Chưa thấy sử sách ghi việc đóng, phát ấn ở đền Trần

Đó là lời khẳng định của GS-Viện sỹ, Võ sư Lương Ngọc Huỳnh khi nói về những vấn đề lộn xộn ở lễ phát ấn tại đền Trần - Nam Định.

Vài năm trở lại đây, du khách đổ về Nam Định để dự Lễ hội khai ấn đền Trần ngày càng đông.

Với mong muốn xin được một lá ấn nhà đền để công việc trong năm mới được hanh thông mọi bề, phát tài phát lộc…

Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2017 tại Nam Định.

Khai ấn đền Trần năm nào cũng loạn!

Từ một câu chuyện lịch sử không có thật, “…Dưới thời Trần, Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền.

Tục truyền, hàng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước...”Lễ hội khai ấn đền Trần được thổi lên thành một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc.

Vậy nên, hằng năm bắt đầu vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch, những hình ảnh hàng vạn người chen lấn, xô đẩy nhau để lấy cho mình một lá ấn chưa bao giờ là cũ.

Biển người nêm chặt tại khu vực sân đền Thiên Trường - nơi diễn ra lễ khai hội chính.

Ảnh VnExpress.

Những năm trước, lễ khai ấn đền Trần đều hỗn loạn, bát nháo khi người dân trèo lên đầu nhau để mua ấn trong sự bất lực của các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự.

Nghi lễ này hoàn toàn mang tính tín ngưỡng của một nhà đền, nó không liên quan đến nhà nước, đến các vua Trần, đến hành động của các quan chức thời Trần xưa trong dịp ngày đầu năm mới.

Nhưng hiện giờ có xu hướng mở rộng với sự tham gia của nhiều người, thậm chí là quan chức. Do vậy, người ta gán ghép cho nó các ý nghĩa mang tính chất mê tín để thu hút người tham dự.

"Chưa thấy sử sách ghi việc đóng, phát ấn ở phủ Thiên Trường"

GS-Viện sỹ, Võ sư Lương Ngọc Huỳnh khẳng định, chưa thấy sử sách ghi việc đóng, phát ấn ở phủ Thiên Trường khi nói về những vấn đề lộn xộn ở lễ phát ấn tại đền Trần.

"Trong lịch sử nhà Trần thì chỉ có một lần định công phạt tội vào tháng 4/1289 sau khi đại thắng quân Nguyên Mông do đức Vua Trần Nhân Tông tổ chức tại Thăng Long.

Sau đó không có bất kỳ lễ phát ấn thưởng công nào của các đời vua sau, lịch sử Việt Nam không có ghi chép về việc này.

Có tích nói, năm 1262, Trần Thánh Tông về quê xây dựng cung điện thờ gọi là Thái Miếu và mở tiệc thưởng công cho các tướng lĩnh thực sự có công với đất nước ở phạm vi rất hẹp và kín đáo không khoa trương.

Sau khi nhà Trần sụp đổ giặc Minh đã phá bỏ Thái Miếu này, mãi đến năm 1695 tương đương thời Lê Hy Tông, thì nhân dân mới xây dựng lại bằng gỗ lim đây là giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh khốc liệt, và sau đó các đời Vua sau có cho nhân dân trùng tu nhiều lần để tưởng nhớ tới công lao các vị Vua Trần.

Như tôi đã phân tích dựa vào chứng cứ lịch sử, không có đoạn nào nói đến lễ phát ấn ở phủ Thiên Trường nơi có Hồ Bán Nguyệt, Sông Hàm Rồng cả.

Theo tôi được biết, từ năm 2000 tỉnh Nam Định bắt đầu tổ chức khai ấn ở phạm vi hẹp, không phổ biến, chủ yếu phát ấn cho một vài người là con em Nam Định.

Cầu mong các Vua Trần ban lộc cho học hành đỗ đạt thăng quan tiến chức, góp phần làm rạng danh quê hương.

Nhưng có một lần "ai đó" đã nghe nói đến điều này và về đây xin ấn, sau đó lên làm quan to, thế là tin đồn lan truyền, nhiều quan chức bắt chước về xin ấn, dân tình thấy hay hay cũng nhao vào xin ấn, dịch vụ đóng ấn hình thành và thậm chí còn rao bán ấn với giá có năm chục ngàn đồng?!

Ấn Vua là để thưởng công cho những người có công với nước với dân, chứ không phải để phát cho những kẻ tham chức tham quyền".

Bên cạnh đó, năm 2011, trong đề án "Khôi phục lễ hội đền Trần", các chuyên gia lịch sử, ấn tín cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, chiếc ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính mà chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ.

Do vậy, ấn không mang lại giá trị phù trợ cho đường thăng quan tiến chức như nhiều người lầm tưởng.

Nguyễn Hồng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/chua-thay-su-sach-ghi-viec-dong-phat-an-o-den-tran-d35724.html