Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt vươn xa

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu trở nên cần thiết và quan trọng. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp phải ổn định để giữ chân khách hàng.

Gian hàng sữa chua của Vinamilk tại siêu thị Hợp Mã (thuộc Alibaba) tại Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Vinamilk

Sản phẩm Việt khẳng định trên thị trường thế giới

Báo cáo của Brand Finance (Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Anh) cho thấy, nếu như năm 2016, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 141 tỷ USD thì đến năm 2021 là 388 tỷ USD, năm 2022 đạt giá 431 tỷ USD và năm 2023, đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.

Trong Bảng đánh giá Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finand, thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm. Năm 2023, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 33/121.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với 2022. Tuy nhiên, do tốc độ giảm kim ngạch của nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu, nên cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 vẫn thặng dư 28 tỷ USD, vượt xa con số 11,2 tỷ USD của năm 2022. Cán cân thương mại cả năm tiếp tục vị thế xuất siêu trong các năm trước, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đóng góp vào thắng lợi kể trên, phải kể đến câu chuyện của thương hiệu Vinamilk và Habeco, 2 thương hiệu quốc gia đứng trong bảng xếp hạng Top 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finand vinh danh năm 2023.

Từ năm 2016, Vinamilk đã đưa sản phẩm sữa đặc và creamer đặc lên kệ siêu thị ở bang Arizona và California (Mỹ). Điều này khiến nhiều người bất ngờ, bởi Mỹ là cường quốc về sản xuất và chế biến sữa với hàng nghìn thương hiệu khác nhau. Đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu đi 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành thương hiệu lớn thứ 6 thế giới và được định giá thương hiệu lên tới 2,8 tỷ USD.

Còn với Habeco, sau những nỗ lực đàm phán với đối tác xuất khẩu, tháng 12/2023, container Hanoi Beer Premium đầu tiên của Habeco đặt chân đến Mỹ, đánh dấu mốc sản phẩm Habeco chinh phục thị trường tiềm năng và “khó tính” bậc nhất thế giới. Mỹ được xem là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Habeco với nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.

Sự góp mặt của sản phẩm bia nội hàng đầu Việt Nam tại thị trường Mỹ sẽ là tiền để để Habeco tiếp tục chiến lược “Go Global” với sứ mệnh nâng tầm vị thế thương hiệu Việt, mở rộng thị trường và đa dạng sản phẩm xuất khẩu.

Nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu

Việc đưa thương hiệu Việt Nam vươn ra tầm thế giới đã khó, để giữ được thương hiệu còn khó hơn. Đó là cả một quá trình đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng đổi mới, phát triển, làm ra sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu đa dạng cho người tiêu dùng.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu trở nên cần thiết và quan trọng. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp phải ổn định để giữ chân khách hàng.

Bộ Công Thương đã triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia đến năm 2030 nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ những chính sách này để xây dựng thương hiệu.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo, đây chính là chìa khóa huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã có được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực, được đầu tư bài bản với công nghệ sản xuất tiên tiến, có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là đơn vị đang phân phối hàng hóa Việt Nam, ông Yuichiro Shiotani - Tổng giám đốc công ty TNHH AeonTopvalu Việt Nam cho biết, đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống phân phối của Aeon cần phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và hàng hóa rõ ràng... Đây là những điều kiện cần thiết để đơn vị truy xuất nguồn gốc sản phẩm có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để các đơn vị nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài biết đến nhiều hơn; đồng thời, doanh nghiệp cần duy trì chất lượng của sản phẩm để giữ uy tín với nhà nhập khẩu, các đối tác nước ngoài...

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//chu-trong-nang-cao-chat-luong-san-pham-de-hang-viet-vuon-xa-367874.html