Chưa bắt buộc dạy học trực tuyến

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết năm học 2020-2021, Bộ GD&ÐT tiếp tục tinh giản chương trình, áp dụng dạy học trực tuyến.

Ông Thành cho biết, trước đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn 4612 về việc tinh giản chương trình năm học nhưng việc này được giao quyền tự chủ cho các nhà trường thực hiện. Những năm học trước, các trường đã thực hiện 2 nội dung gồm: Rà soát tinh giản nội dung, kiến thức và cập nhật nội dung mới thay cho thông tin cũ.

Qua đánh giá cho thấy, các trường ở địa phương đã làm tốt, nhưng để tinh giản tốt hơn, dành được nhiều thời gian hơn cho thầy cô đổi mới phương pháp dạy học, học sinh có thời gian rèn luyện, phát triển năng lực, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung trong SGK.

Ông Nguyễn Xuân Thành -Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

Căn cứ vào việc rà soát, đối chiếu các nội dung trong chương trình để thiết kế thành các chủ đề dạy học. Làm như vậy, những tiết học gần nhau có thể có những phần nội dung dạy học trùng lặp sẽ được bớt đi.

Cụ thể, về cách làm, tổ chuyên môn của các trường sẽ đề xuất việc tinh giản nội dung chương trình năm học cụ thể gồm những gì, vì sao tinh giản nội dung đó. Ví dụ, tinh giản nội dung này vì vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng, vì kiến thức hàn lâm hay đã lạc hậu thì họ có đề xuất gì không.

Giáo viên là người dạy học và hiểu nhất nên sẽ đề xuất tích hợp bài này với bài khác trong chương trình. Sau đó, các trường chuyển về Sở GD&ĐT để tổng hợp và gửi về Bộ. Khi đó, Bộ GD&ĐT mới mời chuyên gia sử dụng kết quả tổng hợp từ các sở để tổ chức tinh giản và công bố cho áp dụng. Cách làm như vậy vừa có tính thực tiễn (vì đề xuất của các thầy cô từ các nhà trường) vừa có tính khoa học.

- Bộ GD&ĐT sẽ có quy chế về dạy học trực tuyến như một phương thức hỗ trợ dạy học trên lớp. Việc này sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Việc tiếp tục tăng cường dạy học trực tuyến để học sinh có thời gian nghiên cứu tài liệu, bổ trợ kiến thức trước giờ học trên lớp cũng đã được hướng dẫn trước đó. Khi áp dụng hình thức này, học sinh được giáo viên hướng dẫn đọc SGK, tìm hiểu các chủ đề qua mạng ở các phần: tư liệu điện tử, bài đọc, tài liệu bổ trợ video, thí nghiệm mô phỏng.

Với cách học như thế, học sinh có thì giờ tương tác trên mạng trước để tiếp nhận kiến thức nên khi lên lớp, giáo viên dành thời gian để hướng dẫn học sinh thực hành, trao đổi, báo cáo và vận dụng kiến thức. Cách học như vậy các em được thực hành nhiều hơn, việc học trực tuyến hỗ trợ có hiệu quả cho việc học trên lớp.

- Bộ có tính toán thế nào với học sinh vùng khó khăn chưa có điều kiện, cơ sở vật chất để áp dụng học trực tuyến?

- Sắp tới, Bộ GD&ĐT có Quy chế hướng dẫn dạy học trực tuyến, truyền hình nhưng không thể bắt buộc áp dụng ngay được vì toàn quốc có hơn 30.000 trường phổ thông ở các vùng miền khác nhau. Trong đó, có nhiều trường ở vùng sâu vùng xa, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, các gia đình chưa có phương tiện.

Quy chế dạy học trực tuyến được xây dựng trên tinh thần nơi nào đáp ứng được điều kiện hạ tầng, đội ngũ nhà giáo, điều kiện học sinh có máy móc có thể tiếp cận được mới thực hiện. Nơi nào chưa có điều kiện để thực hiện vẫn duy trì dạy học như thời gian vừa rồi, sẽ tăng cường các bài học đã được phổ biến trên truyền hình và hướng dẫn học sinh tự đọc, tiếp nhận kiến thức trong SGK trước thời gian lên lớp.

Còn lại chủ yếu vẫn phải học trực tiếp trên lớp, phải tương tác với thầy cô, các bạn mới phát triển được kiến thức, năng lực. Việc học qua trực tuyến, truyền hình chỉ thực hiện một phần bài học đó ở giai đoạn tiếp nhận kiến thức hoặc vận dụng kiến thức.

Hà Linh / Tiền phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chua-bat-buoc-day-hoc-truc-tuyen-post1092658.html