Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng: Chỉ có khoản nợ tiềm năng mới có thể chuyển thành vốn góp!

“Chuyển nợ xấu thành vốn góp không có nghĩa là chuyển tất cả các món nợ xấu thành vốn góp. Đây cũng không phải là đề xuất gì mới. Trên thế giới có nhiều nước đã thực hiện, ví dụ như việc chứng khoán hóa khoản nợ Mỹ đã làm từ lâu”, ông Nguyễn Quốc Hùng (ảnh) - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết.

Chuyển nợ xấu thành vốn góp - dự thảo của NHNN thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên gia tài chính. Một số chuyên gia cho rằng việc chuyển nợ xấu thành vốn góp có thể khiến sở hữu chéo trở nên phức tạp hơn bởi nhiều ông chủ ngân hàng đều có mối quan hệ thân hữu với các công ty sân sau. Nếu cho chuyển nợ thành vốn góp, có thể ngân hàng sẽ nhắm đến các khoản nợ liên quan đến sở hữu chéo, khiến việc nhận diện nợ xấu trở nên khó khăn. Thêm vào đó, lo ngại việc các ông chủ ngân hàng “đá chéo sân” và tham gia vào các lĩnh vực vốn không phải thế mạnh có thể khiến nợ xấu càng thêm trầm trọng.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, với nợ xấu tệ đến mức không thể thu hồi, mà lại chuyển thành vốn góp, cái lợi đó là tài sản độc hại (nợ xấu) trở thành tài sản sinh lời (đầu tư), điều này khiến cho sổ sách kế toán của ngân hàng trở nên rất đẹp. Hơn nữa, từ phía ngân hàng, họ sẽ không phải dành một khoản tiền lớn cho việc trích lập dự phòng. Tuy nhiên, sổ sách dù đẹp mấy, thì tài sản nói trên bản chất vẫn là tài sản độc hại, chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi.

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC.

Ông nhìn nhận thế nào về Dự thảo Chuyển nợ xấu thành vốn góp của NHNN?

- Chuyển nợ xấu thành vốn góp không có nghĩa là chuyển tất cả các món nợ xấu thành vốn góp. Đây cũng không phải là đề xuất gì mới. Trên thế giới có nhiều nước đã thực hiện, ví dụ như việc chứng khoán hóa khoản nợ Mỹ đã làm từ lâu.

Thực tế trong thời gian qua đã có những TCTD đã mua nợ xấu của VAMC và chuyển thành công nợ xấu thành vốn góp với DN. Một DN đang khó khăn có nợ xấu nhưng các ngân hàng nhìn thấy tương lai DN có thể phát triển và tạo ra lợi nhuận. Khi đó, ngân hàng không tin tưởng giao cho DN sử dụng vốn thì họ chuyện nợ thành vốn góp để cùng DN quản trị, phát huy tiềm năng vốn có của DN. Các ông chủ nhà bằng sẽ có cơ hội tái cấu trúc khoản nợ, tham gia vào quản trị dòng tiền. Từ đó ngân hàng có khả năng thu hồi nợ gốc, DN có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không bị lâm vào tình trạng phá sản. Về mặt xã hội, người lao động không bị mất việc làm.

Vậy khoản nợ như thế nào mới đủ điều kiện để trở thành vốn góp?

Cần nói rõ ràng là không phải khoản nợ nào cũng có thể chuyển thành vốn góp mà chỉ những khoản nào có đủ điều kiện thì mới có thể chuyển thành vốn góp. Đó phải là những khoản nợ có tiềm năng, có điều kiện, có khả năng phục hồi được nhưng doanh nghiệp không có tiềm lực về tài chính, không có đủ uy tín và họ không có khả năng quản trị. Khi đó ngân hàng có thể tham gia vào để quản trị cùng và kiểm soát được dòng tiền.

Nếu việc chuyển nợ thành cổ phần tốt lên, ngân hàng không những thu hồi được nợ mà còn có thể bán lại cổ phần khi DN đã phục hồi được. Các TCTD cũng phải tính toán làm sao để chuyển có hiệu quả chứ không phải là DN nào cũng được họ chọn. Khi phục hồi có thể bán cổ phần lên chứng khoán hoặc bán cho DN khác

Một số chuyên gia lo ngại việc các ngân hàng tham gia quản trị tại các DN tức là ông chủ nhà băng đang “đá chéo sân” tham gia vào bất động sản, bảo hiểm, thủy sản…không thuộc sở trường kinh doanh của mình. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Ngân hàng muốn tham gia quản trị doanh nghiệp thì phải căn cứ vào tỉ lệ được tham gia là bao nhiêu theo quy định. Và theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, khi ngân hàng đầu tư sang lĩnh vực khác thì phải dùng vốn điều lệ. Như vậy, ngân hàng muốn chuyển nợ xấu thành vốn góp họ phải sử dụng vốn điều lệ chứ không phải vốn huy động từ dân.

Do vậy, ngân hàng muốn chuyển nợ thành vốn thì phải xác định dùng vốn của chính ngân hàng mua khoản nợ đấy sau đó mới chuyển được.

NH tham gia vào quản trị. Các chuyên gia nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thì họ phải thuê các chuyên gia. Trước đây ngân hàng chỉ chuyên cho vay thì làm sao làm được việc chế biến thủy sản. Nếu thiếu thì NH bơm thêm tiền vào để hỗ trợ, những khoản nợ sẽ được NH thanh toán để DN có thể yên ổn. sau đó tái cấu trúc bộ máy, cơ sở vật chất. NH quản trị về tài chính và dòng tiền.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/chu-tich-vamc-nguyen-quoc-hung-chi-co-khoan-no-tiem-nang-moi-co-the-chuyen-thanh-von-gop-604672.bld