Chùa Tổ - ngôi chùa cổ ở Phú Yên

Chùa Tổ còn có tên Sắc tứ Long Sơn Bát Nhã, người dân thường gọi là chùa Bát Nhã. Từ TP Tuy Hòa ra đến giữa đèo Quán Cau, có một con dốc bê tông nhỏ rẽ trái khoảng 2.300m thì đến chùa Tổ. Chùa nằm trên đỉnh núi Long Sơn cao 269m so với mặt nước biển, thuộc thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An.

Chùa Sắc Tứ Bát Nhã. Ảnh: LÊ TRỌNG CƯỜNG

Quá trình khai sơn

Chuyện xưa kể lại: Có một nhà sư (sau này là thiền sư Giác Ngộ hiệu Tánh Thông) đi du hành, khi đến đèo Quán Cau dừng chân ngắm cảnh đẹp thần tiên đầm Ô Loan hồi lâu rồi tiếp tục đi, nhưng không thể nào đi được nữa. Thấy phía tây có một đường mòn, nhà sư leo lên núi và cho đây là duyên của đạo Phật nên lập một am nhỏ thờ cúng.

Sau khi lập am thờ ở núi rừng hoang vu, hằng ngày, nhà sư hái lá rừng, bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng quanh vùng. Tiếng lành đồn xa, tổ Giác Ngộ được vua Minh Mạng (1820-1840) triệu về kinh đô Huế hỏi han việc tu hành và chữa bệnh cho hoàng thái hậu. Vua Minh Mạng ban cho ngài hiệu Tăng Can cấp Độ Điệp và thưởng tiền để ngài trở về tạo lập chùa Tổ.

Nhà sư viên tịch năm 1842 tại chùa, đệ tử là những thiền sư danh tiếng như Bảo Thanh, Bảo Tạng, Bảo Chơn, Bảo Kế… nối nghiệp trụ trì. Hòa thượng Thích Trí Thành đã trùng tu ngôi chùa cổ này. Hiện nay, đại đức Quảng Phát thuộc phái Lâm Tế, đời thứ 45 trụ trì ngôi chùa này.

Cnh bt chùa thiêng

Sắc tứ Long Sơn Bát Nhã thuộc hệ phái Bắc Tông, các công trình kiến trúc từ cổng, tường rào đến nhà chánh điện... trong khuôn viên chùa không lớn nhưng rất chỉn chu, hòa hợp với thiên nhiên, với quan niệm “chùa trong cảnh và cảnh trong rừng”.

Con đường dốc từ quốc lộ 1 đi lên nay đã được bê tông, ô tô và xe máy có thể đi đến tận sân chùa; hai bên đường lác đác nhà ở của dân với ruộng vườn, cây lá xanh tươi.

Sau khi qua cổng là vào sân chùa rộng lớn, cây xanh bóng mát bao phủ; tượng Quan Âm được tạc với đường nét thanh thoát, đại từ đại bi, bên dưới là hồ cá, nước trong xanh. Bên trong chánh điện thờ Phật như các chùa Bắc Tông khác; hai bên thờ các thiền sư theo thứ tự từ tổ khai sơn đến các tổ kế thế. Tả, hữu chánh điện là nhà treo chuông và treo trống khá lớn. Ở đây có nhiều tủ sách kinh Phật được sắp đặt khá ngăn nắp. Bên ngoài sân chánh điện và nhà tổ là cây bonsai rất đẹp và xanh tốt.

Những ngày trời quang mây tạnh, đứng ở sân chùa phóng tầm mắt về phía đông bắc là toàn cảnh đầm Ô Loan như bức tranh thủy mặc, xa hơn là Hòn Yến, biển Đông như dát bạc; nhìn về hướng tây là cao nguyên Vân Hòa rộng lớn, đồi núi chập chùng trong mây trắng; nhìn về hướng nam là núi Chóp Chài vững chãi như cụ rùa đang bò về cửa sông Đà Diễn.

Phía tây nam sân chùa có con dốc lên tháp tổ, được lát bậc cấp bê tông, hai bên kè bằng gạch đá ong màu đỏ sẫm đơn giản, đẹp, là loại vật liệu hiếm thấy. Trong khuôn viên có tường rào bao quanh xây dựng các ngôi tháp theo thứ tự từ tổ khai sơn cho đến các tổ kế thế. Mỗi ngôi tháp cổ là một tác phẩm kiến trúc xinh xắn, không hề giống nhau, phủ màu sương gió. Đứng tại đây, trong không gian tĩnh lặng của núi rừng, lòng ta miên man hồi tưởng quá khứ, về những người có công tạo lập chùa Tổ.

Đặc biệt hơn, trên núi Long Sơn khá cao nhưng cây lá xanh tươi bốn mùa, trồng được rau màu, kể cả gieo trồng lúa. Tại chùa có một giếng nước được xếp khan bằng đá, đường kính khá lớn, mực nước nông, ta có thể dùng gáo cán dài múc được nước quanh năm, kể cả những năm nắng hạn kéo dài. Theo các sư thầy và những người tu tập tại chùa, tương được làm từ các loại đậu trồng trên núi Long Sơn và nước giếng này có hương vị đặc biệt thơm ngon.

Mỗi buổi trưa hè khi lên thăm viếng chùa, các bạn được ăn cơm chay gạo lứt với các loại rau củ quả luộc, chấm với nước tương ngon. Nằm trên các võng mắc dưới gốc cây bóng mát, đọc sách, nghe nhạc, gió từ đầm Ô Loan thổi về mát rượi, nghe tiếng bìm bịp gọi bầy, tiếng chim cu gáy tìm bạn, đưa ta vào giấc ngủ an lành.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/314812/chua-to-ngoi-chua-co-o-phu-yen.html