Chú Vũ Khoan: Câu chuyện nhỏ về một tầm vóc lớn

Chú Vũ Khoan rất yêu nghề dịch, dân phiên dịch chúng tôi ngồi với chú luôn có cảm giác gần gũi như người nhà...

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (giữa), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và ông Phạm Bình Đàm tại Tọa đàm “Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người”, tháng 2/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (giữa), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và ông Phạm Bình Đàm tại Tọa đàm “Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người”, tháng 2/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chú Vũ Khoan mất, không đường đột vì đã nhiều lần nghe chú mệt, nhưng vẫn bàng hoàng, tiếc nhớ. Tôi không phải là người được tiếp xúc nhiều với chú, nhưng những lần ít ỏi, những chuyện về chú giống như những nét phác họa chân dung một trí tuệ mang tầm vóc lớn và một nhân cách dung dị, gần gũi.

Nhớ chú, tôi xin kể vài mẩu chuyện như sau.

Về xưng hô, chú không thích được giới thiệu là “Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng”. Tất nhiên, nếu có giới thiệu thế, chú cũng không phản ứng vì không muốn làm ai khó xử. Tuy nhiên, ai làm việc nhiều với chú đều biết dù là dịp gì, chỉ cần nói “chú Vũ Khoan” là đủ. Với tôi, chú thường xưng “chú” và gọi tên “Đàm”. Có lần, chú đã nhắc tôi: “Đàm này, hôm nào tổ chức một buổi chú lên nói chuyện với anh em phiên dịch đi”.

Ngoài ra, chú còn có một biệt danh ít người biết, “Khoan Trâu”. Tôi không thấy người trong ngành gọi chú như vậy. Song có lần, một bô lão ngoài ngành kể cho tôi rằng: “Vũ Khoan có biệt hiệu là Khoan Trâu đấy, vì cứ việc khó thì nhồi cho ông ấy, từ biên giới đến nghiên cứu kinh tế. Ông ấy cày như Trâu nên gọi thế”.

Một đặc điểm khác là chú thường tự tay viết những bài phát biểu của mình. Có lần, tôi nhận được một bài kèm theo chữ viết tay trên giấy dính vàng “Thân gửi Phòng Phiên dịch, bài dịch chỉ cần lấy ý dịch sang tiếng Anh cho thoát, không cần câu nệ những câu chữ tiếng Việt”.

Dịch nói cho chú thì cần làm theo kiểu rất riêng. Phần dịch sang tiếng Việt thì chỉ cần tóm vài điểm chính hoặc những chi tiết khó, kỹ thuật, vì cơ bản chú hiểu gần hết. Dịch ra tiếng Anh thì vừa dễ vừa khó. Dễ vì chú nói câu ngắn, ý rõ, diễn đạt thẳng, gần giống tư duy “Tây” nên không phải nhớ nhiều và không cần biên tập câu. Khó là vì cần hình dung được mạch ý lớn của chú, bởi thường chú sẽ nói rất logic, các ý và chi tiết đan nhau rất chặt và hướng đến một tầm khái quát cao.

Tầm tư duy chiến lược của chú Khoan thì ai cũng rõ. Lần đó, tôi có dịp dịch cho chú, khi ấy đang là Phó Thủ tướng. Tài liệu chuẩn bị cho chú phải tương đối chuẩn mực, gồm thông tin tình hình và một loạt các ý kiến nghị. Từ những chi tiết và vấn đề cụ thể ấy, qua bộ óc của chú, đều được nâng tầm, thành những khuôn khổ, những nhóm vấn đề mang tính chiến lược, dài hơn.

Chú có khả năng đọc tình huống và giải quyết vấn đề đặc biệt. Chú dường như có biệt tài luận giải rất nhanh các mớ bòng bong rối rắm hoặc những chuyện mông lung rồi nhanh chóng chốt giải pháp, đưa ra đường bước xử lý.

Khi Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, kinh nghiệm của chúng ta còn ít, các vấn đề về tổ chức, hậu cần, lễ tân đều không dễ dàng, rất dễ “lạc lối”. Ấy nhưng, các anh đều hồ hởi nói với tôi rằng: “Rối thế mà chú Vũ Khoan vào nắm một buổi là đâu vào đấy hết, rõ như ban ngày”.

Hồi năm 2020, tôi đến gặp chú, đem theo ý tưởng về dựng lại lịch sử của Phòng Phiên dịch, tập hợp, kết nối, tri ân các thế hệ để nối một mạch từ quá khứ đến tương lai, để thế hệ trẻ tự hào, vững tin, yêu nghề, để phiên dịch các thứ tiếng, các thời kỳ có một mái nhà chung với “huyết thống” phiên dịch chảy trong người. Chú lập tức phác thảo ra kế hoạch, các bước triển khai, danh sách người cần gặp, những việc cần làm. Tôi tạm biệt chú mà như muốn nhảy cẫng lên vì vui sướng.

Cuối cùng, chú là một người rất yêu nghề dịch. Chắc chắn chú làm việc gì cũng đầy đam mê và cống hiến. Song chú bắt đầu nghề ngoại giao với vai trò phiên dịch tiếng Nga, học được nhiều và có nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc khi dịch cho lãnh đạo nên có thể mảng này được chú quý hơn chăng? Chú kể nhiều, viết nhiều về nghề dịch và ảnh hưởng đối với sự trưởng thành của bản thân. Vì vậy, dân phiên dịch chúng tôi ngồi với chú luôn có cảm giác gần gũi như người nhà.

Đấy có thể là may mắn của những người làm dịch như tôi. Nhưng cũng chính vì lẽ ấy, sự ra đi của chú càng khiến cho chúng tôi cảm thấy thấy như mình đã mất đi người thân trong nhà, thật khó đong đếm.

(*) Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, Trung Quốc kiêm nhiệm Ma Cao, Trung Quốc; nguyên Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch quốc gia (nay là Vụ Biên phiên dịch đối ngoại), Bộ Ngoại giao.

Phạm Bình Đàm*

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-vu-khoan-cau-chuyen-nho-ve-mot-tam-voc-lon-231980.html