Chủ tịch Quốc hội với những 'cử tri đặc biệt'

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Myanmar từ ngày 28.9 - 1.10, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ đại diện bà con kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar.

Như một cuộc tiếp xúc cử tri, người đứng đầu cơ quan lập pháp đã nghe được nhiều tâm tư, nguyện vọng của những “cử tri đặc biệt” đang có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại “xứ sở chùa Vàng”.

Thời điểm thuận lợi

Báo cáo với Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta về quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương cho biết, hiện là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam sang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Myanmar.

Trong giai đoạn chuyển giao chính quyền vừa qua, kinh tế Myanmar được đánh giá là ổn định. Kết thúc năm tài chính 2015 - 2016, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Myanmar sẽ đạt 7,2%. Chính phủ mới do đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) lãnh đạo chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách mở cửa và đổi mới đã được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Thein Sein.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar
Ảnh: Trọng Đức

Là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, dù tình hình chính trị của Myanmar có những thay đổi, song giữa hai nước vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống.

Trên nền tảng mối quan hệ lịch sử gắn bó lâu dài đó, Chính phủ mới của Myanmar đã và đang dành nhiều sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Myanmar.

Đại sứ Luận Thùy Dương cũng cho biết, nhân dân Myanmar yêu mến, quý trọng đối với nhân dân Việt Nam và đặc biệt đặt niềm tin vào các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là những tiền đề mềm rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xúc tiến và mở rộng các hoạt động đầu tư tại đất nước này.

Tận dụng cơ hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước có nhiều khởi sắc đáng khích lệ. Chỉ tính riêng 8 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt hơn 344 triệu USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ.

Hiện, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 10 trong số những nước có nhà đầu tư lớn đang hoạt động tại Myanmar, với tổng vốn hơn 693 triệu USD và 11 dự án đầu tư được cấp phép. Các dự án của Việt Nam trải đều trên các lĩnh vực: Sản xuất, dầu khí, khách sạn và du lịch, khoáng sản, chế tạo, giao thông và truyền thông.

Trong đó, tiêu biểu là Dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ Myanmar Center của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đã đưa vào hoạt động giai đoạn I và khởi công giai đoạn II; Dự án liên doanh nhà máy đóng tàu Đông Á; Dự án liên doanh thăm dò dầu khí ngoài khơi (lô M2) tại vùng biển Tây Nam Myanmar của Tổng Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) và Eden Group Co.,Ltd của Myanmar...

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã có 112 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức như: Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ mới của Myanmar tiến hành rà soát lại tất cả các dự án đầu tư liên quan đến khai thác khoáng sản, thủy điện, bất động sản…

Trong đó, không ít dự án bị đình chỉ hoặc tạm dừng triển khai. Cho đến nay, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đều đang vận hành đúng tiến độ. Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã hồ hởi “khoe” với Chủ tịch QH như vậy.

Tiềm năng và dư địa hợp tác đang rất dồi dào

Dưới hình thức “tiếp xúc cử tri đặc biệt”, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ với người đứng đầu cơ quan lập pháp: Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Việt cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Đó là hệ thống pháp luật của bạn chưa thật sự hoàn chỉnh, thủ tục hành chính còn rườm rà; pháp luật về đầu tư nước ngoài của bạn tuy có nhiều đổi mới, song vẫn còn không ít vướng mắc. Rồi những bất cập trong giao dịch thanh toán qua ngân hàng... Đây là những điểm vướng mà các doanh nghiệp không thể tự gỡ được.

Kiến nghị với Chủ tịch QH, đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar cho rằng, QH, Chính phủ cần có sự tác động để Chính phủ Myanmar xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc vay vốn đầu tư cho các dự án tại Myanmar, xử lý những bất cập trong cách thức chuyển tiền, giao dịch qua ngân hàng.

Một số doanh nghiệp đề nghị Chính phủ Myanmar hướng dẫn các doanh nghiệp nước ngoài trong thực hiện đăng ký sở hữu tài sản đã đầu tư tại Myanmar (cụ thể gồm đất và các tài sản trên đất).

Hay, xem xét cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar được sử dụng tài sản đầu tư để thế chấp vay vốn ngân hàng (bao gồm tài sản hình thành từ vốn tự có, vốn vay ngân hàng, vốn góp...).

Kịp thời bổ sung quy định hướng dẫn các thủ tục đăng ký tài sản thế chấp, đăng ký khoản vay nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền của Myanmar…

Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của những “cử tri đặc biệt”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khi xúc tiến các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar.

So với những thị trường khác, Myanmar có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có khó khăn riêng. Myanmar đang trong tiến trình dân chủ, hòa hợp dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Dù có nhiều tiến bộ, song thực tế, QH Myanmar mới thành lập chưa lâu, đang ở nhiệm kỳ thứ hai.

Do vậy, hệ thống pháp luật nói chung và khuôn khổ pháp lý nói riêng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư chưa thể hoàn chỉnh ngay. Cơ sở hạ tầng của bạn cũng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trải qua thời gian dài hơn 2 thập kỷ chịu sự cấm vận khắc nghiệt, Myanmar đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước, giao thông… còn nhiều khó khăn.

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam. Song bù lại, tiềm năng và dư địa hợp tác với Myanmar đang còn rất dồi dào.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, nhưng Chủ tịch QH cũng nêu rõ, bất kỳ ở đâu và thị trường nào, trước khi xúc tiến các hoạt động đầu tư, trước tiên các doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện kinh doanh, môi trường đầu tư… Qua đó, lường trước được những khó khăn và luôn sẵn sàng đối mặt, tháo gỡ.

Hoan nghênh tinh thần năng động, nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Chủ tịch QH ân cần căn dặn: Dù khung pháp lý, pháp luật về đầu tư nước ngoài của bạn chưa hoàn chỉnh, còn có điểm vướng mắc, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động trên nước bạn, phải luôn chấp hành đúng pháp luật.

Cùng với đó, thông qua các kênh như Đại sứ quán, tiếp tục kiến nghị để Chính phủ Việt Nam làm việc với Chính phủ Myanmar, cùng trao đổi, bàn bạc, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ví hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài như việc mang chuông đi đánh xứ người, Chủ tịch QH lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần luôn đóng vai trò như những “đại sứ kinh tế” của đất nước, thông qua các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước bạn để góp phần mang thiện chí, bản sắc, hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thiết thực đóng góp cho việc vun đắp và thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Myanmar.

Theo Daibieunhandan.vn

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201610/chu-tich-quoc-hoi-voi-nhung-cu-tri-dac-biet-2740606/