Chùa Thông – Bảo tàng thu nhỏ về di sản Hán Nôm

Chùa Thông (tên chữ: Bảo Phúc tự), thuộc thôn Đồng Lư Hạ (Chân Lý, Lý Nhân) có lịch sử hình thành từ lâu đời. Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, đặc biệt nội dung tấm bia đá cổ (dựng năm 1623) và kết quả khảo cứu về địa danh, dấu tích cổ, truyền thuyết, huyền tích địa phương thì chùa Thông được khởi dựng vào thời Lý - Trần. Cùng với những giá trị về kiến trúc, chùa Thông còn có nhiều tư liệu Hán Nôm quý được lưu giữ trên đồ thờ, hiện vật.

Chùa Thông (tên chữ: Bảo Phúc tự), thuộc thôn Đồng Lư Hạ (Chân Lý, Lý Nhân) có lịch sử hình thành từ lâu đời. Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, đặc biệt nội dung tấm bia đá cổ (dựng năm 1623) và kết quả khảo cứu về địa danh, dấu tích cổ, truyền thuyết, huyền tích địa phương thì chùa Thông được khởi dựng vào thời Lý - Trần. Cùng với những giá trị về kiến trúc, chùa Thông còn có nhiều tư liệu Hán Nôm quý được lưu giữ trên đồ thờ, hiện vật.

Toàn cảnh chùa Thông.

Trước tiên phải kể đến hệ thống hoành phi, câu đối, đại tự, cây nóc. Nhóm tư liệu Hán Nôm này gồm: 9 bức đại tự, 6 đôi câu đối gỗ, 10 đôi câu đối nhấn vữa và các chữ Hán chữ khắc trên cây nóc, câu đầu. Nội dung chủ yếu ca ngợi trí tuệ đức Phật, giáo lý Phật pháp, răn dạy con người hướng thiện, cây nóc cung cấp thông tin về việc trùng tu tôn tạo. Câu đối mặt ngoài hai cột đồng trụ tam quan chùa ghi:

Thiên bách ức hóa thân tiếp ngộ độ mê duyên dĩ mãn

Tứ thập cửu thuyết pháp khai quyền hiển thực thánh trung vương.

Nghĩa là: Đức Phật với trăm nghìn vạn sự hóa thân, giác ngộ đưa con người thoát khỏi bến mê chính là duyên đã đủ/Bốn mươi chín năm thuyết Pháp, sáng rõ quyền năng của bậc Thánh Vương.

Chuông và bia đá lưu giữ nhiều thông tin về di sản Hán Nôm tại chùa Thông. Ảnh: Minh Nguyệt - Văn Hiến

Đặc biệt, khi nghiên cứu tư liệu Hán Nôm chùa Thông không thể không nhắc đến nhóm tư liệu minh văn, thể hiện trên chất liệu đá, đồng. Hiện tại, chùa còn lưu giữ 1 cây hương đá, 2 bia đá thời Hậu Lê, 1 chuông đồng thời Nguyễn. Đây là nguồn sử liệu rất quan trọng cung cấp thông tin về các mốc thời gian, các sự kiện lớn của chùa. Tấm bia đá “Bảo Phúc tự bi” khắc vào niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) là di vật cổ nhất tại chùa được tạo tác trên chất liệu đá xanh nguyên khối, hai mặt khắc chữ Hán. Trán bia hình bán nguyệt, mặt trước chạm nổi lưỡng long chầu mặt nhật. Hình tượng rồng với những đường nét mềm mại, uyển chuyển thể hiện độ tinh xảo trong nghệ thuật tạo hình của những nghệ nhân xưa. Ngay dưới trán bia tạo thành 4 ô lớn khắc hàng chữ Hán寶福寺碑 “Bảo Phúc tự bi” (Bia chùa Bảo Phúc). Xung quanh tạo diềm bia, diềm hai bên chạm hoa dây tay mướp, diềm dưới tạo tác hoa văn cánh sen dẹo. Lòng bia khắc chữ Hán. Mặt sau, trên trán chạm hoa cúc chầu mặt nguyệt, dưới trán bia tạo 4 ô lớn khắc 4 chữ Hán同閭社碑“Đồng Lư xã bi” (Bia xã Đồng Lư). Diềm bia được trang trí giống mặt trước. Lòng bia khắc chữ Hán, một số chữ đã bị mờ. Nội dung bia cung cấp thông tin về việc trùng tu tôn tạo chùa Bảo Phúc và làm tượng Phật. Trong bia có đoạn: Vào ngày tốt, tháng 8, năm Canh Thân các sư nữ xã Đồng Lư, huyện Nam Xương, phủ Lị Nhân, đạo Sơn Nam nước Đại Việt lại phát động công đức để tu tạo chùa Bảo Phúc và làm lại các tượng Phật. Một tòa đã dựng xong nay khắc vào bia để truyền mãi đến đời sau.

Khắc rằng: Nước Việt các triều/Nam Xương đất đẹp/Vang danh Lư ấp/Chùa tại làng Thung/Nay có sư nữ/Tâm luôn hướng thiện/Quyên góp tài sản/Dựng lên Phật đường/Vững cửa đẹp tường/Dựng cột khắc xà/Việc đã hoàn tất/Độ ấn khai sang/Thành tâm phụng Phật/Đèn hương cầu khấn/Một lòng trụ trì/Cúng dưỡng thập phương/Phật tiền mãi ứng/Thọ vạn vô cương/Ngày yên năm ổn/Con cháu kiệt xuất/Giúp đỡ đường hoàng/Cửa nhiều xe ngựa/Vườn đầy trâu dê/Quan cao làm trọng/Nước mãi vững bền”. Tiếp đến văn bia liệt kê danh tính những người có tâm công đức xây dựng chùa.

Chuông và bia đá lưu giữ nhiều thông tin về di sản Hán Nôm tại chùa Thông. Ảnh: Minh Nguyệt - Văn Hiến

Tấm bia đá thứ hai lưu giữ tại chùa có tên寶福禪寺“Bảo Phúc thiền tự”, dựng vào năm thứ 8 niên hiệu Vĩnh Thịnh (1712) đời vua Lê Dụ Tông. Bia được tạo bằng chất liệu đá xanh nguyên khối, hai mặt khắc chữ Hán. Mặt trước, trán bia chạm nổi lá đề vân mây, trên cùng tạo chóp hình búp sen. Thân bia, xung quanh tạo diềm, diềm trên cùng tạo hoa văn lá đề, dưới tạo 4 ô tròn lớn khắc 4 chữ “Bảo Phúc thiền tự” (Chùa Bảo Phúc), diềm hai bên chạm hoa cúc vân mây, diềm dưới tạo cánh sen dẹo. Mặt sau trang trí hoa văn giống mặt trước. Dưới diềm trên cùng tạo 4 ô tròn khắc 4 chữ lớn鑿石碑記“Tạc thạch bi kí” (Ghi khắc vào bia đá). Nội dung bia ghi việc công đức trùng tu, tôn tạo lại chùa Bảo Phúc và ca ngợi tấm lòng thảo thơm của các thiện nam tín nữ đã cung tiến xây chùa: “Từng nghe: Phật được sinh ra bắt nguồn từ Tây Trúc sau được truyền đến đất Đông Thổ. Trải qua nhiều nơi xét thấy Sơn Nam là nơi đất đẹp, Đồng Lư địa thế hữu tình, chùa triền phát triển, ngôi chùa Bảo Phúc mới được xây dựng Thượng điện, Trung điện, Tiền đường. Chuyển ra hành lang để tạc tượng các vị Phật Thánh: Quá khứ, hiện tại, tương lai (Tam Thế) là cần thiết, tượng Thánh Hiền, Tứ Phủ, Hộ Pháp, Đức Ông trang hoàng thêm màu vàng, xanh, tím, đỏ làm tăng thêm cảnh sắc, hoa quả trước sau đủ đầy. Công việc hoàn thành chu tất, pháp khí truyền đến ngàn xuân, nền phúc để lại vạn đời. Các quan viên trong toàn xã cùng với dân chúng cùng quyên góp tiền của tu sửa chùa để sự màu nhiệm của Phật pháp còn mãi, người thi văn đạt đến Tam khôi (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa), người thi võ đạt đến cửu phẩm công hầu, người làm nông, làm thợ thì được giàu có yên vui với nghề, người buôn bán tiền của mãi được bồi đắp, có tâm phúc mãi dài lâu, ngàn năm sự màu nhiệm của Phật pháp vẫn hưng thịnh sáng mãi với đời. Tổ tông con cháu gia tiên nội ngoại đều được pháp lực của Phật giúp vượt qua được Bát Nạn tam đồ (tám chỗ chúng sinh thọ khổ, ba đường dữ). Những người thiện tâm công đức sớm được khắc ghi vào bia để truyền đến muôn đời, khắc tên tuổi ngàn vạn năm vẫn còn mãi…”. Tiếp đến là danh tính những phật tử, tín đồ có tâm công đức. Mặt trước khắc 236 họ tên người công đức, mặt sau ghi danh 180 người.

Chùa Thông còn lưu giữ cây hương đá, bốn mặt khắc chữ Hán. Do cây hương đặt ngoài trời, chịu tác động của thời gian, khí hậu dẫn đến mờ, mất khá nhiều chữ. Tuy không xác định chính xác niên đại nhưng dựa vào phong cách tạo hình có thể nhận định cây hương thuộc niên đại thời Hậu Lê.

Minh văn Hán Nôm còn được thể hiện trên chiếc chuông đồng (treo ở tòa bái đường), đúc vào năm thứ 14 niên hiệu Gia Long (1815). Thân chuông tạo 4 khung ô hình lá đề khắc 4 chữ Hán寶椿寺鍾 “Bảo Thung tự chung” (Chuông chùa Bảo Thung). Nội dung minh văn nêu lý do việc đúc chuông: “…Nay xã Đồng Lư có ngôi chùa Bảo Thung được xếp hạng cổ tích danh lam, trước kia vắng tiếng chuông, nhân đó vào ngày 22 tháng 4 toàn thể quan viên trên dưới toàn xã, các ông già bà cả, thiện nam tín nữ thập phương có lòng tiến cúng hội họp tu thành phúc quả, đúc quả chuông lớn…”. Tiếp đến là những dòng ca ngợi công lao và khắc tên những người công đức để vinh danh.

Di sản Hán Nôm chùa Thông phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử vùng đất, sự thay đổi địa giới hành chính, tên gọi làng xã nơi đây. Không chỉ có giá trị về mặt ngôn ngữ, di sản Hán Nôm khi được thể hiện thông qua các di vật, cổ vật (hoành phi, câu đối, bia, chuông…) còn là kho tàng trang trí và điêu khắc dân gian góp phần tạo nên sự độc đáo, đặc biệt riêng có của di tích.

Phạm Nguyệt Minh - Đỗ Văn Hiến

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/chua-thong-bao-tang-thu-nho-ve-di-san-han-nom-103466.html