Chú Vũ Khoan như tôi được biết...

Không đao to búa lớn nhưng những đánh giá và phương pháp luận của chú Vũ Khoan vẫn không ngừng soi rọi cho chúng tôi, cho ngoại giao Việt Nam.

Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Vũ Khoan (ngoài cùng bên phải), Đại sứ Nguyễn Thành Châu và Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bên trái) trong chuyến thăm Australia tháng 5/1993. (Ảnh tư liệu)

Tấm lòng vô bờ đối với thế hệ đàn em

Đầu năm 1997, tôi được điều động từ Tổ tin A, Văn phòng Bộ, sang “bộ phận hội nhập” mới được lập tại Vụ Tổng hợp kinh tế. Đó là ý tưởng của chú Vũ Khoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao khi đó, để giúp lãnh đạo Bộ theo dõi và tham mưu về các vấn đề hội nhập quốc tế, kinh tế đa phương, mà trực tiếp lúc đó là Hiệp định thương mại với Mỹ, việc tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Sau hai năm, bộ phận này được tách riêng thành một vụ mới. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tâm Chiến đặt tên cho chúng tôi là “Hợp tác kinh tế đa phương”, đến nay vẫn giữ.

Một dịp kỷ niệm năm tròn thành lập Vụ, chú Vũ Khoan vẫn trăn trở nói với tôi rằng: “Có lẽ tên Vụ để 'kinh tế đa phương' (KTĐP) là đủ rồi, không nhớ vì sao hồi đó chú không gạch bớt ‘hợp tác’ đi!”.

Chú là vậy! Chú luôn đánh giá lại tất cả những việc mình đã làm, đã duyệt như vậy, cẩn thận từng ý, từng chữ cho đến từng dấu phẩy.

Không chỉ vậy, có lẽ điều chúng tôi khâm phục nhất ở chú là sự minh tuệ, thực sự “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và tấm lòng vô bờ đối với thế hệ đàn em.

Khi giữ những trọng trách cao hơn, chú vẫn luôn gắn bó với KTĐP, coi chúng tôi như người nhà. Nhiều lần tôi và anh chị em trong Vụ được tháp tùng Vụ trưởng Nguyễn Nguyệt Nga tới xin ý kiến chú và luôn được chú đón tiếp, chia sẻ nhiệt tình, kể cả sau này khi chú đã nghỉ hưu.

Nhờ sự đồng hành của chú, các anh Nguyễn Tâm Chiến, Vũ Dũng, Đoàn Xuân Hưng và anh chị em KTĐP chúng tôi thời đó đã đóng góp được một phần nhỏ cho sự nghiệp hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Chú luôn thấu hiểu thời thế trong, ngoài nước, có phương pháp luận vững vàng (bất biến) và phong cách tư duy sáng tạo (vạn biến). Chú từng nói: “Không hiểu thời thế thì làm ngoại giao thế nào được!”. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, chú luôn tìm được cách nói, cách đi, cách làm phù hợp nhất, khiến mọi người cảm phục.

Năm 2013, tôi được tham dự Lớp VK02, tức là lớp Vũ Khoan khóa 2, ngắn ngày do chú trực tiếp giảng dạy. Chú hướng dẫn chúng tôi từng li từng tí, nhất là về phương pháp luận.

Tất cả những dịp mà tôi được nghe chú phát biểu, dù là sự kiện lớn, trang trọng, họp hẹp, hay trao đổi riêng..., bao giờ chú cũng chỉ ra cội nguồn lịch sử từng vấn đề, so sánh với kinh nghiệm các nước, các khu vực. Không đao to búa lớn, nhưng những đánh giá và phương pháp luận của chú vẫn không ngừng soi rọi cho chúng tôi, cho ngoại giao Việt Nam.

Năm 2015, chú cùng vợ là cô Hồ Thể Lan đều đã nghỉ hưu, thu xếp đi thăm Thái Lan. Để tiết kiệm, chú nói là không thích đi máy bay nên quyết định đi đường bộ dù biết sẽ vất vả.

Là Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan khi đó, tôi muốn đón cô chú đàng hoàng, nhưng chú kiên quyết từ chối mọi đặc quyền. Chuyến thăm đó của cô chú đã để lại nhiều tình cảm sâu đậm trong bà con Việt kiều ta tại Thái Lan.

Đóng góp lớn lao cho quan hệ Việt Nam-Australia

Sau khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết tháng 10/1991, nhiệm vụ lớn của cả ngành ngoại giao khi đó là tập trung tìm cách phá bao vây, cấm vận của Mỹ.

Tháng 10/1992, nhân một hội thảo ở Brisbane (Australia), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Vũ Khoan đã tới Canberra trao đổi với Bộ Ngoại giao bạn về khả năng tổ chức chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam. Trước đó, mặc dù Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã thăm năm 1990, nhưng do đặc điểm của thể chế chính trị, người đứng đầu chính phủ Australia có vai trò khác hẳn so với người đứng đầu nghị viện.

Chú Vũ Khoan đã nỗ lực thuyết phục phía Australia đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức với tư cách khách mời của Chính phủ, là cấp đón cao nhất theo quy định của bạn.

Kết quả là, chuyến thăm được thực hiện vào tháng 5/1993 nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao hai nước. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng ta tới một nước tư bản kể từ sau chuyến thăm Pháp và một số nước của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1978.

Chuyến thăm Australia của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gây tiếng vang lớn, giúp khơi thông các nguồn tài trợ song phương và đa phương, góp phần đưa đến việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995.

Một vấn đề được dư luận Australia lúc đó đặc biệt quan tâm là vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Khi đó, dư luận Australia cho rằng ta không bảo đảm đầy đủ quyền của người dân, vì mặc dù đã đổi mới, mở cửa được vài năm song cuộc sống của nhân dân ta vẫn còn khó khăn.

Để đập tan luận điệu này, chú Vũ Khoan nói: “Australia cần phải hiểu quyền con người từ góc độ của người châu Á. Đối với chúng tôi, việc bảo vệ quyền con người đến đâu tùy theo hoàn cảnh cụ thể và là vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền”.

Để bạn có thể hiểu hơn Việt Nam, sau đó chúng ta đồng ý mở đối thoại về luật pháp và nhân quyền với Australia, đến nay vẫn tiếp tục. Qua đó, Australia ngày càng thấu hiểu và gắn bó với châu Á, khẳng định rõ ràng việc tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.

Năm 1995, Australia trở thành nước phương Tây đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức. Hai nước hiện đang trao đổi để nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Không chỉ riêng với quan hệ Việt Nam-Australia, tôi được biết để chuẩn bị cho các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước, không ít lãnh đạo ta sẵn sàng lắng nghe hoặc chủ động tham khảo ý kiến một số cá nhân có uy tín. Và một trong những người đó là chú Vũ Khoan.

Mặc dù đã rời xa nơi trần thế, nhưng chú Vũ Khoan sẽ luôn là chỗ dựa tinh thần tin cậy của chúng tôi và mãi mãi là niềm tự hào của ngoại giao và dân tộc Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-vu-khoan-nhu-toi-duoc-biet-231913.html