Chưa có bằng chứng cúm A/H5N1 lây từ người sang người

Mới đây, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H5N1 trên người sau nhiều năm không có ca mắc. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người. Tuy nhiên, cúm A/H5N1 có độc lực cao, với nguy cơ tử vong gần 50%, người dân cần nângcao cảnh giác.

Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 6 ổ dịch tại Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Hiện cúm gia cầm trên người chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh, nên việc phòng bệnh, nhất là phòng lây nhiễm từ gia cầm qua người là rất quan trọng.

Để chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân không ăn các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim,và đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở

Bác sĩ LÊ HỒNG NGA - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chua-co-bang-chung-cum-ah5n1-lay-tu-nguoi-sang-nguoi-post732358.html