Chưa đủ căn cứ!

Bà Chu Thị Vạn ở xóm Can, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trình bày: 'Mẹ tôi là cụ Dương Thị Nức, sinh năm 1902, mất năm 1976. Bố mẹ tôi sinh được 4 người con (một người con trai là liệt sĩ) và nhận nuôi một người con trai tên là Cạp.

Ông Cạp sinh năm 1918, có cha đẻ là cụ Nguyễn Ngọc Đón, mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Thụ ở xóm Dõng, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng. Cụ Đón cho ông Cạp về làm con nuôi của bố mẹ tôi từ năm 1922. Hai gia đình thỏa thuận cho ông Cạp đổi họ sang họ của bố tôi với tên là Chu Đình Cạp. Ông Cạp được bố mẹ tôi nuôi nấng, dạy dỗ từ khi 4 tuổi, đến khi trưởng thành, tham gia cách mạng và hy sinh năm 1950. Năm 1962, ông Cạp được Nhà nước công nhận là liệt sĩ và tặng bằng Tổ quốc ghi công. Từ năm 2015, gia đình tôi đã làm thủ tục hồ sơ đề nghị truy tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đối với mẹ tôi là cụ Dương Thị Nức vì cụ có một con đẻ là liệt sĩ Chu Đình Thế và một con nuôi là liệt sĩ Chu Đình Cạp. Thế nhưng, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương lại cho rằng, hồ sơ của gia đình tôi chưa đủ căn cứ để xác định liệt sĩ Chu Đình Cạp là con nuôi của cụ Dương Thị Nức".

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22-5-2013 Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” nêu rõ những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng: "Bà mẹ có 2 con trở lên là liệt sĩ". Còn tại Tiết 2, Điểm đ, Khoản 1, Điều 2 của nghị định trên quy định: "Người con là liệt sĩ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công, bao gồm con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật". Cũng theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư Liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH ngày 20-10-2014 của liên bộ (Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22-5-2013 Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” như sau: “Con đẻ, con nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi phải được pháp luật thừa nhận hoặc chính quyền xã xác nhận”.

Trong hồ sơ bà Chu Thị Vạn cung cấp cho tòa soạn có biên bản họp gia đình cụ Đón, xác nhận việc cho ông Cạp đi làm con nuôi; biên bản họp họ tộc Chu Đình, xác nhận cụ Nức nhận nuôi ông Cạp; trích lục hồ sơ liệt sĩ Chu Đình Cạp do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cấp. Theo quy định, việc cho, nhận con nuôi phải được pháp luật thừa nhận hoặc chính quyền xã xác nhận. Tuy nhiên, hồ sơ của gia đình chỉ có biên bản họp gia đình, chỉ là tài liệu tham khảo, không phải là căn cứ pháp lý để khẳng định cụ Nức là mẹ nuôi của liệt sĩ Chu Đình Cạp. Hơn nữa, trong hồ sơ của liệt sĩ Chu Đình Cạp do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cung cấp cũng chỉ có tên bố đẻ và không có tên mẹ đẻ, mẹ nuôi.

Chính vì vậy, trả lời của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương về việc hồ sơ của gia đình chưa đủ căn cứ để xét, đề nghị truy tặng theo quy định hiện hành là có cơ sở. Thân nhân của cụ Dương Thị Nức cần bổ sung thêm xác nhận của UBND xã Hương Gián về việc liệt sĩ Chu Đình Cạp được nhận làm con nuôi của cụ Dương Thị Nức để Ban Thi đua khen thưởng Trung ương có căn cứ xem xét, giải quyết.

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/theo-dau-don-thu/chua-du-can-cu-592561