Chùa Sùng Khánh - địa chỉ thiêng ven đường thiên lý

Chuyến đi này tới vùng biên thùy phía bắc, các bạn đồng hành nói với tôi rằng, chùa cổ ở thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên có bảo vật quốc gia. Chùa mang tên Sùng Khánh, tọa lạc gần quốc lộ số 2, cách thành phố Hà Giang chừng 9km. Vốn đã có nhiều dịp được tiếp cận với các bảo vật quốc gia của Việt Nam nên tôi nóng lòng muốn được tới nơi này hương hỏa và để xem tổ tiên ta gửi gắm lại điều gì.

Nhìn từ xa, chùa Sùng Khánh ẩn kín trong rừng cây xanh, dưới chân là những nếp nhà của đồng bào Tày.

GĐ Bảo tàng Hà Giang Âu Văn Hợp kể với tôi, có thơ cổ tả rằng: “Chùa tên Sùng Khánh (phúc lớn)/ Đất quý rất thiêng/ Tả chầu hữu phục/ Sau bọc trước nghênh/ Trong điện Phật báu/ Gác ngọc chuông kình/ Vườn kỳ cảnh phúc/ Đình viện đẹp tươi/ Xưa nay rực rỡ/ Mãi hưởng thiên minh/ Lưu truyền mãi mãi/ Đức dài khang ninh”. Chùa được xây dựng vào thời Trần, khởi công từ tháng giêng năm Bính Thân thời Thiệu Phong (1356) đến rằm tháng tư thì hoàn thành.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa nhiều lần bị đổ nát, tượng Phật và đồ thờ tự bị mai một. Duy 2 tấm bia đá và 1 quả chuông đồng còn trường tồn với thời gian, trong đó đáng chú ý nhất là bảo vật quốc gia - tấm bia dựng dưới triều vua Trần Dụ Tông vào năm 1367. Bia đặt tương xứng trên lưng rùa đá, trán bia được bao bọc trong băng trang trí độc đáo hình cánh cung chia làm ba ô: Ô chính giữa khắc hình Phật bà A Di Đà ngự trên tòa sen hai tầng cánh, mỗi bên có một đệ tử đứng chầu tay chắp trước ngực; hai ô đối xứng bên cạnh khắc hai con rồng đang bay, đầu nghển cao hướng tới tòa sen. Theo các nhà nghiên cứu, trán bia này là một tổ hợp trang trí đặc biệt, chưa từng thấy trên bất cứ tấm bia nào khác hiện đã được biết đến ở nước ta.

Bia “Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự” - bảo vật quốc gia (ảnh Minh Tâm - Trưởng cơ quan TTXVN tại Hà Giang). Hiện bia đã được nhà chùa đưa vào bảo vệ trong tủ kính.

1. Bài văn bia có đầu đề “Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự ” (bài minh và bài tự chùa Sùng Khánh). Cả bia có 18 dòng chữ Hán gồm 436 chữ; mặt sau bia có 2 hàng gồm 65 chữ, là một văn bản gốc có nhiều ý nghĩa và một số chữ Nôm là danh từ riêng. Một Phụ đạo họ Nguyễn - dòng dõi quản lĩnh vùng này - cũng là người chủ xướng lập chùa Sùng Khánh (1356) và bia này lập do vị Phụ đạo kế tiếp 11 năm sau (1367). Văn bia góp thêm cho chúng ta tư liệu về chế độ nô tì, về sử dụng đất tư ở thời Trần. Tác giả văn bia, một vị quan tên là Tạ Thúc Ngao hiệu Sở Khanh, soạn nhân dịp kinh lý tới vùng này, đúng vào năm ở phương Bắc triều đại nhà Nguyên đang sụp đổ. Hẳn rằng lần kinh lý này của Tạ Thúc Ngao là để thực hiện ý đồ của vương triều Trần trong việc củng cố biên cương đất nước, từ chùa Phúc Khánh đến vùng quan ải chỉ già nửa ngày đi ngựa.

Bài minh khắc trên đá xanh nguyên khối rằng: “Kể ra: Cảnh là ánh sáng và vẻ đẹp của tâm; danh là vẻ ngoài của thực. Nếu cảnh có được sự linh thiêng của núi sông, mà người lại không có kẻ hào kiệt tài đức, thì sự thanh kỳ của cảnh, sự tốt đẹp của danh cũng đều chìm đắm trong một thời, còn nói gì đến chuyện lưu truyền vạn đời được nữa. Nay có ngôi chùa Sùng Khánh ở hương Hoằng Nông, Thông Giang, trường Phú Linh, là do chú của Phụ đạo họ Nguyễn, tên là Ẩn, tự là Vãn Giác sáng lập ra. Ông là người ham điều thiện, lấy bà vợ là Nguyễn Ả, con gái Phụ đạo - là một người đàn bà trinh thục, biết giữ lễ.

Vị Phụ đạo trước là Nguyễn Công, đem người con nhỏ là Nguyễn Thiên Trượng giao cho ông nuôi dạy, khiến cho làm chủ hương ấy. Từ đấy Thiên Trượng dần dần được dạy bảo rèn dũa, tính thiện trưởng thành. Ông không thích chăm lo sản nghiệp riêng, mà lại ham cứu giúp người lúc khó khăn, lòng thì mộ đạo Phật, không ăn thịt, không uống rượu, mỗi tháng ăn chay 10 ngày và đọc kinh, lấy đó làm lệ thường.

Lối lên chùa Sùng Khánh rợp bóng tre ngà. Ảnh: MINH TÂM

Hương này vốn không có chùa, mà lại ở nơi hẻo lánh, núi non sầm uất đẹp xinh, có suối trong tuôn chảy, lòng ông rất yêu cảnh đẹp này. Bèn dựng chùa để làm nơi hương hỏa sớm hôm. Bắt đầu từ tháng giêng năm Bính Thân, thời Thiệu Phong đến rằm tháng tư thì hoàn thành, đặt tượng phật vào, đặt tên là chùa Sùng Khánh. Lại cho một mảnh ruộng để cấp dưỡng cho người trụ trì.

Chùa lập ra đã lâu năm, tôi ngẫu nhiên có việc công đi đến xứ này. Ông vừa gặp tôi, nói ngay đến việc chùa, bèn nhờ tôi làm bài minh. Tôi vốn không phải là tay đại bút, sao dám đảm đương việc đó. Nhưng tôi phục ông là người sinh trong gia đình quyền quý cao sang lại ở vùng có phong tục bạc ác, khó giáo hóa, thế mà lại có thể tự giác giác tha như thế há chẳng lớn sao?

Quay nhìn lại những kẻ đứng đầu trong một hương một ấp, họ thường lấy sự giàu có mà tự cao với nhau, và đều ham chuộng tửu sắc, không thể đem sánh ngang với ông được. Cho nên tôi cũng không đắn đo về tài học nông cạn của mình, mà làm bài minh rằng: Tốt thay Nguyễn Công/ Dòng dõi Phụ đạo/ Lòng nhân của ông khiến người ta có thể gửi đứa con côi/ Ông dạy dỗ nuôi dưỡng như con mình/ Ông không màng vinh hoa lợi lộc/ Chỉ chăm sùng thượng đạo phật/ Ông dựng chùa chiền/ Và tô điểm tượng phật/ Bỏ ruộng riêng của mình/ Để mở rộng sự lưu thông/ Lại dựng bia đá/ Xin bài văn để ghi lại/ Tài năng của tôi chẳng phải cao/ Làm bài thơ bài minh không dễ/ Nhưng tôi phục ông có dụng tâm/ Lòng hiếu thiện của ông không thay đổi/ Kẻ bạc ác ông biến thành đôn hậu/ Kẻ hẹp hòi ông làm cho trở nên rộng rãi/ Người tầm thường mà lập được chí/ Bèn thuật lại bằng bài văn này/ Để lưu truyền đến ức vạn năm.

Ngày tháng 3 năm Đinh Mùi, niên hiệu Đại Trị thứ 10 triều vua Việt. Phụng độc học sinh, thư sử trực thủ là Tạ Thúc Ngao, hiệu Sở Khanh soạn”.

Mặt sau bia có hai dòng chữ: “Quyền Phụ đạo Nguyễn Thiên Trượng và Vãn Giác cư sĩ cúng thí ruộng Na Nộn một mảnh, phía đông gần khe nước nhỏ Thích Bính. Hai bờ phía tây gần núi rừng, phía bắc gần chùa làm giới hạn, vĩnh viễn là của tam bảo. Ngộ Thiện cư sĩ cúng hai người nô là Thượng Đại và Mỹ Am và một con trâu làm của tam bảo”.

Theo Cục Di sản văn hóa, bia “Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự” cao 90cm, rộng 47cm, dày 11cm, đặt trên thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại. Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo, nét chữ chân phương, mang những đặc trưng chung của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Trần. Nét chữ khắc sâu, còn rất rõ và không có dấu hiệu nào chứng tỏ bia bị khắc lại ở thời gian sau. Tạ Thúc Ngao, hiệu Sở Khanh được phong Phụng độc học sinh thư sử trực thủ là một chức quan tại kinh sư được cử đi xem xét việc biên giới ở phía bắc. Bia là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn, được dùng để so sánh đối chiếu một số tự dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Tấm bia không chỉ khẳng định sự ra đời của một ngôi chùa thờ Phật ở vùng biên cương hẻo lánh mà còn có một sử liệu quan trọng cho biết chế độ Phụ đạo ở thời Trần được chính quyền trung ương thi hành rộng rãi. Tấm bia còn là chứng cứ nói lên ảnh hưởng của Phật giáo thời bấy giờ tại vùng biên viễn, biểu hiện lớn mạnh của chính quyền trung ương thời Trần đã quản lý chặt chẽ và bảo vệ vững chắc mọi miền biên cương của đất nước ta.

Thập phương tới chùa dâng lễ.

2. Chùa Sùng Khánh còn có quả chuông đồng tạo năm 1705 (đời vua Lê Dụ Tông). Chuông cao 0,9m, đường kính miệng rộng 0,67m. Đặc biệt là ở 4 múi chuông, mỗi múi có 2 phù điêu hình người đắp nổi (cao 10cm bố trí ở góc các múi) để bảo vệ và trấn 8 hướng.

Trên thân chuông có khắc 1 bài minh: “Đương thời, thiên hạ thái bình, quốc gia thịnh vượng, vua chúa ở trong cung là chốn thâm nghiêm cùng vũ trụ thống nhất về một vòng quỹ đạo, làm yên bên trong, vỗ về nuôi dưỡng bên ngoài, thảy đều hân hoan, người bốn cõi cùng giao hòa, sống hiền lành đạo đức, thân ái với nhau. Mọi việc đều tốt đẹp, từ người già đến con trẻ đều nức lòng ái mộ với nhau. Quan phó Tuần phủ đồn Hà Giang xứ Tuyên Quang tên là Nguyễn Văn Trân được phong chức Tuyên úy xứ, chinh lộc hầu, quê quán xã Phương Độ, châu Vị Xuyên cùng vợ con quyến thuộc từ xưa đều có tấm lòng vui cửa thiền, tôn kính phật, có lòng muốn đưa nhân dân ra khỏi nơi lạc hậu tối tăm, mà được đứng thẳng nơi quang đãng như cây lớn, được hiểu biết khen việc chính, hiểu biết về âm công tất quả báo cho trần thế dương gian được hưởng phú, quý, thọ, khang, ninh; ngũ phúc vốn từ việc thiện mà thúc đẩy làm tốt việc tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ giáng phúc, tác thiện cho bách tính lê dân.

Trong cõi đất thiêng này của vua đã thực hiện được một cuộc tập hợp giá trị tinh thần và của cải đúc nên một quả chuông lớn. Ngày lễ treo chuông ở bản xã, dùi chuông khua đánh, tiếng rền vang lên, trên cao thì chín vía, dưới đất thì người người được nghe thỉnh chuông, khắp trời đất hòa đồng tâm linh. Tiếng thơm lưu truyền từ tổ tiên đến con cháu, cho cháu con được hưởng lộc muôn chung, hưởng phúc lộc hằng ngày, mang ơn Phật độ, nguyện vọng được tỏ bày.

Mừng thay chuông được đúc nên là phong tục tốt vượt lên sau bao thời gian ấp ủ, được đúc hợp từ nơi quê mùa thảo dã, tạm theo đời văn minh mà mệnh vinh quang hồn hậu, trù tính 12 nồi nấu đồng làm chuông đồng, dựng gác chuông từ nơi căn bản. Kính dâng lên bậc ngũ đế cưỡi rồng, tam vương bắt voi, mà lại như được thấy hình ảnh các đấng bậc tại đây. Chuông treo lên, các bậc hiền nhân nghĩa sĩ có thể xem mà biết trải qua bao thế kỷ, người xưa đã sáng lập ra chế độ tốt đẹp để truyền cho các thế hệ nối tiếp dài lâu mãi mãi. Vậy chuông càng ngân vang.

Nước Việt ta được thịnh vượng từ triều Lý, triều Trần, đã từng có bậc vua sáng, tôi hiền, nối theo việc làm của người xưa mà nhiều thiện sĩ, phú gia các đời đã để lại các của báu như chuông Quy Điển, đỉnh Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm, Hồng Cam Lộ đầy rẫy dưới gầm trời cho đến dưới sâu trong ruộng đất, không có cái gì là không do sự linh diệu thúc đẩy. Cũng như mọi hiện tượng từ cổ chí kim, đều do cái tài trị đời, lấy sự vui của đời làm cái vui của bậc thánh trị, khuyên mọi người tập hợp mối thiện, làm cho mối thiện tâm của người được như mối thiện tâm của mình. Do đó đã cố đúc lên chuông lớn, đã gắng công chuẩn bị được một số đồng rất nhiều, tìm thầy giỏi làm nên việc lớn. Vậy thay! Lừng lẫy một phương, cừ khôi một thời; nước đồng nấu ra chảy như suối như sông, ai ai thảy đều thấy được công phu lớn lao rực rỡ như sức sống mùa xuân, nhảy múa không biết mỏi, không biết chán, tiếng reo hò vang khắp nơi gần, chốn xa, ca ngợi công phu to tát, tiếng reo vui ca ngợi, phúc lớn vun cao, đầy nhà đầy sân, ca ngợi thành thị và hương thôn làng bản hưng vượng. Ngoảnh nhìn đâu đâu cũng thấy tràn đầy toại nguyện, ca ngợi công đức rực sáng có thể khảm vào, có thể ghi lại vậy chăng…

Đại Việt, Hoàng Triều, đúc xong chuông năm đầu đời vua Lê Vĩnh Thịnh vạn vạn năm, năm nay đang là năm Ất Dậu (1705) tháng Trọng thu (giữa tháng 8). Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn (1700) Phụng sai làm quan Đốc đồng Lạng Sơn đạo giám sát ngự sử các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, tên là Nguyễn A Trú hiệu là Đặc Trung Đô, cùng Đông Môn tên tự là Như Sơn kính cẩn viết bài minh khắc vào chuông chùa Sùng Khánh”.

Nội dung khắc trên bia và chuông chùa Sùng Khánh do Hà Văn Tấn, Ngô Thế Long và Đặng Văn Minh dịch. GĐ Âu Văn Hợp cho biết thêm, sau năm 1954, do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh khốc liệt, chùa Sùng Khánh không được chăm nom bảo vệ thường xuyên và ít lâu sau đã bị đổ sập. Đến năm 1989 ngôi chùa một lần nữa lại được xây dựng lại.

Từ năm 1994, lễ hội Lồng tồng (hội xuống đồng) truyền thống của người Tày Hà Giang được phục hồi. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, được tổ chức tại thửa ruộng trước cửa chùa Sùng Khánh. Vào ngày này bà con nhân dân trong thôn xã và các vùng lân cận nô nức quy tụ về đây. Vẫn theo lệ từ xưa, phần lễ đầu tiên là cúng tạ các thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng bình yên no ấm, rồi tiếp tục lên chùa lễ Phật.

Tiếp theo là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống mà trong đó vui nhất, đông nhất là lễ hội tung còn, trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới làm ăn thuận lợi. Sau nữa là đánh đu, đẩy gậy, thi cấy, kéo co... Chúng tôi ghé thăm chùa Sùng Khánh, nằm cách đường thiên lý chỉ chừng hơn 200m, lưng tựa vào núi, kế bên là những nếp nhà lợp mái cọ, mái rạ hết sức xinh đẹp, yên ả, thanh bình. Lối lên chùa nhỏ, dốc, rợp bóng tre ngà, có đôi câu đối: “Sơn thủy thanh cao xuân bất tận/ Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh”.

Đại đức Thích Thanh Phúc - trụ trì chùa Sùng Khánh.

Bên mâm cơm chay, Đại đức Thích Thanh Phúc kể rằng ông trụ trì chùa Sùng Khánh từ năm 2009, khách hành hương tới chùa mỗi năm khoảng hơn một vạn, năm sau đông hơn năm trước. Vào dịp lễ hội Lồng tồng thì trong chùa không đủ chỗ để chen chân và nhà chùa đang chuẩn bị cho xây lại tòa tam bảo. Đại đức ví, chùa như ruộng phúc, người đưa tâm đến như người xuống cày cấy, đời này hoặc đời sau hưởng. Tôi mạn phép nhờ thầy giảng thêm hai chữ “đưa tâm” thì được biết rằng, nó vốn là chữ “gia tâm” - tức đưa thêm tâm vào, gần như từ gia công - đã có rồi, bỏ thêm nhiều công sức làm cho tốt hơn hoặc gia cố - làm cho vững chắc thêm lên.

Chùa Sùng Khánh thấm thoắt đã tồn tại gần 7 thế kỷ, khi nghiêng ngả thì được vun bồi, khi sụp đổ thì được xây dựng lại; nằm kín đáo gần nơi quan san biên ải nhưng sở hữu bảo vật quốc gia. Mỗi bảo vật quốc gia đều mang trong mình một câu chuyện dầy dặn nhiều tầng bậc của quá khứ. Bảo vật có chất liệu vàng bạc, ngọc ngà không thiếu ở Việt Nam, nhưng để trở thành bảo vật tầm cỡ quốc gia thì câu chuyện lịch sử mà nó sở hữu còn quan trọng hơn giá trị vật chất nhiều lần. Như khối đá xanh tạc bài minh “Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự” có từ thời nhà Trần là thế.

Nguyễn Huy Minh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/chua-sung-khanh-dia-chi-thieng-ven-duong-thien-ly-580612.bld