Chưa thể có vắcxin cúm A/H1N1 trước mùa thu

Tất cả các hãng dược phẩm đã nhận giống gốc virus do WHO chuyển tới và dựa trên giống gốc này, họ sẽ tiến hành bào chế vắcxin.

Các hãng dược phẩm đã nhận giống gốc của virus cúm A/H1N1 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuyển tới và dựa trên giống gốc này, họ sẽ tiến hành bào chế vắcxin. Như vậy, vắcxin chống cúm A/H1N1 sẽ sẵn sàng vào mùa thu tới, nếu tất cả diễn ra như dự kiến. Vắcxin thường được chế tạo từ virus cúm bị giết chết. Trước hết, các hãng phải cấy virus này để có được nhiều tỉ hạt, thường là trên trứng phôi thai (một số hãng dược phẩm còn áp dụng phương pháp cấy tế bào). Sau đó, các hãng phải tiêu hủy những virus này, hợp thức hóa các liều vắcxin có hoặc không có chất hỗ trợ (để tăng cường tính miễn dịch), thử nghiệm những liều lượng khác nhau. Giáo sư Jean-Claude Manuguerra, chuyên gia virus học thuộc viện Pasteur Paris cho rằng: "Tác động của vắcxin này lên đại dịch sẽ tùy thuộc vào thời gian vắcxin được sử dụng". Nhưng hiện nay, không thể nói trước được khi nào vắcxin sẽ có mặt trên thị trường. Điều chắc chắn là các công việc chuẩn bị được thực hiện cách đây vài năm, với vắcxin tiền đại dịch chống H5N1, đã cho phép chúng ta có được những thủ thuật nhanh chóng hơn. Thử nghiệm lâm sàng bắt đầu vào tháng 8 Thách thức đầu tiên với việc bào chế vắcxin là có được những môi trường cấy virus có năng suất cao. Hiện nay, năng suất này dường như ở mức độ trung bình. Nhưng đó là điều bình thường, trong những giai đoạn ban đầu của một quá trình với một virus mới. Quá trình sản xuất đã được bắt đầu vào ngày 20/6, và các hãng dược phẩm đã bắt đầu làm bất hoạt virus và sản xuất những liều vắcxin đầu tiên, sẽ được sử dụng cho những thử nghiệm lâm sàng. Những thử nghiệm này sẽ có thể tiến hành ngay vào đầu tháng 8 tới. Nhưng sẽ còn phải cần một loạt các thử nghiệm, với các liều lượng khác nhau, có hoặc không có chất hỗ trợ, thực hiện trên những người tình nguyện ở các lứa tuổi khác nhau. Ban đầu, để có được một khả năng miễn dịch tốt, người thử nghiệm sẽ cần hai liều vắcxin, được cho cách nhau 3 tuần. Cuối cùng, cần có 1 thời gian để phân tích các kết quả, kiểm tra xem có tác dụng phụ hay không và quyết định về liều lượng tốt nhất để đưa ra thị trường. Những đường lây nhiễm khác nhau Có hai loại đường lây nhiễm: trực tiếp và gián tiếp. Lây nhiễm trực tiếp thường bằng đường hô hấp (những giọt nước bọt bắn ra khi nói, ho hay hắt hơi), đường tiêu hóa (ăn các thức ăn bị ô nhiễm), đường máu (truyền máu). Người ta cũng bị lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người (qua mồ hôi, lúc bắt tay hay do tiếp xúc sinh dục). Còn có thể bị lây nhiễm lúc chạm vào một động vật bị nhiễm virus. Những trường hợp lây nhiễm gián tiếp thường do muỗi. Những người dưới 59 tuổi dễ bị tổn thương hơn Một công trình nghiên cứu mới được công bố trên tờ "New England Journal of Medicine" cho rằng những trường hợp tử vong xảy ra nhiều hơn ở những người dưới 59 tuổi. Một cuộc điều tra, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Mexico và Mỹ, về những thể nặng và những trường hợp tử vong liên quan tới virus H1N1, dựa trên hơn 2.150 trường hợp viêm phổi nặng và hơn 100 trường hợp tử vong. Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận là các thể nặng chủ yếu xảy ra ở những người dưới 59 tuổi, trong khi những người già hơn, thường là những nạn nhân chính của bệnh cúm, lại được bảo vệ tốt hơn, có lẽ nhờ những lây nhiễm mắc phải trong quá khứ. Kết quả này cũng có ý nghĩa, vì như vậy thì những người dưới 59 tuổi cần được ưu tiên tiêm chúng một khi có vắcxin. Một cuộc điều tra thứ hai, có quy mô nhỏ hơn, đã xác nhận những kết quả rất quan trọng này về mặt y tế cộng đồng. Tuy nhiên, phải nhớ rằng những thể nặng chỉ chiếm thiểu số, vì tỉ lệ tử vong được ước tính là 2-3 trên 1.000 người, và trong đại đa số các trường hợp, những người bị lây nhiễm chỉ bị những rối loạn lành tính và tạm thời. Có thể tự bảo vệ như thế nào? Một số biện pháp đơn giản đã tạo ra một thành lũy chống lại các virus, đó là: Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh (bằng cách sử dụng xà phòng lỏng và một khăn lau khô, vì sự ẩm ướt tạo ra môi trường thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển). Khi người khác ho hay hắt hơi, chúng ta nên che miệng bằng khăn sử dụng một lần và vứt đi ngay sau đó. Lau chùi thường xuyên bằng thuốc khử trùng các vật dụng như điện thoại di động, kính đeo mắt, giày dép, những vật dụng đặc biệt được tiếp xúc với các giọt nước bọt bắn ra... vì virus cúm thường ẩn náu trong những giọt nước bọt này. Dùng mặt nạ trong những lúc cần thiết và luôn có mặt nạ dự trữ mang theo người./. (KH&CN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/chua-the-co-vacxin-cum-ah1n1-truoc-mua-thu/20097/12294.vnplus