Chủ tịch xã vùng biên có dấu hiệu lạm quyền, làm trái pháp luật?

Qua đơn thư kiến nghị, tố cáo, phản ánh của công dân, PV đã thâm nhập, tìm hiểu thực tế tại xã vùng biên Ia Dal (huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum), phát hiện nhiều vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý.

Trong đó phần lớn có liên quan đến ông Ngụy Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Ia Dal…

Bất chấp lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã non gần 1 năm, những ngày cuối tháng 7, nhóm PV chúng tôi có mặt tại xã vùng biên Ia Dal vẫn còn chứng kiến những thân gỗ quý có đường kính cả mét vừa bị cắt hạ, những vạt rừng bị phát quang cây lá đổ rạp ven đường rừng cách UBND xã Ia Dal chỉ vài cây số… Ngay trong lòng “điểm nóng” chúng tôi đã phát hiện một bãi gỗ khổng lồ đang chuẩn bị “hóa kiếp” thành bộ nhà gỗ trị giá hơn nửa tỷ đồng, hoài nghi là tài sản của ông Chủ tịch xã vùng biên.

Rừng bị tàn phá ngay trước trụ sở xã

Cây gỗ đường kính hơn mét bị cắt hạ ven đường rừng (ảnh chụp 26/7/2017)

Được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, đến năm 2015 trực thuộc huyện mới Ia HDrai - PV), Ia Dal là xã đặc biệt khó khăn nằm trong danh sách 435 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới đất liền theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ. Những năm gần đây địa bàn này luôn là điểm nóng về nạn phá rừng khai thác gỗ trái phép. Hàng trăm vụ vi phạm lâm luật được phát hiện với hàng ngàn khối gỗ bị tịch thu, nhiều đối tượng liên quan bị khởi tố nhưng việc khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ lậu tại đây vẫn ngang nhiên tiếp diễn.

Trong vai người mua gỗ, PV theo chân K, một người dân địa phương vào rừng. Hơn tiếng đồng hồ luồn lách trên những con đường mòn vắt vẻo trơn trượt qua tiểu khu 737 thuộc địa bàn xã Ia Dal, chúng tôi bắt gặp nhiều lô gỗ tròn, gỗ xẻ nằm rải rác bên vệ đường với vệt xe kéo còn mới. Những cây cầy, bằng lăng đường kính cả mét vừa bị cắt hạ, những vạt rừng bị phát quang cây lá đổ rạp ven đường rừng cách UBND xã Ia Dal chỉ vài cây số. Vậy là rừng ở nơi đây vẫn tiếp tục bị tàn sát, bất chấp lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trong khi đó, một số hộ dân địa phương đang canh tác ổn định lại bị UBND xã Ia Dal ngăn cấm. Đơn cử trường hợp ông H.V.Cảnh. Theo lời ông Cảnh, nhiều năm trước, thấy một công ty cao su khai hoang dôi dư khoảnh đất chừng 6 ha không sử dụng nên ông xin phép canh tác. Được lãnh đạo công ty đồng ý, năm 2014 gia đình ông Cảnh tiến hành trồng đào, sắn trên toàn bộ diện tích. Đột ngột đến tháng 4/2017, UBND xã Ia Dal ra thông báo buộc gia đình ông chấm dứt canh tác, tự tháo dỡ lán rẫy mà không cho biết lý do tại sao.

Trao đổi với PV, ông Cảnh ấm ức: “Thấy vô lý nên tôi không chấp hành. Vậy là UB xã cho người đến dỡ lán, bẻ phá cây trồng trong lúc tôi vắng mặt”.

Đến hiện trường, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh tượng khu rẫy sắn, đào rộng ngút mắt đang bị chìm lấp trong bạt ngàn cỏ dại. Theo lời ông Cảnh, vì chính quyền xã ngăn cấm không cho gia đình ông vào đây chăm sóc, thu hoạch nên khu rẫy hiện phải bỏ hoang.

Chủ tịch xã sở hữu bộ nhà gỗ khủng (?)

Cùng vấn nạn phá rừng, tại xã Ia Dal, các hoạt động mua bán, tồn trữ gỗ cũng diễn ra lộ liễu với những chiếc xe máy, xe tải thoải mái “cõng” gỗ lưu thông trên đường về các điểm tập kết. Trước thông tin ông Ngụy Đình Phúc - Chủ tịch xã Ia Dal hiện sở hữu một khối lượng gỗ thuộc loại “khủng” để làm nhà, PV đã tiếp cận cơ sở mộc của ông N.V.Th tại thôn 4 xã Ia Dal.

Khi chúng tôi đến, ông Th. đi vắng, chỉ có mấy người thợ làm việc ở bãi gỗ vườn sau. La liệt những cột gỗ nhà sàn được bào chuốt, đục đẽo sắc sảo nằm sắp lớp trên khu đất rộng, cạnh bên chồng đống những đầu đà, xuyên, trính đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Bắt chuyện với một người thợ, anh cho biết mình từ Thanh Hóa vào đầu quân làm cho ông Th., còn bộ gỗ nhà này là của ông Phúc, Chủ tịch xã Ia Dal. “Ngôi nhà của ông Phúc được thiết kế hình chữ L, chỉ riêng phần cột đã là 22 cây chiều dài 6 mét, đường kính trung bình 37 phân, đa số là gỗ kiền kiền. Nghe nói ông sẽ dựng nhà gần Ủy ban xã, hiện đã đổ móng xong chuẩn bị tiến hành”. Người thợ nói với chúng tôi.

Bộ giàn nhà “khủng” được cho là của ông Phúc, Chủ tịch xã Ia Dal tại cơ sở mộc ông Th..

Để xác thực, chúng tôi gọi điện liên lạc với ông Th. cũng như người thợ Thanh Hóa, ông Th xác nhận bộ gỗ nhà đúng là của ông Phúc đặt làm để nay mai dựng trong xã. Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn đặt một bộ tương tự, ông Th báo giá là năm trăm triệu nếu giao hàng tại chỗ không phải chuyển đi. “Anh thấy đó, bộ này đa số là chò với kiền kiền, rất khó kiếm 22 cây cột như vậy. Toàn bộ ngôi nhà cả phần ván thưng, ván sàn phải mất tới 75 khối gỗ. Không đắt đâu”. Ông Th. phân tích khi chúng tôi đề nghị giảm giá.

Làm việc với ông Ngụy Đình Phúc tại trụ sở UB xã Ia Dal, khi PV trưng ảnh chụp và đề nghị cho biết có phải số gỗ này là của ông không, “vị” Chủ tịch xã một mực chối bỏ. “Tôi không có bộ giàn nhà nào hết” ông Phúc lặp đi lặp lại. Và cũng không có ý định làm nhà vì có một lô đất được huyện bán hóa giá, tôi đã nhượng lại cho chị tôi bởi gia đình chị quá khó khăn”.

Vậy chủ nhân thực sự của 75 khối gỗ làm nhà này là ai? Vì sao giữa ông Th và ông Phúc lại có thông tin trái ngược? Không có điều kiện kiểm chứng nên chúng tôi phải trực tiếp cung cấp thông tin với Đại tá Đỗ Tấn Bền, Trưởng công an huyện Ia HDrrai. Ông cho biết sẽ lưu tâm tìm hiểu các vấn đề liên quan.

(Còn nữa)

TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/chu-tich-xa-vung-bien-co-dau-hieu-lam-quyen-lam-trai-phap-luat-p52812.html