Chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất cây trồng vụ đông

Vụ đông năm 2023-2024 được ngành nông nghiệp tiếp tục xác định là vụ sản xuất chính trong năm với đặc thù và lợi thế có 3 tháng mùa đông lạnh, sự chuyển tiếp nền nhiệt độ đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú, đa dạng về chủng loại đối với cây trồng. Vì vậy, toàn tỉnh phấn đấu diện tích gieo trồng vụ đông 47.000 ha trở lên.

Nông dân xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) chăm sóc vụ đông năm 2022-2023. Ảnh: Lê Hợi

Trong đó, cây ngô 14.000 ha, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng 67.200 tấn; khoai lang 2.000 ha, năng suất 76 tạ/ha, sản lượng 15.200 tấn; cây lạc 1.300 ha, năng suất 21 tạ/ha, sản lượng 2.730 tấn; rau đậu các loại và cây trồng khác 29.700 ha... Tổng giá trị sản xuất vụ đông phấn đấu đạt 3.525 tỷ đồng trở lên, bình quân đạt 75 triệu đồng/ha gieo trồng trở lên. Diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm vụ đông phấn đấu đạt 8.000 - 10.000 ha trở lên. Nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông, gồm: Ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Trong số đó, cây ngô và rau được xem như cây chủ lực trong cả vụ đông, phục vụ mục tiêu lấy hạt và sản xuất thức ăn xanh cho bò sữa, bò thịt, cây rau phục vụ cho tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống.

Ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương đa dạng hóa các nhóm cây khác trong sản xuất vụ đông, nhất là chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm hiện tượng vừa thừa vừa thiếu. Đồng thời, mở rộng diện tích các đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa như khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, hành tỏi, các loại hoa... gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thất thiệt sản xuất có thể xảy ra bất kỳ như hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến tâm lý của nông dân trong sản xuất vụ đông... Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa bão thường xảy ra vào đầu vụ, nhiều diện tích cây trồng có thể bị ngập, thiệt hại, nông dân gặp nhiều khó khăn về vốn để mua giống. Sâu bệnh hại vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại nặng trên ngô và nhiều loại cây trồng khác làm giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời. Giá cả các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người sản xuất. Doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm hoặc đầu tư sản xuất vụ đông còn thiếu và yếu do hiệu quả sản xuất nông nghiêp còn thấp, tính rủi ro cao. Lao động trong nông thôn ngày càng thiếu do đi làm ăn xa hoặc lao động tại các khu công nghiệp trong khi thời vụ triển khai sản xuất vụ đông yêu cầu rất khẩn trương, vừa thu hoạch cây trồng vụ thu mùa vừa gieo trồng cây vụ đông trong cùng một thời điểm.

Nông dân xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) trồng ngô vụ đông.

Lường trước được những khó khăn đó, ngay từ những ngày đầu tháng 9-2023, các địa phương đã tổ chức thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa và cây trồng vụ thu mùa khi đến thời điểm chín để bảo đảm năng suất và sản lượng, tạo quỹ đất tiến hành gieo trồng cây màu vụ đông trong khung thời vụ sớm nhất. Đối với cây lúa, khi đã chín trên 80% các địa phương nên tập trung hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động máy thu hoạch, nhân lực tổ chức thu hoạch nhanh, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để đảm bảo an toàn và tạo quỹ đất gieo trồng cây vụ đông; chủ động các giải pháp trong thu hoạch như tổ chức tốt dịch vụ máy thu hoạch lúa trên địa bàn, không để hiện tượng bảo kê máy, giữ ruộng; huy động các lực lượng giúp Nhân dân thu hoạch khi cần thiết.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa Vũ Quang Trung, căn cứ phương án sản xuất vụ đông năm 2023-2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần rà soát lại kết quả thực hiện vụ đông trước, quỹ đất có khả năng sản xuất vụ đông, tình hình thực tế về điều kiện sản xuất, lao động, thị trường... để xây dựng kế hoạch phân giao cụ thể cho từng xã, thị trấn về diện tích và cơ cấu các cây trồng chủ lực. Trên những diện tích có kế hoạch sản xuất vụ đông, các địa phương cần chủ động tiêu nước trước khi thu hoạch cây trồng vụ thu mùa để tạo điều kiện giải phóng đất. Nông dân thu hoạch cây trồng vụ thu mùa đến đâu, tiến hành vệ sinh đồng ruộng (dọn cỏ dại, cắt rơm rạ, nhổ bỏ gốc cây) và giải phóng đất ngay đến đó. Đối với nhóm cây ưa ẩm, gieo trồng vụ đông sớm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước ngày 10-10-2023. Đối với nhóm cây ưa lạnh, người dân gieo trồng sau ngày 10-10-2023, cây khoai tây tập trung trồng từ 20-10-2023 đến 15-11-2023. Ngoài ra, các địa phương cần tính toán và khuyến cáo quy mô sản xuất từng loại cây trồng, bố trí rải vụ phù hợp để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa trong thời gian chính vụ. Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý Nhà nước về chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tham gia liên kết sản xuất có chính sách hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất vụ đông, đầu tư ứng trước vật tư phục vụ sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chuan-bi-cac-dieu-kien-cho-san-xuat-cay-trong-vu-dong/194532.htm