Chủ tịch Hà Nội cam kết làm xong 51 công trình 12 tỷ USD

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, toàn bộ 51 công trình trọng điểm ở thủ đô với tổng số vốn hàng trăm nghìn tỷ sẽ hoàn thành trước năm 2021.

Nói chuyện với các văn nghệ sĩ thủ đô cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết thành phố đang quyết tâm tạo đột trong phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Người đứng đầu chính quyền thủ đô cho biết Hà Nội đã xây dựng 51 công trình trọng điểm để thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, trong đó có 39 công trình giao thông, 6 công trình văn hóa, còn lại là giáo dục.

Số công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội là 51 với tổng mức đầu tư khoảng 276.333 tỷ đồng (hơn 12 tỷ USD).

“Nghe 51 công trình trọng điểm, mọi người có thể băn khoăn, thành phố có làm xong được không. Với quyết tâm cao, chúng tôi khẳng định hoàn toàn xong được”, ông Chung cam kết và dẫn chứng trong số 51 công trình đó, riêng năm 2016 thành phố đã hoàn thành 8, đang triển khai 27 công trình khác.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Quang Anh.

Có những công trình triển khai tốc độ nhanh, hoàn thành trong 3 tháng như đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), cầu Cổ Bi, cầu vượt Trần Khát Chân, khu công nghệ cao của Bệnh viện Xanh-Pôn.

Đề cập tới nhóm 39 công trình hạ tầng giao thông nhằm giải quyết ách tắc trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố cho hay hiện đường vành đai 1, 2, 3 đều chưa thông. Đường vành đai 2,5 chia làm 16 dự án đến nay mới hoàn thành 8 và cũng chưa thông. Đường vành đai 3,5 còn đoạn ách tắc từ đại lộ Thăng Long đến Hoài Đức và từ Hoài Đức tới đầu cầu Thượng Cát, cầu vượt nút đại lộ Thăng Long.

Thông được các công trình này sẽ giảm ách tắc tuyến Lào Cai - Yên Bái. Xe về thủ đô có thể đi theo trục Ba Vì vào Pháp Vân - Cầu Giẽ mà không cần vào đường vành đai 3 của Hà Nội - ông Chung nói và cho biết hiện tại thành phố đã khởi công, thi công mở rộng đường vành đai 3 đoạn từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long.

“Chúng tôi phấn đấu đến tháng 11/2017 sẽ hoàn thành. Làm xong tuyến đường này mới tạo điều kiện cho Bộ Giao thông làm đường trên cao từ cầu Mai Dịch” - ông Chung thông tin.

Về đường vành đai 2, ông Chung cho biết các thủ tục đã được phê duyệt xong và thành phố sẽ giải phóng mặt bằng, mở rộng đường từ đầu cầu Vĩnh Tuy tới ngã tư Vọng, làm đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy tới ngã tư Sở.

Đường vành đai 3 (đoạn từ cầu Mai Dịch tới cầu Thăng Long) đang được mở rộng. Ảnh: Quang Anh.

Để triển khai dự án, thành phố đang giải phóng mặt bằng tại quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai (từ cầu Vĩnh Tuy tới cầu Mai Động). Hà Nội phấn đấu hoàn thành tuyến đường này vào năm 2019 - dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô.

Về các công trình đường vành đai 1 (khởi công từ 1991), từ Hoàng Cầu đến đền Voi Phục, ông Chung cho biết sẽ khởi công vào tháng 5. “Hy vọng làm nhanh, đến năm 2019 chúng ta sẽ thông toàn bộ 3 tuyến đường vành đai” - lãnh đạo UBND TP cho biết.

Ngoài đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các công trình đường vành đai, Hà Nội cũng đề ra mục tiêu xây 6 cây cầu, gồm: cầu Yên Sở kết nối đường vành đai 4; giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy; cầu Trần Hưng Đạo nối từ đường Trần Hưng Đạo sang sân bay Gia Lâm; cầu Tứ Liên bắc từ khách sạn Thắng Lợi sang Trung tâm triển lãm quốc gia; cầu Thượng Cát; cầu Ba Vì - bắc qua ngã ba sông Việt Trì, Sông Lô, Sông Đà - nối với TP Việt Trì.

Ngoài ra, Hà Nội còn làm 8 cầu vượt trong nội đô, hiện đã xong 2 chiếc là cầu Trần Khát Chân và Cổ Ninh, sắp tới sẽ xây dựng ở nút An Dương.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố còn 54 đoạn đường dài ngắn khác nhau chưa kết nối hiệu quả với các tuyến giao thông.

“Như đoạn ở Văn Cao chẳng hạn, tồn tại 5-6 năm nay, thành phố cứ phải tập trung giải phóng mặt bằng, hay đoạn cuối đường Nguyễn Văn Huyên nối với Hoàng Quốc Việt. Các điểm này chúng tôi đang tập trung giải quyết” - Chủ tịch UBND TP cho biết.

Quang Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chu-tich-ha-noi-cam-ket-lam-xong-51-cong-trinh-12-ty-usd-post722155.html