Chủ tịch Đà Nẵng đối thoại với thanh niên

Ngày 16/4, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình Đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và đại biểu thanh niên với chủ đề 'Thanh niên Đà Nẵng tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới, văn hóa văn minh đô thị'.

“Số hóa” các hoạt động tình nguyện

Tại chương trình đối thoại, các đại biểu thanh niên đã đóng góp nhiều ý kiến, hiến kế để góp phần ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động tình nguyện chung tay xây dựng văn hóa, văn minh đô thị.

Theo anh Trần Văn Hiếu - Bí thư Đoàn Phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), vấn nạn quảng cáo, rao vặt miễn phí dán chi chít ở các trụ điện, khu vực công cộng bắt đầu quay trở lại.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đối thoại với đại biểu thanh niên. Ảnh: Giang Thanh

“Tôi xin đề nghị nghiên cứu hình thức mới cho bảng quảng cáo, rao vặt để sử dụng hiệu quả hơn. Đồng thời, đề xuất “Góc quảng cáo rao vặt trực tuyến” thí điểm tại các trang thông tin điện tử của các phường trung tâm quận Hải Châu và Thanh Khê. Các đơn vị muốn đăng ký quảng cáo thì gửi thông tin về Đoàn phường kiểm duyệt và phối hợp UBND phường cho đăng tin, bài”, anh Hiếu nói.

Về vấn đề này, ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng cho biết, trong 2 năm 2015, 2016, thực hiện “Năm Văn hóa, văn minh đô thị”, trên địa bàn thành phố đã lắp đặt được 148 bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí trên các địa bàn phường, xã.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc chủ đề “Năm Văn hóa, văn minh đô thị”, việc tuyên truyền, vận động về địa điểm dán quảng cáo rao vặt miễn phí không còn được quan tâm. Thậm chí một số bảng đã hư hỏng hoặc bỏ bê dẫn đến nhếch nhác, mất mỹ quan.

Anh Nguyễn Thành Đạt - Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng đề xuất nhân rộng mô hình chủ trương gắn các mã QR hoặc một bản tóm tắt tiểu sử tại các cột tên đường

“Trước thực trạng trên và ý kiến kiến nghị nghiên cứu nhiều hình thức bảng quảng cáo, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các địa phương có báo cáo, đánh giá lại thực trạng và hiệu quả sử dụng của các bảng quảng cáo rao vặt miễn phí, trên cơ sở đó sẽ có hướng xử lý thích hợp”, ông Vỹ nói.

Đại diện của Sở TT&TT cũng thống nhất với đề xuất xây dựng “Góc quảng cáo rao vặt trực tuyến” thí điểm tại các trang thông tin điện tử của các phường trung tâm quận Hải Châu và Thanh Khê.

“Tuy nhiên, việc xây dựng “Góc quảng cáo rao vặt trực tuyến” cần bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật như: là web tương tác; quản lý nội dung, đối tượng, thời gian… của quảng cáo; bảo đảm công tác an toàn thông tin và tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo và và các quy định khác của pháp luật có liên quan”, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT nói.

Đại diện lãnh đạo các Sở giải đáp thắc mắc, hiến kế của đại biểu thanh niên

Còn anh Nguyễn Thành Đạt - Bí thư Đoàn Đại học Đà Nẵng đề xuất lãnh đạo thành phố với chủ trương gắn các mã QR hoặc một bản tóm tắt tiểu sử tại các cột tên đường để người dân có thể xem khi đi qua hoặc đứng chờ đèn đỏ.

“Chúng ta có thể triển khai ở các tuyến đường trọng điểm, các tuyến đường du lịch của thành phố. Nội dung là một số thông tin cơ bản về vị trí, chiều dài, lộ giới tuyến đường cùng tiểu sử của danh nhân được đặt tên. Việc này góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho người dân”, anh Đạt nói.

Theo đại diện Sở GTVT, việc gắn bảng tên đường đã được UBND quận Sơn Trà thực hiện thí điểm ở một số tuyến đường trên địa bàn. Sở GTVT thống nhất với kiến nghị nhân rộng mô hình này và đề nghị UBND TP cho phép triển khai rộng rãi; đồng thời, đề nghị giao Sở VH&TT có văn bản hướng dẫn các quận, huyện về bố cục, nội dung thông tin, hình thức mã QR…

Chú trọng giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến

Theo ông Tô Văn Hùng - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, qua khảo sát, tình trạng thanh thiếu niên hư, chậm tiến trên địa bàn Hòa Vang rất đáng báo động với nhiều hành vi như kết bè kéo nhóm, đánh nhau, sử dụng ma túy… Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm, trên địa bàn có khoảng 750 em học sinh sau khi học hết cấp 2 không vào được cấp 3.

Dịp này, Thành Đoàn Đà Nẵng trao kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” cho 48 anh, chị có đóng góp cho công tác Đoàn, Hội, Đội trong thời gian vừa qua

“Các em có 3 sự lựa chọn: học trường kỹ thuật, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề. Tôi đề nghị cần điều chỉnh chính sách đào tạo nghề, cũng như đầu tư bài bản cho trung tâm giáo dục thường xuyên để các em có cơ hội được phát triển như bạn bè cùng trang lứa, tránh sa đà vào thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội. Đoàn thanh niên cũng nên có sự quan tâm, triển khai các mô hình, hoạt động để tập hợp, giáo dục các trường hợp thanh niên này”, ông Hùng nói.

Anh Nguyễn Duy Thành - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng đề xuất xây dựng các phiên tòa giả định dành cho các đối tượng thanh thiếu niên hư, thanh thiếu niên chậm tiến.

“Điều này chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn thanh niên, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát và Công an các địa phương. Qua đó, các em thanh thiếu nhi sẽ soi chiếu được các hành vi, có những bài học sâu sắc hậu quả các hành vi vi phạm và hiểu biết hơn về pháp luật để không vi phạm”, anh Thành nói.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao các góp ý, sáng kiến của các đại biểu thanh niên, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc xây dựng và phát triển thành phố.

Nhấn mạnh năm 2024 là "Năm Thanh niên tình nguyện”, Chủ tịch UBND TP. Đà nẵng cho rằng đây là là quyết tâm của tổ chức Đoàn các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên góp phần tham gia xây dựng vì sự phát triển của quê hương.

Ông Chinh đề nghị các cấp bộ Đoàn cần quan tâm, tạo điều kiện cho những thủ lĩnh trẻ xung kích "tình nguyện vì cộng đồng"; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết, nâng cao năng lực của thanh niên, chuyên nghiệp hóa các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; phát huy tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-da-nang-doi-thoai-voi-thanh-nien-post1629437.tpo