Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì lễ đón Tổng thống Mông Cổ

Chiều nay (1/11), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì lễ đón Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại Phủ Chủ tịch.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh làm lễ chào cờ. (Ảnh: Như Ý)

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 1 – 5/11.

Hai nhà lãnh đạo duyệt đội danh dự. (Ảnh: Như Ý)

Việt Nam và Mông Cổ tuy xa nhau về khoảng cách địa lý, nhưng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt nhân dân hai nước có tình cảm gắn bó. Mông Cổ là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm, vào ngày 17/11/1954, chỉ mấy tháng sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân chụp ảnh chung với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân. (Ảnh: Như Ý)

Mông Cổ coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trong tiếp xúc gần đây, Mông Cổ nhiều lần nhấn mạnh việc coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh từng thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Thư ký đảng Nhân dân Mông Cổ vào tháng 1/2010. Ông là người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, tích cực thúc đẩy thiết lập khuôn khổ quan hệ mới với Việt Nam khi trên cương vị Phó Thủ tướng và Thủ tướng Mông Cổ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại cuộc hội đàm với Tổng thống Mông Cổ chiều 1/11. (Ảnh: Như Ý)

Do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Mông Cổ còn ở mức khiêm tốn.

Trao đổi thương mại trong 8 tháng đầu năm nay đạt khoảng 75 triệu USD, năm 2022 đạt 85 triệu USD. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mông Cổ các loại hàng nông sản, thực phẩm, tân dược. Mông Cổ xuất sang Việt Nam chủ yếu cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da.

Tổng thống Mông Cổ tại cuộc hội đàm. (Ảnh: Như Ý)

Hai bên đang nỗ lực đẩy mạnh trao đổi các mặt hàng hai bên có thế mạnh như nông, thủy sản, tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm thịt gia súc, da giày của Mông Cổ.

Hai bên bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ trong thời gian tới. (Ảnh: Như Ý)

Về đầu tư, tính đến tháng 11/2019, Mông Cổ có 3 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn ở mức 1,1 triệu USD. Việt Nam chưa có dự án đầu tư chính thức sang Mông Cổ ngoài các dự án đầu tư trực tiếp của người Việt Nam tại Mông Cổ, trị giá khoảng 10 triệu USD.

Bình Giang - Như Ý

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-chu-tri-le-don-tong-thong-mong-co-post1583333.tpo