Chữa trị bệnh 'khiếm thị' về khuyết điểm

Cho dù trong văn y, từ điển y học thế giới (cả y học cổ truyền và hiện đại) đều không đề cập đến cụm từ 'khiếm thị' về khuyết điểm nhưng thực ra 'căn bệnh' này đã có từ lâu, xuất hiện ở nhiều nơi, có khả năng 'lây nhiễm' cho nhiều đối tượng (cá nhân, tập thể), dễ để lại những nguy hại khó lường bởi nó không chỉ thuộc hạng 'nan y' mà còn là căn nguyên cho nhiều loại bệnh khác phát sinh như bảo thủ trì trệ, cá nhân chủ nghĩa, thậm chí đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cực đoan, duy ý chí... Dù tồn tại dưới 'biến thể', 'dạng thức' nào thì đây cũng là căn bệnh nguy hiểm, cần được nhận diện rõ, có 'phác đồ điều trị' dứt điểm, không để phát sinh, phát triển, nhất là đối với yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Có thể dễ dàng nhận thấy “triệu chứng”, biểu hiện rõ nét của căn bệnh “khiếm thị” về khuyết điểm là không nhìn thấy hoặc cố tình không nhìn thấy hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của mình, của tập thể mình, không lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác về những khuyết điểm đó, không có tinh thần cầu thị để tiếp thu, sửa chữa, không nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ vấn đề, trái lại luôn đề cao cá nhân, khư khư cho mình, đơn vị mình là đúng, từ đó thủ tiêu ý thức đấu tranh tự phê bình và phê bình...Trên thực tế, không phải là không có những tập thể, cá nhân có xu hướng tô hồng thành tích, không đề cập hoặc chỉ đề cập qua loa, “nhỏ giọt” những hạn chế, khuyết điểm theo kiểu chung chung, không “định tính, định lượng” được những tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời, để lâu dễ gây “biến chứng”.

Vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị phải luôn chú trọng công tác quán triệt, phổ biến, quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thường xuyên rà soát, đánh giá, phát hiện, nhận diện, chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, khuyết điểm, yếu kém (nếu có) ở mỗi tập thể, cá nhân với tinh thần nhìn thẳng sự thật, không bao che, né tránh để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để phát sinh, “lây nhiễm chéo” căn bệnh “khiếm thị” về khuyết điểm, ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức đảng, đảng viên.

Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần thực sự cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng nghiệp; thường xuyên rèn luyện, “tự soi, tự sửa”, tự giác, dũng cảm, dám nhận thiếu sót, khuyết điểm (nếu có) của mình để kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục, sửa chữa. Đi cùng với đó, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, ngày càng hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Phát huy vai trò nêu gương của người cán bộ, đảng viên, tuyệt đối tuân thủ những điều đảng viên không được làm, đồng thời lan tỏa tinh thần cầu tiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.

Ngày 4/1/2024, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Bộ Chính trị đã ký Quyết định số 139-QĐ/TW ban hành quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo đó cán bộ, đảng viên thuộc diện kiểm tra mà vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật nhưng chưa tự giác, không nhận trách nhiệm thì tiến hành kiểm tra hoặc chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Đây thực sự là “cẩm nang”, góp phần ngăn ngừa, xử lý, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên.

Tiến Dũng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/chua-tri-benh-khiem-thi-ve-khuyet-diem/206079.htm