Chưa giải quyết được tình trạng ách tắc hàng hóa XNK ở Móng Cái

Hạ tầng giao thông thủy bộ đều trong tình trạng quá tải đã dẫn đến ách tắc nghiêm trọng hàng hóa XNK tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Tình trạng trên xảy ra nhiều tháng nay nhưng chưa có lời giải.

Thực trạng quá tải Những ngày đầu tháng 4/2010, chưa phải mùa khô cạn nhưng dòng sông Ka Long xanh biếc, sầm uất như một thương cảng thuở nào giờ như một giao thông hào sau trận chiến. Hàng ngàn con đò sắt gắn máy (loại phương tiện vận tải chủ lực trung chuyển hàng hóa XNK ra vào các cửa khẩu Ka Long, Lục Lầm) chổng chơ, nhiều chiếc phải gác mũi lên cạn. Những chiếc còn ở dưới dòng thì tiến thoái lưỡng nan, tự mắc kẹt vào nhau. Nhiều chủ đò than thở: "Đợi cả mấy ngày nay mới có đợt nước lên đỉnh điểm thì sông vẫn chẳng khác gì lạch nhỏ chật chội, rất khó để lách ra đến dòng chính. Kiểu này chắc phải... bỏ nghề". Do tính chất liên vận, liên hoàn, dưới sông không thoát thì trên bờ cũng ách tắt. Hàng chục xe container hàng hóa đỗ nối dài trên trục đường Hữu Nghị chờ xuất hàng. Ông Nguyễn Như Hiền, cán bộ Hải quan Cửa khẩu Ka Long cho biết, mỗi ngày khu vực này có khoảng 1.000 - 2.000 tấn hàng hóa các loại được làm thủ tục xuất sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là hàng nông hải sản. Theo UBND TP Móng Cái, sự ách tắc giao thông thủy bộ chủ yếu là do nguyên nhân khách quan. Nhiều năm nay, do biến đổi dòng chảy nên lòng sông Ka Long bị bồi đắp thu hẹp. Trong khi đó, do đặc điểm địa lý, yêu cầu làm hàng tại các cửa khẩu Móng Cái phải qua khâu trung chuyển bằng đường sông, và lượng hàng ngày một tăng, thế là đò sắt ra đời, phát triển rất mạnh. Theo số liệu thống kê, năm 2008, tổng số đò trên địa bàn thành phố vào khoảng 2.500 chiếc, trong đó chỉ có 500 chiếc của chủ đò Trung Quốc, còn lại là của Việt Nam. Trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 2-3 giờ đồng hồ nước dâng lên vào ban đêm, nên không thể đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa từ phía thượng nguồn của hàng ngàn chiếc đò (trọng tải 10 - 20 tấn/chiếc). Vì tắc ở thượng nguồn nên phía hạ lưu (bến Thọ Xuân), hàng trăm con tàu lớn (trọng tải từ 500 - 2.000 tấn) tuy mực nước sâu hơn nhưng vẫn phải chờ thủy triều lên mới vào cập cảng xếp dỡ. Sợ bị tắc dưới sông, vài năm nay, các doanh nghiệp quay sang điểm thông quan trên bộ ở Lục Lầm. Song, đây chỉ là điểm nhỏ, mới khai thác, hạ tầng giao thông, bến bãi chưa đồng bộ. Trong khi đó, lượng hàng quá lớn, số xe quá nhiều, cả 2 bến xuất hàng hoạt động hết công suất cũng chỉ đạt 200 xe container/ngày. Thế là có ngày hàng chục, thậm chí hàng trăm xe container nối đuôi rải kín chiều dài 5 cây số từ bến Lục Lầm đến gần ngã ba Sầu (phường Hải Hòa). Đây chính là lý do khiến nhiều nhà xuất khẩu nhất là xuất khẩu hải sản tươi sống, hoa quả, luôn thắc thỏm âu lo hàng bị hỏng và tốn kém tiền bảo quản. Từ đầu năm đến nay chỉ vì ách tắc giao thông các doanh nghiệp đã thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Đò thuyền mắc cạn với số lượng lớn đã biến sông Ka Long thành dòng sông "sắt". Đôi điều kiến nghị Từ 3 năm trở lại đây, khi sự ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới Móng Cái có dấu hiệu tăng lên, thành phố đã có nhiều giải pháp khắc phục, trong đó, việc đáng kể và khó khăn nhất là vận động, tuyên truyền rồi đi đến yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy thực hiện cải hoán hạ tải các loại đò xuống dưới 20 tấn mới được cấp phép hoạt động trên sông Ka Long. Tiếp đó, Ban Quản lý bến đò được thành lập để điều hành. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về ngân sách, chính quyền TP Móng Cái đã mạnh dạn áp dụng mô hình xã hội hóa công tác đầu tư các công trình lớn, giải quyết ách tắc giao thông. Điển hình là quy hoạch bến xe tạm Lục Lầm với diện tích lên tới 68 ha (giai đoạn một đã triển khai trên diện tích 25ha) cho 2 doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư, nhằm quy gọn các xe container đỗ chờ xuất, nhập hàng các cửa khẩu. Nhưng, các việc làm trên vẫn chưa theo kịp đà tăng trưởng về tổng sản lượng hàng hóa XNK và số phương tiện thủy, bộ tham gia giao thông. Cần nói thêm rằng, ách tắc nghiêm trọng chỉ xảy ra tại các cửa khẩu tiểu ngạch như Ka Long, Lục Lầm. Trong khi đó, tại cửa khẩu quốc tế Bắc Luân, quy mô rất lớn, hiện đại và đồng bộ, cách cửa khẩu Ka Long chừng non 500m, cả bãi xe mênh mông chỉ đếm được vài chiếc. Rõ ràng là sự phân bố các điểm thông quan, bố trí các lực lượng kiểm hóa, làm thủ tục hải quan khu vực Móng Cái vẫn chưa cân đối bài bản. Để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông ở của khẩu Ka Long, thiết nghĩ trong khi chưa cân đối được ngân sách nhà nước, cần tiếp tục triển khai xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để mở rộng đường sá, bến bãi, và nạo vét luồng lạch. Các điểm đỗ cũng cần được đầu tư đồng bộ với đầy đủ hệ thống kho hàng, kho lạnh, trạm điện chuyên dùng cho xe container đông lạnh... Để giải cứu sông Ka Long, có thể nghiên cứu xây dựng thêm một hoặc nhiều điểm thông quan khác tại khu vực bờ Tây. Chú ý phân luồng từ xa sắp xếp điểm đỗ sao cho phù hợp với thời điểm mở tờ khai, kiểm tra hải quan, để giảm tải sự tập trung gây ách tắc như hiện tại. Quan trọng hơn, Nhà nước cần xem xét, đánh giá lại về sự chênh lệch quá lớn giữa chính ngạch, tiểu ngạch trong tổng kim ngạch XNK từ trước tới nay tại khu vực Móng Cái, trên cơ sở đó có sự thay đổi cơ chế điều hành theo xu hướng giảm dần tiểu ngạch và tăng dần chính ngạch. Đây cũng là sự điều tiết phù hợp với định hướng lâu dài về phát triển TP Móng Cái thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2010/4/129255.cand