 1,2; Ái Tử, Khe Mây, Nghĩa Hy, Đá Mài - Tân Kim, Trúc Kinh, Hà Thượng, Phú Dụng, Kinh Môn, La Ngà, Sa Lung, Bảo Đài, Rú Lịnh, Bàu Nhum).

Kênh nội đồng do địa phương quản lý bị hư hỏng 80,01km. 13 cống, 23 đập thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở, trong đó riêng tuyến tràn xả lũ Nam Thạch Hãn bị sạt lở, cuốn trôi mái taluy đá hộc gia cố hạ lưu tràn phía bờ Bắc và bờ Nam với tổng diện tích 1.892m2 , phần tiêu sân tiêu năng bờ Bắc, van cấp nước phao cao su bị hư hỏng, hạ lưu sau tràn tiếp tục bị xói lở ăn sâu sát vào đuôi tràn. Toàn tỉnh có 90 trạm bơm bị hư hỏng, sạt lở, bồi lấp. Bên cạnh đó thời gian tới, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, nền nhiệt độ vụ đông xuân 2020 - 2021 có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 11 đến tháng 12/2020, mỗi tháng có từ 3 - 5 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực tỉnh. Dự báo tình trạng rét xuất hiện từ cuối tháng 11, rét đậm xuất hiện khoảng giữa tháng 12/2020, có thể kéo dài đến tháng 2/2021, đặc biệt là khu vực miền núi. Từ nay đến cuối năm 2020, có khoảng 3-5 đợt mưa lớn trên diện rộng. Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, lượng mưa đạt mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Mục tiêu và quyết tâm của ngành Nông nghiệp- PTNT tỉnh đặt ra là huy động mọi nguồn lực, ứng dụng các giải pháp đồng bộ nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau thiên tai, tập trung sửa chữa hạ tầng nông nghiệp thiết yếu, tổ chức sản xuất vụ đông 2020 và đông xuân 2020-2021 thắng lợi, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm 2021. Theo dự kiến, vụ sản xuất đông xuân 2020- 2021, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 25.500 ha lúa nước và cần đến 2.040 tấn lúa giống. Tích cực chuyển đổi từ 100 - 150 ha đất lúa sản xuất hiệu quả thấp, diện tích bị bồi lấp khó khôi phục sang sản xuất các đối tượng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như ngô, rau, đậu, dưa các loại... Không cơ cấu các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài ngày như Xi 23, VN 10. Tập trung cơ cấu các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn (thời gian sinh trưởng khi gieo thẳng khoảng 115 ngày) với những loại giống đã được ngành Nông nghiệp khuyến cáo phù hợp và có thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế cao. Bộ giống lúa chủ lực bố trí vào sản xuất gồm: HN6, Đài Thơm 8, Bắc Thơm 7, An Sinh 1399, Khang Dân 18, HC 95, Bắc Thịnh, Thiên Ưu 8... Mở rộng diện tích các giống đã khảo nghiệm có triển vọng trên địa bàn tỉnh như: DQ 11, VNR 20, QS447, Lộc Trời 1, Tia chớp nhiệt đới, ADI 168, DT 100...

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa đã có quyết định lưu hành của Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và PTNT và được ngành Nông nghiệp xác nhận phù hợp trên địa bàn, giống đạt tiêu chuẩn về phẩm cấp theo quy định (giống nguyên chủng, xác nhận), tuyệt đối không vì thiếu hụt giống lúa sau lũ lụt mà sử dụng các giống đã thoái hóa, lấy thóc thịt làm lúa giống. Cơ cấu tỉ lệ giống đưa và sản xuất trên địa bàn không quá 30% cho mỗi giống. Mỗi đơn vị nên bố trí từ 3 - 4 loại giống lúa phù hợp trong bộ giống lúa chủ lực của tỉnh để tập trung thâm canh. Bố trí thời vụ gieo cấy lúa tập trung và có biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm tiết kiệm nước, giảm chi phí, hạn chế phát sinh những lứa sâu, bệnh gối nhau, bảo đảm lúa trổ trong khung gọn nhất, vừa tránh được rét trong vụ đông xuân, đồng thời tạo điều kiện để sản xuất vụ hè thu 2021 bảo đảm thời vụ. Tùy theo thời gian sinh trưởng của các giống lúa để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, tạo điều kiện để lúa trổ tập trung từ ngày 10/4 đến 20/4/2021. Do vậy, các loại giống như Bắc Thơm 7, DQ11, HC95 và các giống tương đương dự kiến ngày gieo từ 10 - 15/1/2021; HN6, Thiên Ưu 8, Khang Dân, HT1, Đài Thơm 8, QS447 và các giống tương đương dự kiến gieo từ ngày 15 - 20/1/2021; Ma Lâm 48, An Sinh 1399 và các giống tương đương dự kiến gieo từ ngày 20 - 25/1/2021; Tia chớp nhiệt đới và các giống tương đương gieo muộn hơn, từ ngày 1 - 5/2/2021.

Về phía các địa phương cần khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để kịp thời ứng phó, điều chỉnh lịch gieo cấy, chăm sóc phù hợp, nhất là các đợt rét đậm, rét hại đầu vụ. Chú trọng be bờ, giữ nước trên ruộng sau các cơn mưa lớn, tiến hành diệt chuột, làm đất sớm, ngâm nước nhằm vùi gốc rạ, cỏ dại để tiêu diệt nguồn sâu gây hại. Chuẩn bị nguồn giống dự phòng để gieo cấy lại trên các diện tích bị thiệt hại do ngập úng và rét đậm, rét hại gây ra. Chuẩn bị các phương tiện đấu úng để chủ động khắc phục tình trạng ngập úng trong thời điểm lúa mới gieo. Rà soát diện tích đất lúa không chủ động nước tưới, đất sản xuất lúa hiệu quả thấp để xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Về giải pháp khôi phục, sửa chữa hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất: Đối với các công trình do Công ty TNHH MTV QLKT công trình thủy lợi tỉnh quản lý, cần huy động lực lượng nhân công tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng công trình, đặc biệt là các cống lấy nước dưới thân đập, cống lấy nước đầu kênh cấp I, cấp II. Kiểm tra các cống ngăn mặn, vệ sinh khe phai, sửa chữa cửa cống đảm bảo kín nước không để mặn xâm nhập vào nội đồng. Phối hợp với các địa phương tổ chức ra quân làm thủy lợi, nạo vét bùn đất, sửa chữa, hàn gắn các đoạn kênh bị hư hỏng; cống lấy nước, cống ngăn mặn, cửa điều tiết, van điều tiết... đảm bảo kín nước kịp thời phục vụ sản xuất.

Đối với các công trình do địa phương quản lý, cần tuyên truyền đến các tổ chức thủy lợi cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác...), vận động người dân làm thủy lợi, be bờ, giữ nước để làm đất. Phối hợp với các lực lượng nòng cốt tại địa phương để sửa chữa, nạo vét, hàn gắn các công trình kênh mương, trạm bơm, trục tiêu... Huy đồng nguồn lực của địa phương (nhân công, kinh phí từ đất trồng lúa, dịch vụ thủy lợi...) để kịp thời sửa chữa khẩn cấp các công trình. Tổ chức rà soát, gia cố các đoạn đê xung yếu bị hư hỏng, sạt trượt, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.000 tấn giống lúa, 60 tấn giống ngô để sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh trình Trung ương hỗ trợ sửa chữa, khắc phục thiệt hại hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, đảm bảo an toàn công trình với nguồn kinh phí 708.800 triệu đồng.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153365