Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý quy hoạch (QH) xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tốc độ xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, các dự án đô thị được quan tâm đầu tư, chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng từng bước được nâng cao; công tác quản lý trật tự xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ phủ kín QH xây dựng tăng lên, chất lượng đồ án QH được cải thiện và đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh; tình hình quản lý QH cơ bản đi vào nền nếp, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân có nhiều tiến bộ, góp phần tích cực vào nâng cao hình ảnh của địa phương. Đồng thời, QH tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 14/1/2024 là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặc dù vậy, công tác QH, quản lý QH xây dựng, QH đô thị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là: việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các cấp độ QH đô thị, QH xây dựng tại một số địa phương thiếu đồng bộ, thống nhất về phạm vi, quy mô, phê duyệt QH phân khu, QH chi tiết chưa phù hợp với định hướng phát triển không gian QH chung đã được phê duyệt; chỉ tiêu sử dụng đất tại QH chung chưa đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về QH xây dựng; vị trí, quy mô hệ thống công trình dịch vụ - công cộng, đặc biệt là hệ thống công viên cây xanh công cộng chưa đồng nhất giữa các cấp độ QH; quy mô dân số tại QH chi tiết chưa phù hợp với chỉ tiêu dân số được phân bổ tại QH phân khu; chưa nêu cụ thể nội dung về QH không gian xây dựng ngầm đô thị. Một số địa phương chưa phủ kín QH phân khu, QH chi tiết, việc lập thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn xã hội.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên do công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương chưa chặt chẽ; chậm phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để một số trường hợp vi phạm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng rà soát và tham mưu UBND tỉnh về công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các QH xây dựng; QH chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị (nếu có); hướng dẫn, đôn đốc UBND huyện, thành phố tổ chức lập mới các QH xây dựng, tổ chức rà soát các QH đến thời điểm phải rà soát điều chỉnh cho phù hợp với QH tỉnh và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến công tác lập và điều chỉnh QH; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý QH xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo QH xây dựng được phê duyệt, đặc biệt đối với các khu vực ven sông; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương lập kế hoạch thực hiện QH tỉnh để làm cơ sở triển khai các QH xây dựng (QH xây dựng vùng huyện, QH đô thị…) và các QH chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với sở, ngành tỉnh và địa phương có liên quan tăng cường phổ biến các quy định pháp luật về sử dụng đất; kịp thời phát hiện và kiên quyết ngăn chặn theo thẩm quyền đối với các trường hợp có dấu hiệu chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp với QH xây dựng, QH, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt…

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/chu-tich-ubnd-tinh-yeu-cau-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-quy-hoach-xay-dung-quy-hoach-do-thi-121497.aspx