Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện Myanmar

Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Liên bang Myanmar Mahn Win Khaing Than, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã tới Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 28- 29/9.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Thượng viện Myanmar Mahn Win Khaing Than

Sáng 29/9, Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Nay Pyi Taw dưới sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện Myanmar Ma Uyn Khai Than.

Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Myanmar.

Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Myanmar Mahn Win Khaing Than đã điểm lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar, đồng thời thông báo cho nhau về tình hình kinh tế- xã hội, cũng như về cơ cấu tổ chức của Quốc hội mỗi nước.

Hai nhà lãnh đạo thống nhất đánh giá, quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước có một bề dày lịch sử, Myanmar là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao và nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh và giải phóng đất nước.

Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cũng có bước phát triển tích cực. Hai bên tiếp tục duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên như: nông nghiệp, thủy sản, tài chính-ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện… Việt Nam hiện có 11 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 700 triệu USD. Tính đến hết tháng 7/2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt xấp xỉ 300 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Hai nhà lãnh đạo thống nhất cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác có nhiều tiềm năng giữa hai nước, Quốc hội hai nước cần thúc đẩy các cơ quan của hai Chính phủ triển khai các cơ chế hợp tác quan trọng, trong đó có việc tổ chức Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar trong năm 2016; đề nghị các Bộ ngành hai bên sớm ký kết các Hiệp định, văn kiện hợp tác về tài chính, hải quan, tư pháp, văn hóa, du lịch…

Về quan hệ giữa hai Quốc hội, hai Chủ tịch nhất trí, trong thời gian tới Quốc hội hai nước cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật và công tác giám sát triển khai thực hiện pháp luật.

Chủ tịch Mahn Win Khaing Than đã thông báo về cuộc bầu cử vừa qua; quy trình sửa đổi hiến pháp của Quốc hội Myanmar và tỏ sự ngưỡng mộ về sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong hoạt động lập pháp, giám sát, đặc biệt là trong việc Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị AIPA, Đại Hội đồng Liên Nghị viện Thế giới.

Nhất trí với những đề nghị của Chủ tịch Thượng viện Myanmar Mahn Win Khaing Than, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam rất sẵn lòng chia sẻ với Myanmar về những kinh nghiệm lập pháp cũng như các vấn đề khác liên quan đến công tác xây dựng pháp luật. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, phía Myanmar tiếp tục xem xét và ủng hộ những thay đổi, bổ sung cần thiết về cơ chế, chính sách và pháp luật nhằm đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam-Myanmar.

* Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Myanmar Win Myint, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và đánh giá cao sự đoàn kết của ASEAN, mong muốn ASEAN thể hiện vai trò và lập trường thống nhất đối với các vấn đề chung của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; mong muốn, Myanmar tiếp tục phối hợp và ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông; phối hợp cùng ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh việc thực hiện Tuyên bố giữa các bên về Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Myanmar tiếp tục chia sẻ và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN, Nhóm CLMV (gồm 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam), ACMECS (Chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông), GMS (Cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng) và EWEC (Diễn đàn hợp tác hành lang kinh tế Đông-Tây)…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Win Myint

Chủ tịch Hạ viện Myanmar Win Myint đánh giá cao việc Quốc hội hai nước tiếp tục có sự hợp tác và phối hợp hành động chặt chẽ, có hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới IPU, AIPA… đồng thời bày tỏ tin tưởng Đoàn Việt Nam với những kinh nghiệm của mình sẽ có những đóng góp quan trọng trong khuôn khổ chương trình AIPA 37.

Hoan nghênh các đề xuất tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai cơ quan lập pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hạ viện Win Myint nhất trí cho rằng, hai bên cần tiếp tục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các đoàn cấp cao và đoàn cấp ủy ban cũng như giữa nghị sỹ hai nước trên phương diện song phương và đa phương; tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ, tham vấn lẫn nhau trong những vấn đề khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới mà Quốc hội hai nước là thành viên.

Tối cùng ngày, Chủ tịch Thượng viện Myanmar Mahn Win Khaing Than chủ trì tiệc chiêu đã trọng thể Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-hoi-kien-chu-tich-thuong-vien-ha-vien-myanmar/