Chữa dứt điểm điếc, nghe kém bằng phẫu thuật chỉnh hình xương con theo phương pháp tự thân

Phẫu thuật tái tạo hệ truyền âm kết hợp vá màng nhĩ là một trong những kĩ thuật mới đang được các bác sĩ khoa Tai - Mũi- Họng, BV Xanh Pôn thực hiện và áp dụng thành công trong điều trị điếc, nghe kém...

Ths. Bs Nguyễn Thị Diệp Anh - người trực tiếp tham gia kỹ thuật chỉnh hình xương con theo phương pháp tự thân cho bệnh nhân nữ 63 tuổi cho biết: bệnh nhân được chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính nhiều năm, nghe kém. Gần đây nghe kém nặng hơn. Bệnh nhân đến Khoa Tai- Mũi - Họng khám trong tình trạng viêm tai giữa mạn tính dai dẳng, chảy mủ tai nhiều đợt, nghe kém và ù tai. Nội soi thấy màng nhĩ thủng gần như toàn bộ, đo thính lực nghe kém dẫn truyền mức độ vừa PTA 52 dB, chụp phim cắt lớp vi tính xương thái dương thấy xương con trong tai tổn thương nặng.

Vì sao viêm tai giữa mạn tính có thể dẫn tới sự mất liên tục của dẫn truyền chuỗi xương con?

Viêm tai giữa mạn tính có và không có cholesteatoma sẽ dẫn đến tiêu biến chuỗi xương con và làm gián đoạn dẫn truyền âm thanh của nó. Sự gián đoạn này hoặc là hoàn toàn không có một sự liên kết nào giữa các khớp búa-đe hoặc đe-đạp, hoặc là không hoàn toàn với âm thanh và sự chuyển động sẽ được dẫn truyền một phần. Tuy nhiên tình trạng của chuỗi xương con có thể chỉ đánh giá được chính xác trong quá trình phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi tai tại Khoa TMH- Bv ĐK Xanh pôn

Phẫu thuật nội soi tai tại Khoa TMH- Bv ĐK Xanh pôn

Xơ nhĩ có thể gây trở ngại sự chuyển động của màng nhĩ và chuỗi xương con. Trong một số trường hợp nó có thể làm bất động hoàn toàn xương bàn đạp, xương búa và xương đe. Xơ nhĩ xuất hiện như là đám xơ hóa niêm mạc liên quan đến màng nhĩ hoặc tai giữa thậm chí ở thượng nhĩ và thường là hậu quả của sự viêm nhiễm mạn tính.

Viêm tai giữa mạn tính trong bất kì dạng nào cũng có thể dẫn tới sự mất liên tục của dẫn truyền chuỗi xương con. Cholesteatoma là một trong những nguyên nhân thông thường nhất; tuy nhiên, viêm tai xương chũm mạn tính không choleasteatoma cũng có thể gây ra sự tiêu biến chuỗi xương con. Thậm chí khi không có hiện diện của quá trình viêm nhiễm, rối loạn vòi eustachian mãn tính và túi co kéo sẽ dẫn tới sự dính của màng nhĩ với đầu trụ dài xương đe và/hoặc xương bàn đạp có thể gây nên sự hoại tử của những cấu trúc này.

Mục đích chỉnh hình chuỗi xương con

Mục tiêu của chỉnh hình chuỗi xương con là phục hồi lại sự dẫn truyền âm thanh từ màng nhĩ đến đế bàn đạp từ đó phục hồi tối đa sức nghe của bệnh nhân. Phẫu thuật viêm tai giữa mạn tính có và không có cholesteatoma là phải đưa ra được quyết định làm một thì hay hai thì.

Một thì: Chỉnh hình chuỗi xương con để tái tạo hệ truyền âm kết hợp vá lại màng màng nhĩ, lấy sạch bệnh tích.

Hai thì: Vá màng nhĩ, lấy sạch bệnh tích viêm và/hoặc Cholesteatoma để chấm dứt quá trình viêm, việc chỉnh hình chuỗi xương con được làm 2 – 3 tháng sau khi bệnh tích trong tai giữa đã ổn định. Chỉnh hình một thì được đưa ra khi bệnh tích tai giữa được lấy bỏ một cách triệt để và thì hai khi sự tái phát vẫn có khả năng.

Bệnh nhân nữ 63 tuổi trên sau khi được Bs Diệp Anh thăm khám và đánh giá kĩ các kết quả thính lực và hình ảnh trên phim CLVT xương thái dương đã có chỉ định phẫu thuật mở hòm nhĩ kiểm tra. Kiểm tra dưới nội soi vi phẫu ko thấy xương đe, xương bàn đạp bị tiêu toàn bộ. Bác sĩ đã tiến hành khoan mở rộng xương cũm, gỡ xương đe, khoan tạo hình trụ dẫn chữ T đặt nối từ xương búa đến cửa sổ bầu dục. Vá lại màng nhĩ bằng màng sụn theo phương pháp Overlay. Sau phẫu thuật một tháng, lổ thủng đóng kín hoàn toàn, sau 3 tháng đo lại với tăng sức nghe gần như tai bình thường.

Như vậy chỉnh hình chuỗi xương con trong viêm tai giữa mạn tính cho thấy những ưu điểm vượt trội trong phục hồi không những về mặt giải phẫu mà còn cải thiện sức nghe một cách đáng kể thông qua việc phục hồi sự dẫn truyền âm thanh vốn đã gián đoạn do biến chứng tiêu biến xương đe của bệnh lý tai giữa.

Hà Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chua-dut-diem-diec-nghe-kem-bang-phau-thuat-chinh-hinh-xuong-con-theo-phuong-phap-tu-than-169230810114000685.htm