Chưa đủ cơ sở giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh với các chuyến bay nội địa

Theo Bộ GTVT, nguồn thu từ dịch vụ cất, hạ cánh còn hạn chế, cần cân đối để bảo trì, sửa chữa các sân bay.

Bộ Giao thông Vận tải vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Anh Tuấn tại cuộc họp về kiến nghị giảm giá dịch vụ cất/hạ cánh đối với chuyến bay nội địa.

Cuộc họp có lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị: Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất với ý kiến cho rằng, việc xem xét giảm giá dịch vụ cất/ hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023 là chưa đủ cơ sở. Vì theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng vận chuyển nội địa năm 2023 dự kiến đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Như vậy thị trường vận tải nội địa đã và đang phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Nguồn thu từ dịch vụ cất, hạ cánh để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định. Nguồn thu hiện nay còn đang hạn chế, cần cân đối để bố trí cho công tác sửa chữa, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các sân bay đảm bảo khai thác an toàn.

Vì vậy, thứ trưởng Lê Anh Tuấn giao ACV, Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đánh giá lại hiện trạng khu bay tại các sân bay để xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo trì cho phù hợp. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quyết định của pháp luật.

Để hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến 2022, Bộ Giao thông vận tải đã giảm nhiều loại giá dịch vụ hàng không. Trong đó giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa giảm 50% so với mức quy định tại thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.

Năm nay, một số hãng hàng không trong nước đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% phí cất/ hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa

Theo các hãng hàng không, dù thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng so với năm 2019 nhưng thị trường quốc tế năm 2022 mới chỉ phục hồi được khoảng 30% so trước dịch.

Năm nay, các hãng hàng không tiếp tục chịu áp lực từ khủng hoảng kinh tế và lạm pháp. Trong bối cảnh đó, các hãng rất khó để kinh doanh có lãi.

Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT quy định mức giá dịch vụ cất, hạ cánh các chuyến bay nội địa trong khung giờ bình thường dao động từ 765.000 đồng đến hơn 11,6 triệu đồng. Mức giá thay đổi tùy theo tải trọng cất cánh của từng loại máy bay.

Trong khung giờ cao điểm và thấp điểm, mức giá này sẽ lần lượt bằng 115% và 85% mức giá bình thường.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chua-du-co-so-giam-gia-dich-vu-cat-ha-canh-voi-cac-chuyen-bay-noi-dia-post1420363.html