Chủ tịch VNPT: Nhân lực là nòng cốt tạo ra sự khác biệt

Muốn chiếm lĩnh thị trường phải tạo ra sự khác biệt, và để tạo ra sự khác biệt đó nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng. Xác định rõ điều đó, VNPT đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để chuyển đổi cơ cấu nhân lực nội bộ cũng như thu hút nguồn lực chất lượng cao từ bên ngoài.

Chuyển dịch cơ cấu lao động nội bộ

Theo số liệu mới được VNPT công bố về kết quả thực hiện tái cơ cấu tổ chức theo Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm qua, VNPT đã thực hiện chuyển đổi gần 40% số lao động chuyên môn nghiệp vụ đã được tăng cường cho hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp. Nhờ vậy, số lượng lao động kinh doanh sau tái cơ cấu (15.000 người) đã tăng lên gấp gần 4 lần so với trước tái cơ cấu. VNPT cũng đã thực hiện đào tạo chuyển đồi nghề nhằm đáp ứng yêu cầu công việc mới cho gần 6.000 lao động.

6.000 lao động đã được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc mới.

Xuất phát điểm là một doanh nghiệp viễn thông, sau quá trình chuyển đổi, đến nay tỷ lệ nhân lực viễn thông vẫn chiếm đại đa số trong cơ cấu nhân lực của toàn VNPT. Sau tái cơ cấu, trong tổng số hơn 39.000 CBCNV hiện nay của VNPT, vẫn có tới 57% là nhân lực về viễn thông, nhân lực CNTT chưa tới 10%. Vì vậy, với chiến lược tập trung mạnh cho CNTT, VNPT đã chuyển gần 2.000 nhân lực sang đào tạo các kỹ năng về CNTT và con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

Ngoài các thỏa thuận hợp tác cấp tập đoàn, nhiều đơn vị tỉnh thành như VNPT Thanh Hóa, Cần Thơ... đều đã chủ động hợp tác với các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn để đẩy mạnh hoạt động đào tạo kỹ năng mới cho nhân lực hiện có.

Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng, với định hướng phát triển mạnh lĩnh vực CNTT, từ nay tới năm 2020, VNPT cần thêm thêm từ 5.000 - 10.000 nhân lực trong lĩnh vực này. Nhu cầu thực tế lớn hơn nhiều so với nguồn lực hiện có, nên bên cạnh việc chuyển dịch lao động trong nội bộ, Tập đoàn cũng đang tiến hành hợp tác với nhiều trường ĐH, cao đẳng lớn trong lĩnh vực VT-CNTT trên cả nước như ĐH Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Khoa học Tự nhiên, Cao đẳng nghề Cần Thơ… để thu hút nguồn lực mới, nguồn lực trẻ chất lượng cao.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết muốn chiếm lĩnh thị trường nói chung và thị trường CNTT nói riêng phải tạo ra sự khác biệt, và để tạo ra sự khác biệt đó nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng. VNPT nhận thức được điều đó và đang đẩy mạnh đầu tư để phát triển nguồn nhân lực.

Mới đây nhất, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với trường ĐH Bách Khoa Hà Nội để phát triển và thu hút nguồn nhân lực CNTT. Theo nội dung làm việc giữa hai bên, ngay trong năm nay các sinh viên năm cuối có thể nhận các đề tài đồ án tốt nghiệp có liên quan tới VNPT để cùng tham gia nghiên cứu, phát triển sản phẩm dịch vụ. Sau khi tốt nghiệp các sinh viên này sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại đơn vị trực tiếp quản lý sản phẩm dịch vụ đó với mức lương thưởng, chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp với các trường ĐH, cao đẳng chuyên ngành bắt đầu trở nên phổ biến tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Trong lĩnh vực VT-CNTT, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của nước ngoài đã thực hiện việc này từ lâu và đang thu hút được một lượng lớn nhân lực chất lượng cao. Để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài, VNPT đã và đang xây dựng các chương trình học bổng, tài trợ, chương trình thực tập, làm việc hấp dẫn cho các sinh viên ngay từ năm thứ 3 đại học.

Trước đây, VNPT cũng đã có các chương trình hợp tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực với một số trường ĐH, tuy nhiên đây là lần đầu tiên chương trình hợp tác được đẩy mạnh ở cấp toàn Tập đoàn, với việc xây dựng chính sách chung với một chương trình hợp tác tổng thể, toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Với những động thái này, VNPT đang thể hiện rõ quyết tâm thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.

Ngoài lĩnh vực CNTT, hiện VNPT đang cung cấp rất nhiều giải pháp công nghệ trong lĩnh vực khác như y tế, tài nguyên môi trường, nông nghiệp…với mục tiêu xây dựng các hệ sinh thái dịch vụ toàn diện. Vì vậy, không chỉ với nhân lực trong lĩnh vực CNTT, tiến tới đây VNPT sẽ tiếp tục có những chính sách tương tự để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khác.

Áp dụng các cơ chế quản trị hiện đại để tạo động lực cho người lao động

Bên cạnh việc thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới, VNPT cũng ý thức được tầm quan trọng của việc tạo động lực cho người lao động và giữ chân người tài. Song song với quá trình thực hiện tái cấu trúc mô hình tổ chức, VNPT đã đã đưa vào áp dụng công cụ thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps để đánh giá đúng và phân phối lương theo hiệu quả công việc thực tế.

Các công cụ này đã và đang thực sự phát huy hiệu quả, gia tăng đáng kể năng suất lao động. Trong hai năm tái cấu trúc, năng suất lao động ghi nhận tăng trung bình 24%/năm, lương của người lao động tăng 15%/năm và đặc biệt nó đã giúp loại bỏ tình trạng lao động được bố trí công việc không đúng năng lực, hưởng lương không tương quan với kết quả làm việc; tạo động lực lớn cho người lao động.

Với những động thái chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực trong thời gian qua, VNPT đang cho thấy sự thay đổi về "chất", góp phần quan trọng trong việc đạt được những kết quả tích cực sau tái cấu trúc. Sự thay đổi này cũng hứa hẹn sẽ giúp VNPT chuyển mình mạnh mẽ trên con đường phía trước.

Hoàng Vũ

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201611/chu-tich-vnpt-nhan-luc-la-nong-cot-tao-ra-su-khac-biet-547689/