Chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên

'Hòa giải ở cơ sở không đơn thuần là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn mà hiệu quả của công tác này chính là giá trị bền vững đối với việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc' - đó là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Sơn - Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn 1, xã Đình xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Tổ hòa giải huyện Gia Lâm đạt Giải Ba cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” TP Hà Nội năm 2023. Ảnh: B. Dương

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương để ổn định, phát triển kinh tế, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2014, UBND xã Đình Xuyên đã có kế hoạch phổ biến Luật ở địa phương đến các cán bộ thôn tổ dân phố giao công chức Tư pháp, Văn phòng UBND tham mưu thực hiện; tổ chức các hội nghị để triển khai kế hoạch của UBND xã; triển khai kiện toàn các tổ hòa giải cơ sở, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở đến đội ngũ cán bộ từ xã đến cơ sở thôn .

Ông Nguyễn Duy Sơn cho biết: “sau các hội nghị UBND xã tổ chức, tại cơ sở thôn chúng tôi sẽ phối hợp với ban mặt trận tổ chức tuyên truyền trong hội viên, đoàn viên, trong toàn thể Nhân dân về nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở thôn. Hàng năm, tổ trưởng tổ hòa giải đều tham gia các lớp tập huấn kiến thức pháp luật do UBND huyện tổ chức.

Hầu hết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật nhỏ ở cơ sở đều được phát hiện kịp thời; tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc, tùy theo nội dung và thẩm quyền giải quyết, các tổ hòa giải đã kịp thời giải thích, hướng dẫn, động viên các bên thực hiện theo quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý. Qua đó, tình làng nghĩa xóm được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, kinh tế phát triển, đời sống của Nhân dân trong thôn không ngừng được nâng lên.

Trong 10 năm triển khai thực hiện Luật, thôn 1 đã thực hiện hòa giải 32 vụ việc đạt 87%, là tổ hòa giải được lãnh đạo UBND xã Đình xuyên công nhận là “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Theo lãnh đạo UBND xã Đình Xuyên, trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn xã Đình Xuyên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở; UBND huyện hàng năm đều tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, trang bị kỹ năng hòa giải đồng thời tổ chức các cuộc thi, hội thi, xây dựng các tiểu phẩm hòa giải, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở, các Luật liên quan đến cán bộ, công chức và Nhân dân tại địa phương.

Đảng ủy, UBND xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đình Xuyên luôn quan tâm đến công tác hòa giải tại các thôn; thường xuyên kiện toàn các tổ hòa giải; động viên được những người có uy tín tại địa phương, có kiến thức pháp luật tham gia công tác hòa giải ở địa phương đồng thời bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác hòa giải.

Các hòa giải viên nhiệt tình, năng nổ, đi sâu, đi sát, nắm chắc tình hình tại cơ sở, phát hiện kịp thời các mâu thuẫn phát sinh để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ đầu trong cộng đồng dân cư bằng đàm phán, thương lượng, hòa giải tạo lên nét đẹp văn hóa truyền thống; củng cố mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, khối đoàn kết cộng đồng, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đơn thư vượt cấp.

Ông Nguyễn Đình Quang - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Gia Lâm cho biết, hàng năm công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở luôn được huyện quan tâm, tổ chức định kỳ; 100% tổ hòa giải trên địa bàn huyện được phát miễn phí Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế & Đô thị). Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện tích cực tham gia cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” cấp huyện và cấp TP, huyện đã đạt Giải Ba cuộc thi.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chu-trong-boi-duong-kien-thuc-phap-luat-cho-hoa-giai-vien-371232.html