Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn: Xây dựng NTM chỉ chú ý đến 'cơ thể'

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay (4.11) ở hội trường Quốc hội về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn - ĐB Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã chỉ ra 2 mâu thuẫn, 6 điểm nghẽn và 5 khó khăn trong thực hiện chương trình trên.

Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu tại hội trường sáng 4.11 về Chương trình xây dựng NTM mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Thắng

Mở đầu bài phát biểu thảo luận, Chủ tịch Lại Xuân Môn cho biết, qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM và 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tình hình thế giới có nhiều biến động, tình hình trong nước có nhiều thay đổi, tăng trưởng kinh tế vĩ mô chậm lại, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nhất là những khó khăn về nội tại. Song bằng sự quyết tâm cao về chính trị, cũng như hành động quyết liệt, linh hoạt sáng tạo của Chính phủ, của toàn hệ thống chính trị và sự vào cuộc tích cực của nhân dân, Chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có những thay đổi quan trọng, nhân dân tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Tôi cho rằng, chương trình này huy động được nguồn lực lớn nhất trong các chương trình. Kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất, giá trị xuất khẩu nông sản tăng, thu nhập của người nông dân cũng tăng” - Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đánh giá về những hạn chế trong chương trình xây dựng NTM, ông Môn đã thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề, đó là không ít địa phương còn nóng vội, chạy theo thành tích, chỉ lo cho đủ 19 tiêu chí, còn không quan tâm chất lượng của các tiêu chí đó ra sao. Một số nơi, trong xây dựng NTM dân chủ còn hình thức, nên dẫn tới việc đồng ý nhưng không đồng thuận, dẫn tới việc hoàn thành xây dựng NTM nhưng ở đó lại không có sự thay đổi như tạo ra con người mới, nông dân mới, giá trị mới. Việc xây dựng NTM ở nhiều địa phương mới tập trung vào “cơ thể”, tức là xây dựng kết cấu hạ tầng, mà chưa chú ý đến “tâm hồn”. Tâm hồn ở đây là tổ chức lại sản xuất, tăng giá trị, thu nhập và nâng cao giá trị sản phẩm.

Đối với vấn đề “Tái cơ cấu nông nghiệp”, ông Môn cũng cho rằng, việc thực hiện đề án chưa tạo ra sự tăng trưởng bền vững, tốc độ tăng trưởng thì chậm lại. Nông thôn thiếu bóng các doanh nghiệp đầu tư. Chất lượng, giá trị, rồi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, vấn đề phân bón giả, kém chất lượng còn diễn ra phổ biến; việc làm, thu nhập của người dân chưa ổn định.

Từ các đánh giá trên, ông Môn chỉ rõ, trong thời gian tới, xây dựng NTM còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức.

"Tôi xin nêu một số thách thức lớn. Trước tiên, chúng ta đang có 2 mẫu thuẫn trong nông nghiệp, đó là: sản xuất nhỏ - thị trường lớn và đầu tư thấp - rủi ro cao. Đối với nông thôn đang gặp 6 “điểm nghẽn”: đất đai, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng, năng suất, liên kết vùng, doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Đối với nông dân, đang có 5 khó khăn: Vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường, ô nhiễm môi trường và sự lúng túng trong sản xuất nông nghiệp.

Từ các thực trạng trên, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã đề xuất và kiến nghị với Chính phủ 3 vấn đề: Thứ nhất, rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng NTM, để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Cần phân loại thành 2 tiêu chí là tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Tiêu chí cứng là xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất, điện, đường, trường, trạm, quốc phòng, an ninh. Trong tiêu chí “cứng”, cũng phải có tiêu chí mềm. Trong tiêu chí mềm, tùy theo điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương để điều chỉnh cho phù hợp và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm.

Thứ hai, trong xây dựng NTM cần phải tập trung cho chất lượng, không nên chạy theo số lượng, phải chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. NTM là phải tạo ra sinh kế mới, con người mới, đời sống mới và dinh dưỡng mới. Con người là chủ để ở nông thôn để tạo ra sự thay đổi.

Thứ ba, trong tái cơ cấu nông nghiệp, phải đi bằng 2 chân. Trước tiên, phải tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất; gắn liên kết sản xuất với thị trường, thị trường sẽ quyết định sản xuất. Từ đó, phá thế manh mún trong đầu tư sản xuất. Liên kết ở đây, không nhất thiết phải xóa bỏ hộ sản xuất nhỏ, mà là sự gắn chặt liên thông toàn diện giữa liên kết ngang (nông dân với nông dân) và liên kết dọc (nông dân với doanh nghiệp) để tạo ra mắt xích lớn trong sản xuất.

Có thể nói rằng, nông dân Việt Nam rất giỏi trong sản xuất, bằng chứng là sản phẩm lúa gạo, cá tôm, hồ tiêu, thanh long, cao su… sản lượng luôn tăng, có vị trí trên thị trường quốc tế. Còn “chân” thứ 2 là khoa học công nghệ, ở đây nhà nước phải đầu tư tín dụng cho cơ sở nghiên cứu khoa học, để khoa học thực sự giữ vai trò dẫn dắt, là đầu tàu tạo ra các giá trị sản xuất chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiến nghị thứ 3 là bố trí lại nguồn lực vốn, tăng vốn đầu tư cho hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt giá trị kinh tế cao.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chu-tich-hoi-ndvn-lai-xuan-mon-xay-dung-ntm-chi-chu-y-den-co-the-720593.html