Chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm

Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm còn có tên gọi khác là chùa Cái Bầu. Là một trong những địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh

Mục lục bài viết

Chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng hướng về việc tôn thờ các anh hùng dân tộc.

Lịch sử chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm
Kiến trúc ngôi chùa
Ý nghĩa chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm

Chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng hướng về việc tôn thờ các anh hùng dân tộc.

Tác giả: Nguyễn Thúy Anh

Lịch sử chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm

Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm còn có tên gọi khác là chùa Cái Bầu. Là một trong những địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh. Đây là Thiền viện Ni thuộc hệ thống các thiền viện theo Thiền phái Trúc Lâm. Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm là một trong những cái nôi văn hóa tâm linh ở miền Đông Bắc tổ quốc.

Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm vẫn được người dân địa phương gọi là chùa Cái Bầu, tọa lạc trên đảo Cái Bầu, cách trung tâm thị xã Cái Rồng (huyện Vân Đồn) khoảng 4 km về hướng Đông Nam. Bởi vậy, tấm biển ghi tên của Thiền viện vẫn luôn kèm theo tên chùa Cái Bầu, theo đúng phong tục tên chùa gắn liền với tên địa danh nơi sinh sống của người dân địa phương.

Ảnh: St

Đến thăm Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm – chùa Cái Bầu, phật tử và du khách sẽ thấy hấp dẫn bởi cảnh sắc được tạo lên từ sự ưu ái của thiên nhiên kết hợp với sự tinh tế, hài hòa của các công trình kiến trúc chốn cửa thiền.

Hiếm có ngôi chùa nào có được một địa thế đắc địa như Thiền viện nhờ thế “lưng tựa núi, mặt hướng biển”, trở thành một trong những ngôi chùa có vị trí đẹp nhất trong hệ thống chùa chiền ở Việt Nam.

Ảnh: Thúy Anh

Chùa Cái Bầu được xây dựng lại trên nền ngôi Phúc Linh Tự, trước là nơi thờ các vị tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Khu vực chùa ngày nay đã chứng kiến trận đánh đón đầu, từ đó tạo tiền đề cho chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Để tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng nhà Trần, thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm đã xây dựng đền thờ nằm trong diện tích tâm linh của chùa. Trải qua thời gian và những biến đổi của lịch sử, chùa bị hư hỏng nặng. Năm 2007, chùa được khởi công xây dựng trên tổng diện tích 20 ha thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sau 2 năm ngôi chùa khang trang được khánh thành, xứng tầm với những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Kiến trúc ngôi chùa

Chùa Cái Bầu gồm có chính điện cao 2 tầng, rộng 6.000 m2, cổng tam quan, nhà tổ, lầu chuông, thất ở cho chư tăng, ni, thất đường trụ trì, thất chuyên tu, thiền đường, trai đường. Đặc biệt có 1 pho tượng Phật cao 50 m trên đỉnh núi phía sau.

Ảnh: St

Chính điện gồm hai tầng, tầng trên lầu đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, phía sau là phù điêu bằng đồng mô tả lại quang cảnh của gốc cây Bồ đề. Hai bên là tượng của Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ tát, tượng trưng cho trí tuệ và từ bi. Trên bức tường quanh chính điện là các bức phù điêu tinh xảo bằng đồng, mô tả lại cuộc đời đức Phật kể từ lúc Ngài Đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni cho đến khi nhập cõi Niết bàn.

Tầng dưới thờ các vị Tổ sư khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa đại sư, Huyền Trang đại sư là các vị có công phát triển và duy trì thiền phái Trúc Lâm Tam tổ.

Ảnh: St

Ý nghĩa chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm

Điều tạo cho phật tử và du khách cảm thấy ấn tượng đặc biệt khi đến đây, đó là tất cả những công trình kiến trúc xây dựng xung quanh chùa đều được bố trí khá tinh tế, hài hòa với cảnh trí thiên nhiên xung quanh từ những con đường, bậc thang, những ngôi nhà lá, vườn cây.

Chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng hướng về anh hùng dân tộc. Vua Trần Nhân Tông, người có vai trò quan trọng trong lịch sử xây dựng đất nước. Đồng thời, ông là người có vai trò lớn nhất trong việc phát triển và truyền bá Phật giáo ở Việt Nam.

Quang cảnh trời nước tuyệt đẹp nơi đây sẽ đem lại cho mỗi chúng ta cảm giác bình yên, thanh thản, trải lòng với thiên nhiên. Không chỉ đẹp, lạ về kiến trúc mà văn hóa tâm linh tín ngưỡng ở nơi đây không cho phép đốt vàng mã, không bán hàng rong, bởi bất cứ ai đến nơi đây cũng chỉ lễ Phật bằng chính lòng thành kính của mình.

Ảnh: Thúy Anh

Tác giả: Nguyễn Thúy Anh (t/h)

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-cai-bau-truc-lam-giac-tam.html