Chủ tịch UBND TP.HCM: Hãy lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hóa

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Chủ tịch UBND TP.HCM mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư xem xét, lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hóa.

Xác định công nghiệp văn hóa là ngành tiềm năng

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 22/12 có thể coi là "Hội nghị Diên Hồng" về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam khi diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, TP.HCM hiện là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang hướng đến tầm khu vực Đông Nam Á và châu Á. Xác định công nghiệp văn hóa là ngành mới, rất tiềm năng và sẽ có đóng góp tỉ trọng rất lớn vào sự phát triển của Thành phố, chính vì vậy tháng 10 vừa qua, TP.HCM đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thành phố đến năm 2030. Với Đề án này, Thành phố tập trung các ngành như nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo thời trang, triển lãm, điện ảnh và du lịch văn hóa.

"Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu cho năm 2025, 2030 theo như mục tiêu Chiến lược văn hóa quốc gia. Tuy nhiên đến năm 2022, đóng góp của công nghiệp văn hóa trong GDP thành phố đạt 6,2%, chúng tôi sẽ điều chỉnh mục tiêu này. Đến năm 2025 đạt 7-8%, đến năm 2023 thì trên 10%", Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư xem xét, lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hóa.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư xem xét, lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên để triển khai phát triển văn hóa, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hóa, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá, hợp tác quốc tế… là những trọng tâm. Ông Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng sau Hội nghị này có những định hướng cho các ngành chủ lực của công nghiệp văn hóa trong các địa bàn trọng điểm, nên có trọng tâm để có sự phân công, phối hợp và có sự đầu tư.

Ngoài ra, cần có những quy định của pháp luật, quy chuẩn, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Bên cạnh chính sách về tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế… nên chú ý vào các cơ chế, chính sách vượt trội, đạt phá, tiếp cận với ngành công nghiệp sáng tạo chứ không như các ngành công nghiệp truyền thống. Nên có Nghị quyết của Chính phủ, dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo những động lực cho phát triển ngành công nghiệp này.

"TP.HCM mong các doanh nghiệp đang có mặt trong Hội nghị, trong quá trình triển khai Đề án, xem xét, lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hóa", Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Phát triển đa dạng các sản phẩm văn hóa

Về phía Thủ đô Hà Nội, thông tin tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thí điểm một số sản phẩm văn hóa đã thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách. Điển hình như chương trình tham quan di tích lịch sử Hỏa Lò, tour du lịch Giải mã Hoàng thành Thăng Long, chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Nhiều triển lãm trưng bày quy mô đã diễn ra, thu hút lượng lớn khán giả tham quan thụ hưởng, số khách tăng 200% so với trước khi thực hiện.

Năm 2019, thành phố Hà Nội đã tham gia là thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu của Thành phố lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho phát triển đô thị bền vững. Hiện nay Thành phố đã có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa, trong đó kết nối mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô kết nối với hơn 400 thành phố trên thế giới, triển khai các nội dung công việc có bản sắc của thành phố Hà Nội nhưng vẫn lưu giữ truyền thống định hình hiện tại và hướng tới tương lai, nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế đã được tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

"Quan tâm đến nguồn lực văn hóa, công nghiệp văn hóa, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tu bổ, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, một nguồn lực vô cùng quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo. Đến nay Thành phố Hà Nội nỗ lực điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô sửa đổi Luật Thủ đô để đưa ngành công nghiệp văn hóa thành ngành mũi nhọn đóng góp cho phát triển Thủ đô một cách bền vững", bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển định vị bản sắc văn hóa từng vùng, từng địa phương, hình thành liên kết vùng, chuỗi liên kết các ngành, lĩnh vực thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Kim Nhung/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/chu-tich-ubnd-tphcm-hay-lua-chon-tphcm-de-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-post1067375.vov