Chủ tịch Quốc hội vận động ĐBQH ủng hộ đồng bào miền Trung

Sáng 17.10, tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kêu gọi các đại biểu có mặt chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung đang phải chịu hậu quả nặng nề của trận mưa lũ vừa xảy ra.

Ủy ban thường vụ Quốc hội ủng hộ đồng bào miền Trung (Ảnh: Q.H)

Đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đồng bào miền Trung

Hôm nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kêu gọi các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đồng bào miền Trung vừa phải chịu những hậu quả nặng nề của trận lũ lụt. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, vào ngày 20.10 – khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV tới đây, Quốc hội cũng sẽ kêu gọi tất cả các ĐBQH tổ chức quyên góp ủng hộ miền Trung.

“Trong lúc chúng ta đang họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng, phải chịu những hậu quả nặng nề bởi mưa lũ, và chuẩn bị phải đón một cơn bão lớn. Để thể hiện tinh thần tương thân tương ái hướng về đồng bào miền Trung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quyên góp, và sắp tới, trong ngày khai mạc Quốc hội 20.10, Quốc hội sẽ vận động tất cả ĐBQH quyên góp cho đồng bào miền Trung để góp phần giảm bớt những thiệt hại nặng nề” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Vài ngày trước đó, những cơn mưa lớn kéo dài trên diện rộng khiến nhiều địa phương ở miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh… ngập sâu, hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển nước.

Theo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trận mưa kéo dài ba ngày qua khiến 8 người chết và 10 người mất tích tính đến chiều 15.10. Trong đó, Quảng Bình thiệt hại nặng nhất với 6 người chết và 6 mất tích; Hà Tĩnh 2 người chết; Thừa Thiên Huế và Nghệ An mỗi địa phương đều một người chết và một mất tích.

Mưa lũ cũng khiến hơn 26.000 nhà ngập và tốc mái, hơn 175 ha hoa màu hư hại. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các địa phương phải di dời 140 hộ.

Mưa lớn cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về giao thông như đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Thượng Hóa, Minh Hóa thuộc Quảng Bình ngập sâu 1m, dài 600m. Nhiều tuyến đường khác qua Quảng Bình, Hà Tĩnh bị ngập, gây ách tắc giao thông hoặc sạt lở mái taluy âm. Khung đoạn Đồng Hới đến Lệ Kỳ và ga La Khê (Hà Tĩnh) nước ngập mặt ray 10 cm giao thông đường sắt gián đoạn. 8 xã ở Quảng Bình và 4 xã ở Hà Tĩnh bị cô lập.

Đề xuất trình Quốc hội phê duyệt làm 1.372 km cao tốc Bắc Nam

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, tờ trình về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ có đề cập tới dự án làm hơn 1.300 km cao tốc Bắc - Nam.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính ngân sách Nguyễn Đức Hải phân tích, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế.

"Với dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư" - ông Hải nêu.

Trong văn bản góp ý kiến về dự án này Bộ Tài chính cũng nêu tỏ ra lo lắng, rất khó để thu xếp đủ vốn cho dự án. Theo Bộ Tài chính, đề xuất ngân sách hỗ trợ 40,7% vốn là rất lớn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020, với tổng mức đầu tư gần 230.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động.

Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.

Ngay cả nguồn huy động vốn nhà đầu tư bên ngoài, theo Bộ Tài chính ngành ngân hàng thời gian qua đã cho các nhà đầu tư BOT vay ở mức khá cao nên dư địa không còn nhiều. "Do vậy, việc huy động vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay) nên định hướng lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng huy động được các nguồn vốn ngoài nước với mức lãi suất vốn vay hợp lý", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Clip Phiên họp của Ủy ban thường vụ QH.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-van-dong-dbqh-ung-ho-dong-bao-mien-trung-602018.bld