Chủ tịch cuối của thị xã Hồng Gai - Nét khác biệt

Năm nay, thành phố Hạ Long kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập, người dân có ôn lại nguồn gốc hình thành đô thị, không quên nhắc đến tiền bối, trong đó ông Trần Văn Đĩnh là vị Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai cuối cùng khi lên thành phố Hạ Long và ông là người có nét khác biệt.

Ông Trần Văn Đĩnh sinh năm 1941, là Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai cuối cùng khi nâng cấp đô thị lên thành phố Hạ Long.

Ông Trần Văn Đĩnh có vợ là Trịnh Thị Phương, cư trú ở tổ 8 khu 5, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long. Cặp vợ chồng già trên 80 tuổi đức độ, sống cởi mở, đoàn kết trong khu dân cư, được bà còn khu phố tin yêu; hồi còn công tác ông Trần Văn Đĩnh là người năng lực, lại trên dưới chan hòa, tình trước lý sau, nên bạn công tác cũ thường hay kéo đến thăm hỏi vui vầy.

Ông Trần Văn Đĩnh sinh ngày 15/8/1941, ở xã Hiển Khanh, huyện Vụ Bản (Nam Định), nhập ngũ năm 1958, năm 1960 được kết nạp vào Đảng. Năm 1964, ông Trần Văn Đĩnh chuyển ngành ra mỏ làm than, từng là lớp lái xe bò tót trọng tải 25 tấn đặc xa đầu tiên trên mỏ Hà Tu, rồi phấn đấu trưởng thành từ nghề mỏ đến chức Trưởng ban tổ chức Đảng bộ than Hồng Gai (nay là Đảng bộ than Quảng Ninh) mới chuyển sang làm công tác Đảng, chính quyền địa phương.

Tháng 1/1989, ông Trần Văn Đĩnh được đề bạt giữ chức Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai. Khi xây dựng xong Đề án đưa thị xã Hồng Gai lên thành phố Hạ Long thì về nghỉ, ông Nguyễn Xuân Trượng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai lên thay. Ông Nguyễn Xuân Trượng là vị Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long đầu tiên; và ngày công bố Nghị định 102/NĐ-CP 27/12/1993 thành lập thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở thị xã Hồng Gai.

Thị xã Hồng Gai được thành lập ngày 16 tháng 8 năm 1949, theo Quyết định của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 1 nằm trong Đặc khu Hồng Gai. Đặc khu Hồng Gai gồm 3 thị xã: Hồng Gai, Cẩm Phả mỏ, Cẩm Phả bến; có 4 phố: Bãi Cháy, Hà Tu, Hà Lầm, Mông Dương; 1 huyện là Cẩm Phả gồm 12 xã: Hồng Thạch, Văn Hải, Sinh Châu, Tam Khê, Thi Đua, Thụy Hà, Tràng Xá, Đoàn Kết, Lương Hà, Đông Hà, Hà Long, Xuyên Yên. Theo đó, ngày 5 tháng 10 năm 1949, huyện Hoành Bồ tách khỏi tỉnh Quảng Yên nhập vào Đặc khu Hồng Gai.

Ngày 22 tháng 2 năm 1955, sau ngày giải phóng khu mỏ Đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên hợp nhất thành khu Hồng Quảng, đô thị thủ phủ là thị xã Hồng Gai. Cụ Phạm Đình Chỉnh, sinh năm 1911 là Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã Hồng Gai đầu tiên (UBND thị xã Hồng Gai) - theo ông Phạm Đình Chương, nguyên Phó ban Thi đua khen thưởng thành phố Hạ Long, là con cụ Chỉnh cho biết.

Cụ Lê Bàn sinh thời là Phó ty Giáo dục Quảng Ninh, diện giáo viên thời Pháp lưu dung bảo, địa danh Hồng Gai hay Hòn Gai còn đang tranh luận. Hồng Gai, có nguồn gốc từ 2 chữ cái của 2 địa phương ghép lại. Chữ Hồng là chữ đầu của khu Hồng Quảng ghép với chữ cuối của khu Hồng Gai mà thành. Còn xuất xứ chữ Gai, kể thì dài, vắn tắt theo cụ Lê Bàn: Trước năm 1884, Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ. Thông ngôn của Pháp khi ấy chủ yếu là người miền Nam. Người miền Nam thường gọi vật to là béo, vật bé là gầy. Khi triều đình Huế bán mỏ than cho tư bản Pháp, người Pháp lập bản đồ địa chất và nhượng địa đánh dấu địa danh trên bản đồ. Qua phiên dịch nơi họ đặt chân làm trụ sở cơ quan quản lý, điều hành khai khoáng ở khu núi bé (núi Gầy), địa bàn còn có núi to (núi Béo) nay núi Béo vẫn còn, một mỏ than lấy tên Than Núi Béo; núi Gầy thì không còn nữa.

Ngày 24/4/1888, Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (FSCT) thành lập đặt trụ sở ở khu núi bé còn gọi là hòn gầy, người Pháp dựa theo thổ ngữ viết là Hongay. Các văn bảo giao dịch trong nước và quốc tế Công ty FSCT đều ghi là Hongay, ta gọi là Hòn Gai; than đá Hongay thương phẩm chung cho cả vùng mỏ Đông Bắc nổi tiếng dùng luyện kim từ thế chiến thứ II. Hiện bản đồ địa chất và các tài liệu của Pháp để lại đều ghi là Hongay. Từ đó suy ra, những tài liệu ghi địa danh Hòn Gai được giải thích là Pháp đặt tên cho hòn đảo nhiều cây có gai là không ổn.

Ông Trần Văn Đĩnh - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai cuối cùng, về hưu có nét khác biệt, được cho là người đầu tiên ở địa phương “cáo ấn từ quan” văn hóa từ chức khi thấy mình có khuyết điểm trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể: Năm 1993, khi chuyển bến xe Hồng Gai ra ngoài đô thị, dành quỹ đất nay là khu phố Hồng Ngọc, khu I phường Bạch Đằng cấp đất cho dân tự xây nhà ở. Đối tượng chủ yếu là thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Mỗi ô đất diện tích 30m2, phía sau nhà cách nhà 2m làm rãnh thoát nước. Các hộ dân xin phép tầng trên đua ra phía sau 0,5m, UBND thành phố đồng ý điều chỉnh cấp phép xây dựng, cho các hộ dân tự cơ nới để hạ thấp độ dốc cầu thang. Gia đình anh Nguyễn Văn Huân, Hà Văn Thái… thì lập bàn thờ bố mình là liệt sỹ, trên diện tích sàn đua ra phía sau.

Chủ tịch UBND tỉnh khi ấy là ông Nguyễn Tất Dũng thấy vậy thì không đồng ý, yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai Trần Văn Đĩnh phải đôn đốc nhân dân tháo dỡ. UBND thị xã Hồng Gai có văn bản báo cáo, thực tế chia ô cấp đất cho mỗi căn hộ 30m2 diện tích xây dựng nhỏ khó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, công năng sử dụng. Địa phương đã điều chỉnh giấy cấp phép cho các hộ gia đình kéo dài 0,5m về phía sau, phía dưới tầng 1 để không gian thông thoáng, hiện 20 hộ đã xây dựng xong công trình.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tất Dũng quyết không nghe, yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai phải cưỡng chế tháo dỡ và yêu cầu ông Trần Văn Đĩnh: “không tháo dỡ được thì về để người khác làm Chủ tịch thay”. Ông Trần Văn Đĩnh trình bày và đề nghị nếu UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu tháo dỡ, thì UBND thị xã Hồng Gai chấp hành. Nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tất Dũng không ra văn bản, thì rất khó thực hiện, ông Trần Văn Đĩnh đã tự xin về nghỉ hưu khi ở tuổi 53.

Ông Trần Văn Đĩnh hưu trí ở tổ 8 khu 5, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long.

Về hưu trước tuổi khi đang ở cương vị Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai, ông Trần Văn Đĩnh bảo mình thanh thản khi thấy có lỗi trong chỉ đạo công tác quản lý trật tự xây dựng… thì tự xin thôi chức vụ. Còn đồng nghiệp, bầu bạn thì bảo ông Trần Văn Đĩnh là Chủ tịch UBND thì xã Hồng Gai cuối cùng và có nét khác biệt với văn hóa từ chức.

Một số hình ảnh tư liệu về thị xã Hồng Gai:

Cụ Phạm Đình Chỉnh (1911-2003) là Chủ tịch đầu tiên của thị xã Hồng Gai sau ngày tiếp quản Khu mỏ.

Ông Nguyễn Xuân Trượng (1946-2014) là Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long đầu tiên.

HĐND thị xã Hồng Gai khóa 15, họp kỳ bất thường ra Nghị quyết nâng cấp thị xã Hồng Gai lên thành phố Hạ Long.

Khi tiếp quản Khu mỏ, thu hồi khai trường của Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (FSCT) trụ sở ở phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long ngày nay, thành lập Xí nghiệp Quốc doanh than Hồng Gai.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chu-tich-cuoi-cua-thi-xa-hong-gai-net-khac-biet-366208.html