Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp ở Hướng Hóa

Những năm qua, huyện Hướng Hóa luôn quan tâm tổ chức tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều mô hình nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa được xây dựng hiệu quả và nhân rộng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 Người dân tham gia lớp tập huấn cách trồng chuối đúng kỹ thuật - Ảnh: M.L

Người dân tham gia lớp tập huấn cách trồng chuối đúng kỹ thuật - Ảnh: M.L

Trước đây, gia đình anh Hồ Thưm ở thôn Ba Tầng, xã Ba Tầng chủ yếu làm rẫy với phương thức canh tác lạc hậu nên hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, gia đình anh có đến 7 ao hồ với tổng diện tích hơn 2.000 m2 nhưng lại bỏ hoang, nguyên nhân là do khó khăn về kinh phí cải tạo hồ, mua con giống và chưa có kinh nghiệm nuôi cá. Được chính quyền xã tuyên truyền, vận động, đầu năm 2021 anh Thưm xin đăng ký theo học lớp nuôi cá nước ngọt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNNGDTX) huyện Hướng Hóa.

Sau hơn một tháng tham gia học tập, anh được giáo viên cung cấp kiến thức đầy đủ về cách cải tạo hồ nuôi, chọn con giống, thức ăn cho cá…, đặc biệt là trung tâm chọn ao nuôi cá nước ngọt tại gia đình anh để làm mô hình điểm, trực tiếp dạy thực hành cho cả lớp học tập. Toàn bộ kinh phí của mô hình đều được hỗ trợ, kể cả con giống. Nhờ đó, ngay sau khi kết thúc khóa học, anh Thưm thử nghiệm thả gần 1.000 con cá giống các loại như trắm, rô phi, mè…và nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đã được học.

Anh Thưm phấn khởi cho biết: “Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Trung tâm GDNN-GDTX huyện nên tôi không phải tốn chi phí học tập cũng như xây dựng mô hình cá, mua con giống. Qua hơn 1,5 tháng thả con giống, cá trong ao phát triển tốt, cá dễ nuôi, chăm sóc đơn giản và chưa có biểu hiện dịch bệnh. Dự kiến nếu thu hoạch thuận lợi, tôi sẽ vay vốn tiếp tục cải tạo các ao hồ còn lại nuôi cá với số lượng lớn hơn, chọn hướng phát triển kinh tế gia đình từ mô hình này”.

Để việc đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả cao, đối với các lớp dành cho học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tâm GDNNGDTX huyện chú trọng đến hình thức đào tạo “cầm tay chỉ việc”, lựa chọn các học viên đã có cơ sở ban đầu như đã từng có mô hình kinh tế nhưng chưa phát huy hiệu quả hoặc có năng lực xây dựng mô hình nhưng thiếu kinh nghiệm, kinh phí… làm mô hình điểm. Bằng cách chỉ dạy trực tiếp tại mô hình điểm, các học viên dễ dàng tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật, mặt khác lại được thực hành ngay sau khi học lý thuyết.

Trước khi mở lớp, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động rà soát đối tượng học viên về nhu cầu học tập, điều kiện ban đầu để xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo sát thực với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương nhằm phát huy hiệu quả sau khi được đào tạo; đề xuất, đăng ký cho nông dân được tham gia học tập. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ bố trí các lớp học một cách phù hợp với phương châm “học đi đôi với hành” và học xong bắt tay xây dựng mô hình được ngay.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm đã mở được 4 lớp nông nghiệp với 87 học viên đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, lớp trồng lạc có 19 học viên, lớp trồng rau sạch 20 học viên, lớp trồng chuối 28 học viên, lớp nuôi cá 20 học viên. Thời gian đào tạo mỗi khóa từ 1 - 2 tháng. Các buổi học lý thuyết thì học tại trung tâm, học thực hành về tại địa phương các xã. Để có mô hình dạy thực hành, mỗi lớp sẽ chọn xây dựng 1 mô hình điểm ngay tại địa phương của học viên để chỉ dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Học viên theo học các lớp đào tạo nông nghiệp tại đây được miễn phí học hoàn toàn, ngoài ra được hỗ trợ tiền ăn trưa 30 nghìn đồng/người/ ngày.

Các mô hình chọn làm điểm được hỗ trợ hoàn toàn về kinh phí bao gồm làm đất, phân bón, cây, con giống…Kinh phí đào tạo được huyện hỗ trợ 100% với mức kinh phí cho các lớp trồng trọt là từ 8 - 10 triệu đồng/lớp, lớp chăn nuôi 3 triệu đồng/lớp. Các lớp đào tạo bám sát tiềm năng của từng địa phương để đào tạo học viên, như lớp rau sạch tại Hướng Linh; lớp trồng chuối tại xã Thuận; lớp nuôi cá nước ngọt tại xã Ba Tầng…

Nhìn chung, sau khi kết thúc khóa học, đa số học viên đều xây dựng được mô hình riêng của gia đình mình. Với điều kiện cơ bản ban đầu của gia đình, học viên sẽ ứng dụng kiến thức học tập được vào thực tiễn, cụ thể là biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để đem lại hiệu quả cho các mô hình, như lựa chọn cây, con giống phù hợp, cải tạo đất, sử dụng phân bón đảm bảo và không sử dụng hóa chất đối với các vườn rau sạch… Qua quá trình từ khâu học lý thuyết cho đến thực hành và bắt tay xây dựng mô hình riêng của gia đình sau khóa học, trình độ, năng lực sản xuất của người lao động được nâng lên rõ rệt. Chất lượng nguồn nhân lực, thu nhập người dân được nâng cao.

Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lê Quốc Dũng cho biết: “Từ những kết quả khả quan qua các lớp đào tạo về nông nghiệp vừa qua, thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu huyện tiếp tục mở các lớp đào tạo về nông nghiệp. Dựa trên điều kiện thực tế của các xã như đất đai, khí hậu… để mở lớp phù hợp như phát triển cây cao su, cây sắn, cây chuối tại các xã khu vực Lìa; chăn nuôi lợn bản tại xã Hướng Lộc; trồng cây hồ tiêu, nuôi gà thả vườn, chăn nuôi dê, bò tại các xã phía Bắc của huyện. Qua đó, dần nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, nhất là ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nông dân ứng dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=161246&title=chu-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-nghiep-o-huong-hoa